Là đất nước có chiều dài lịch sử hình thành và phát triển hàng nghìn năm với nhiều dân tộc anh em cộng cư sinh sống, nên lễ hội văn hóa là một phần tất yếu, thậm chí đậm đặc ở nhiều vùng miền.
Hiện nay, nhiều địa phương xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng hoặc mũi nhọn của địa phương, qua đó nhiều sự kiện văn hóa, trong đó lồng ghép những lễ hội truyền thống nhằm tạo điểm nhấn, hoặc tổ chức lễ hội đặc trưng với quy mô lớn, trở thành sản phẩm du lịch để giới thiệu, quảng bá đến bạn bè du khách. Đây được xem là cách làm xã hội hóa, có chiều sâu, mang lại hiệu quả nhiều mặt đảm bảo hai yếu tố song trùng vừa bảo tồn, đồng thời phát huy lễ hội văn hóa truyền thống.
Bên cạnh lễ hội văn hóa truyền thống, các địa phương đã và đang tổ chức các lễ hội hiện đại dựa trên nền tảng văn hóa và điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, địa phương, trở thành dịp để thu hút du khách, quảng bá hình ảnh hiệu quả.
Phú Yên được biết đến là vùng đất nhiều lớp trầm tích văn hóa, khá nhiều lễ hội truyền thống, diễn ra ở nhiều địa phương với quy mô khác nhau. Có thể kể ra như: Lễ hội vịnh Xuân Đài, Lễ hội sông nước Đà Nông, Lễ hội chùa Đá Trắng, Lễ hội đền Lê Thành Phương, Lễ hội đền Lương Văn Chánh, lễ hội cầu ngư, lễ hội trống đôi cồng ba chiêng năm... Hầu hết các lễ hội đều diễn ra vào dịp đầu năm và mùa xuân. Tuy nhiên, quy mô, tính chất, hiệu quả của các lễ hội nói trên xét ở góc độ kinh tế thông qua hoạt động du lịch thì chưa hiệu quả. Hay nói cách khác là các lễ hội này chưa thu hút du khách.
Để phát triển du lịch trên nền tảng lễ hội văn hóa, nhất thiết cần phải có một lễ hội đặc trưng, như các tỉnh đã từng làm và thành công như: Festival Huế, Lễ hội bắn pháo hoa Đà Nẵng, Lễ hội quả điều vàng của Bình Phước, Lễ hội dừa Bến Tre, Lễ hội trái cây các tỉnh Nam Bộ, Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột...
Để làm được điều này, ngành Văn hóa - Du lịch tỉnh nhà cần rà soát, đánh giá các giá trị di sản văn hóa (phi vật thể, vật thể), trong đó có lễ hội truyền thống, cùng các điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội địa phương, từ đó phác thảo và xây dựng thương hiệu lễ hội.
Trong phạm vi bài viết này cũng như đề xuất mang tính gợi ý của tác giả, Phú Yên có lễ hội cầu ngư, một lễ hội truyền thống đặc sắc của các địa phương miền biển. Hơn thế, lễ hội cầu ngư còn là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, thông thường được tổ chức một năm một lần (cá biệt có nơi tổ chức một năm hai lần vào mùa xuân và mùa thu) trong các tháng từ 1, 2, 3, 4, 7, 8 (âm lịch). Ngày tổ chức lễ cầu ngư có nơi lấy theo ngày Ông lụy, có nơi lấy theo ngày vua ban sắc phong, có nơi theo phong tục làm ăn mà định ngày cúng. Trong khi đó, du lịch biển cũng là thế mạnh của Phú Yên. Sản phẩm ẩm thực nổi tiếng của Phú Yên là hải sản, trong đó tiêu biểu là cá ngừ đại dương. Nếu kết hợp lễ hội cầu ngư với lễ hội cá ngừ đại dương, thiết nghĩ cũng là một ý tưởng hay trong việc hình thành và xây dựng thương hiệu lễ hội của tỉnh.
TRẦN QUỚI