Thứ Bảy, 23/11/2024 22:17 CH
Du lịch có trách nhiệm: Góp phần giúp ngành Du lịch phát triển bền vững
Chủ Nhật, 30/09/2018 07:12 SA

Hàng năm, Sở VH-TT-DL, Hiệp hội Du lịch Phú Yên đều phát động bảo vệ môi trường du lịch tại các điểm đến. Trong ảnh: Lãnh đạo Sở VH-TT-DL, Hiệp hội Du lịch và các doanh nghiệp trồng cây xanh tại danh thắng quốc gia Gành Đá Đĩa - Ảnh: TRẦN QUỚI

Du lịch có trách nhiệm hay du lịch bền vững là một cách tiếp cận quản lý du lịch, nhằm tối đa hóa lợi ích kinh tế, xã hội, môi trường và giảm thiểu chi phí tới các điểm đến. Trong bối cảnh hiện nay, việc thực hiện du lịch có trách nhiệm là vấn đề xuyên suốt.

 

Trách nhiệm toàn diện

 

Trải qua quá trình phát triển, các quốc gia đang bắt đầu hướng đến phát triển bền vững, trong đó có phát triển du lịch bền vững. Theo ông Đỗ Đình Cương, giảng viên dự án EU (Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội do Liên minh châu Âu tài trợ), du lịch có trách nhiệm liên quan đến tất cả các chủ thể: khách du lịch, đơn vị kinh doanh du lịch, nhà quản lý và cộng đồng; đồng thời du lịch có trách nhiệm đảm bảo cân bằng 3 trụ cột, gồm: trách nhiệm về kinh tế, trách nhiệm về xã hội và trách nhiệm về môi trường.

 

Du lịch có trách nhiệm đảm bảo tính toàn vẹn môi trường, tạo sự công bằng xã hội, phát huy các giá trị và tôn trọng văn hóa địa phương, tạo ra những sản phẩm du lịch có chất lượng, hàm lượng văn hóa và giá trị đạo đức cùng giá trị trải nghiệm cao hơn.

 

Trách nhiệm về kinh tế là một trong những nội dung quan trọng đầu tiên, bởi hơn hết du lịch là một ngành kinh tế mà ta thường gọi là “công nghiệp không khói”. Khi phát triển các dự án du lịch, cần phải đánh giá tác động kinh tế, xác định rõ loại hình ưu tiên phát triển để mang lại lợi ích cho cộng đồng dân cư địa phương và giảm thiểu các tác động tiêu cực tới đời sống của họ.

 

Các vấn đề liên quan đặt ra với các dự án du lịch đó là giải quyết lao động địa phương, sản phẩm đặc thù nhiều giá trị gia tăng, xúc tiến quảng bá du lịch, xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, giá cả hợp lý, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nhỏ cùng lĩnh vực kinh doanh.

 

Trách nhiệm về xã hội là một đặc thù cơ bản của phát triển du lịch có trách nhiệm, bởi những sản phẩm mang lại của du lịch mang bản chất tổng hòa văn hóa và dịch vụ xã hội. Bởi vậy, du lịch có trách nhiệm chính là trách nhiệm với xã hội với như nội dung cụ thể như: Tích cực thu hút cộng đồng dân cư địa phương tham gia vào quá trình hoạch định chính sách và ra quyết định, nâng cao năng lực để họ hiện thực hóa các sáng kiến đề ra.

 

Đánh giá tác động xã hội về dự án du lịch từ khi lập kế hoạch, thiết kế dự án đến sản phẩm du lịch. Tôn trọng phong tục, tập quán của cư dân bản địa; bảo tồn và phát huy tính đa dạng về văn hóa và xã hội; phát triển du lịch gắn chặt với mục tiêu vì người nghèo và hỗ trợ giảm nghèo, đóng góp cho việc cải thiện y tế và giáo dục tại cộng đồng...

 

Trách nhiệm về môi trường là yếu tố quan trọng để đánh giá một nền du lịch có trách nhiệm hay không. Điều này yêu cầu mỗi dự án du lịch phải đánh giá tác động môi trường trong quá trình hoạch định và thiết kế dự án du lịch; sử dụng tài nguyên hợp lý và bền vững, giảm chất thải và tiêu thụ quá mức tài nguyên và năng lượng; quản lý đa dạng tự nhiên, sinh thái theo hướng bền vững; phục hồi những khu vực tài nguyên tự nhiên bị xâm hại và xác định rõ các loại hình du lịch gắn với môi trường để có hướng bảo vệ, bảo tồn nguyên vẹn các hệ sinh thái dễ bị phá hủy và các khu phòng hộ. Nâng cao năng lực về du lịch có trách nhiệm cho mọi chủ thể và tuân thủ những phát triển du lịch trách nhiệm, lành mạnh, hiệu quả.

