Những cánh đồng màu mỡ, trù phú được bồi đắp bởi dòng sông Ba; vẻ đẹp hoang sơ, huyền bí của núi rừng, sông suối đã tạo nên nét đẹp thôn dã, thanh bình gắn liền với tuổi thơ của biết bao thế hệ - Tây Hòa còn là vùng đất có bề dày lịch sử, phong phú về văn hóa và giàu truyền thống cách mạng… Đây chính là nguồn tài nguyên, là cơ sở để hình thành những sản phẩm du lịch đặc trưng.
Một thương hiệu thành công cần có yếu tố đặc trưng nhất định và gây được ấn tượng sâu sắc. Muốn xây dựng được thương hiệu du lịch đặc trưng trước tiên cần xây dựng được những sản phẩm du lịch đặc trưng. Với tài nguyên sẵn có, Tây Hòa có điều kiện xây dựng những sản phẩm du lịch độc đáo, mang màu sắc riêng có của địa phương, phù hợp xu hướng phát triển chung của tỉnh và cả nước.
Du lịch nông nghiệp - nông thôn, làng nghề
Loại hình du lịch nông nghiệp - nông thôn đang dần thu hút sự chú ý của du khách. Tiềm năng du lịch nông nghiệp - nông thôn ở Tây Hòa rất lớn bởi địa phương có đồng bằng màu mỡ, đa dạng về điều kiện sinh thái, sinh học, dân cư chủ yếu sinh sống ở nông thôn, người dân hiếu khách. Đây là điều kiện tốt để xây dựng mô hình du lịch này.
Để phát triển loại hình này, chúng ta có thể giao cho hợp tác xã chọn một số cánh đồng trên địa bàn huyện có điều kiện giao thông thuận lợi, có đồng ruộng, có ao hồ như thị trấn Phú Thứ, xã Hòa Đồng, xã Hòa Phong… đầu tư xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp, đưa du khách đến trải nghiệm môi trường sống ở thôn quê, tự chơi, tự nấu nướng như ở nhà, thưởng thức không gian sống gắn liền với đồng quê. Cùng với đó là kết hợp giới thiệu về phong tục, tập quán, nét đẹp văn hóa của địa phương.
Có thể nghĩ đến dạng tour du lịch “Ngày mùa” với nhiều hoạt động hấp dẫn như: cấy lúa, cắt lúa (theo mùa), tát mương bắt cá, soi ếch, nhái, bắt cua hay thưởng ngoạn, chụp ảnh bên cánh đồng lúa, tổ chức các đám cưới lãng mạn trên cánh đồng, chụp ảnh ở công viên Rơm, ngắm trăng đồng quê. Bên cạnh đó có thể cho du khách thuê xe bò, xe ngựa, xe đạp để đi dạo, ngắm cảnh đồng quê. Tour du lịch “Ngày mùa” rất dễ triển khai vì khai thác những nguồn lực tài nguyên sẵn có của địa phương. Phát triển tốt loại hình du lịch này sẽ tạo công ăn việc làm, kế sinh nhai, trao quyền cho cộng đồng địa phương…
Du lịch làng nghề truyền thống đang là một hướng phát triển của nhiều quốc gia. Du khách trong nước và quốc tế ngày càng ưa chuộng tour du lịch này. Từ lâu, Tây Hòa đã có những làng nghề truyền thống nổi tiếng như làng đan đát Vinh Ba, trồng dâu nuôi tằm Hòa Phong… Sự tồn tại và phát triển của các làng nghề này như một hình ảnh đầy bản sắc, khẳng định một nét riêng độc đáo không thể thay thế của một vùng đất. Du khách có thể đến tham quan, khám phá, tìm hiểu quy trình, kỹ thuật tạo ra các sản phẩm làng nghề, thâm nhập cuộc sống cộng đồng với những phong tục tập quán của người dân. Ngoài ra, du khách có thể tự trải nghiệm làm những sản phẩm từ mây, tre hoặc thưởng thức hương vị của rượu dâu tằm, một đặc sản của Tây Hòa.
Du lịch sinh thái kết hợp chữa bệnh
Ngày nay, nhu cầu thư giãn, chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng chữa bệnh của con người ngày càng cao, kết hợp theo kiểu "một công đôi việc". Du lịch chữa bệnh kết hợp du lịch sinh thái là một hướng đi phù hợp, không còn quá xa lạ với nhiều du khách.
Suối nước nóng Lạc Sanh (xã Sơn Thành Đông) là một địa chỉ rất thích hợp để khai thác loại hình du lịch này. Nơi đây hội tụ các yếu tố thiên nhiên bổ trợ như rừng, sông, đặc biệt ở đây có một nguồn suối khoáng nóng thích hợp cho việc chăm sóc sức khỏe. Khu vực này định hướng xây dựng một khu du lịch với đầy đủ dịch vụ đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, chữa bệnh kết hợp với du lịch sinh thái. Để làm được điều này, địa phương cần có giải pháp mời gọi thu hút đầu tư, tạo cơ chế thông thoáng để thu hút các doanh nghiệp.
Ngoài ra, Tây Hòa còn có các điểm như: Suối Lạnh, vực Phun, hồ Hóc Răm cũng thích hợp cho khai thác du lịch sinh thái.
Du lịch homestay
Sông Ba, một con sông lớn của miền Trung chảy qua địa phận huyện Tây Hòa có rất nhiều giá trị nổi bật về lịch sử, văn hóa và kinh tế. Phù sa sông Ba bồi đắp nên cánh đồng lúa Tây Hòa phì nhiêu, màu mỡ và nhiều khu làng mạc trù phú, với những phương thức canh tác, sản xuất truyền thống, lâu đời. Với những đặc trưng như vậy, có thể tổ chức cho du khách tham quan, tìm hiểu cuộc sống sinh hoạt, lao động hàng ngày của bà con. Để du khách có những ấn tượng khó quên về vùng đất này, có thể để du khách tham gia các hoạt động thường ngày của người dân như đúc giá trên cát, cào hến trên sông, câu cá, trồng và hái các loại cây trên bãi bồi như mướp, bí, dưa…; đưa du khách tắm sông, ngắm cảnh làng quê bên bờ sông Ba lúc hoàng hôn bằng thuyền; buổi tối du khách có thể tự chế biến các món ăn dân dã như cháo hến, cá nướng, khoai nướng, bắp nướng, cùng với đó là sinh hoạt lửa trại để cảm nhận nét yên bình của miền quê lúc về đêm.
Một sản phẩm cũng mang nhiều đặc trưng, trở thành sản phẩm bổ trợ không thể thiếu cho các tour, loại hình du lịch đó là ẩm thực. Ẩm thực đặc trưng của Tây Hòa là những món bình dị, dân dã chất đồng quê, hương vị của vùng đất này, tạo ấn tượng khó phai trong lòng thực khách. Trong đó, cá đá suối là món ăn không thể thiếu trên bàn ăn của khách khi đến Tây Hòa với nhiều món độc đáo và hấp dẫn, nhưng ngon và đặc trưng là món: cá nướng, cá chiên chấm mắm ngò. Hay món bông bí luộc ăn kèm với cá rô đồng và cơm (ở đây có hẳn một địa phương được mệnh danh là “xã bông bí” - xã Hòa Bình 2, nay là thị trấn Phú Thứ). Ngoài ra, Tây Hòa còn có những món đã trở thành thương hiệu như: rượu dâu tằm, cà phê, bơ Sơn Thành…
Bên cạnh đó, Tây Hòa còn là vùng đất có bề dày lịch sử, phong phú về văn hóa và giàu truyền thống cách mạng. Trong những năm chiến tranh, nơi đây là vùng căn cứ địa cách mạng, Đồng khởi Hòa Thịnh, chiến thắng Đường 5 là những sự kiện đã đi vào lịch sử… Tất cả nếu được đầu tư phát triển đúng hướng sẽ tạo nên những sản phẩm du lịch đặc trưng thu hút du khách.
CAO HỒNG NGUYÊN
Phó Phòng Quản lý văn hóa, Sở VH-TT-DL