 

Du khách trải nghiệm việc trồng rau tại làng rau Ngọc Lãng, TP Tuy Hòa - Ảnh: TRẦN QUỚI

 

Trách nhiệm với từng chủ thể

 

Theo bộ tiêu chuẩn về du lịch có trách nhiệm của dự án EU đang được ứng dụng và tuyên truyền phổ biến hiện nay với du lịch Việt Nam, các chủ thể chính tham gia vào sự phát triển du lịch đều phải gắn trách nhiệm của mình. Trong đó, cơ quan quản lý du lịch tại địa phương phải xây dựng chính sách, chiến lược, quan điểm phát triển rõ ràng; phổ biến, tập huấn, phát tài liệu hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp và cộng đồng địa phương thực hiện theo các nguyên tắc có trách nhiệm; tổ chức các hội thảo, lớp đào tạo để nâng cao nhận thức và trao đổi kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình thực hành; tuyên truyền, khuyến khích, tôn vinh các điển hình thực hiện du lịch có trách nhiệm…

 

Doanh nghiệp kinh doanh du lịch phải xây dựng chiến lược doanh nghiệp phù hợp với nguyên tắc có trách nhiệm; thu hút và đào tạo nguồn nhân lực; xây dựng các sản phẩm du lịch có trách nhiệm; hướng dẫn khách du lịch thực hiện du lịch có trách nhiệm; sử dụng nguồn tài nguyên, năng lượng, nguồn nước có trách nhiệm; bảo vệ môi trường, xử lý và hạn chế chất thải sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường và bán sản phẩm xanh…; khuyến khích các hoạt động du lịch tình nguyện và các hoạt động mang tính trách nhiệm cao; xây dựng quỹ bảo vệ môi trường, quỹ phát triển cộng đồng…

 

Đối với khách du lịch, du lịch có trách nhiệm là tìm hiểu và tuân thủ các tập tục địa phương, lựa chọn các doanh nghiệp kinh doanh hướng đến sự bền vững và có trách nhiệm; có ý thức tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, văn hóa bản địa…; sẵn sàng tham gia các hoạt động môi trường, văn hóa tại địa phương. Còn cộng đồng địa phương cần có thái độ ứng xử thân thiện, tôn trọng và hỗ trợ khách du lịch trong quá trình tham quan, tìm hiểu tại địa phương; hiểu biết về nguồn tài nguyên cộng đồng đang sở hữu để bảo vệ và giới thiệu đến du khách; tham gia các hoạt động du lịch một cách có tổ chức, tránh tình trạng tự phát, gây lộn xộn, thiếu văn minh đô thị…

 

Từ những yêu cầu cơ bản về du lịch có trách nhiệm, Bộ VH-TT-DL và nhiều địa phương trong đó có Phú Yên đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử văn minh hiện đại trong du lịch. Ông Hồ Văn Tiến, Giám đốc Sở VH-TT-DL Phú Yên, cho biết: Từ khi tỉnh ban hành Bộ Quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch, ngành Du lịch đã tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong các cơ quan quản lý nhà nước, điểm đến, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, lữ hành, cộng đồng và du khách đã mang lại hiểu quả bước đầu rất tích cực, góp phần nâng cao nhận thức và phát triển du lịch có trách nhiệm.

 

Mang lại nhiều lợi ích

 

Theo các chuyên gia dự án EU, du lịch có trách nhiệm sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho chính các chủ thể mà nó tác động, yêu cầu nâng cao tiêu chuẩn và ý thức về trách nhiệm trong du lịch. Đó là tiết kiệm chi phí, mang lại giá trị cho sản phẩm và những giá trị tích cực, tạo dựng môi trường trong lành cho ngành Du lịch vững mạnh, mang lại lợi ích xã hội về cơ hội cho những nhóm chịu thiệt thòi, vì người nghèo và làm tăng trải nghiệm thực tế cho du khách. Và dĩ nhiên, tổng hợp những ích lợi ấy sẽ tạo nên một nền du lịch phát triển bền vững thân thiện, trách nhiệm với môi trường và xã hội.

 

Ông Đỗ Đình Cương nêu ví dụ: Một khách sạn chỉ cần sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng ngay lập tức giúp tiết kiệm chi phí. Điều chỉnh 10C nhiệt độ điều hòa thôi đã có thể giúp bạn tiết kiệm lên tới 10% chi phí sử dụng điều hòa nhiệt độ mỗi năm! Hay một doanh nghiệp lữ hành thực hiện du lịch có trách nhiệm với cộng đồng về môi trường về văn hóa, về thiện nguyện và vận động khách hàng của mình cùng làm, chắc chắn họ sẽ rất vui vẻ, sẵn lòng và bản thân họ cũng có những trải nghiệm ý nghĩa. Trong khi đó, doanh nghiệp được nâng tầm giá trị, uy tín, mang lại danh tiếng cũng như làm tăng khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp du lịch khác.

 

Du lịch có trách nhiệm mang lại những giá trị tích cực. Nó tạo ra một lực lượng lao động vui vẻ, hạnh phúc, từ đó làm tăng năng suất lao động; bảo vệ các khu vực tự nhiên tại các điểm đến khiến lượng du khách quay trở lại nhiều hơn cũng như bảo đảm sự tồn tại của các doanh nghiệp trong thời gian dài. Du lịch có trách nhiệm còn tạo dựng một môi trường trong lành, mang lại cơ hội cho những nhóm chịu thiệt thòi, vì người nghèo, tăng trải nghiệm... Du lịch có trách nhiệm cho phép các cộng đồng địa phương chủ động tham gia và hưởng lợi từ ngành Du lịch cũng như giúp họ có tiếng nói đối với sự phát triển của ngành... Tất cả những lợi ích mà du lịch có trách nhiệm mang lại tạo ra hình ảnh, thương hiệu, giúp ngành Du lịch phát triển bền vững, góp phần phát triển kinh tế-xã hội và hình ảnh quê hương, đất nước.

 

TRẦN QUỚI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek