Bắt nguồn từ vùng núi Gia Lai, sông Kỳ Lộ (dài trên 120km) chảy trọn trên đất Phú Yên. Đến hạ lưu, sông Kỳ Lộ còn được gọi là sông Cái hoặc Ngân Sơn. An Thổ - An Dân, vùng đất một thời là tỉnh lỵ Phú Yên vẫn bình dị bên dòng sông quê lung linh huyền tích một thời mở cõi…
Về An Thổ
Thành An Thổ được Bộ VH-TT-DL công nhận Di tích khảo cổ cấp quốc gia năm 2005. Chùa Từ Quang (Đá Trắng) được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1997; năm 2013, quần thể 20 cây xoài ngự chùa Đá Trắng được công nhận Cây Di sản Việt Nam. Cùng làng nghề truyền thống đan thúng chai Phú Mỹ và nhiều điểm danh thắng, di tích, làng nghề khác trên vùng đất Tuy An là nguồn tài nguyên quý để phát triển du lịch không chỉ của huyện mà của cả Phú Yên nếu được đầu tư một cách căn cơ, bài bản. |
Nằm ở tả ngạn sông Cái, năm 2005, thành An Thổ (thuộc thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An) được Bộ VH-TT-DL công nhận Di tích khảo cổ cấp quốc gia. Từ quốc lộ 1, đường về An Thổ man mác, yên bình dưới bóng cây, xen với những vạt nắng dọc bờ sông Cái. Rêu phong những bức tường, cổng thành, tòa công đường, kỳ đài, trại ngựa, trường bắn, dinh tổng đốc, trại lính, vật dụng một thời… đang được bảo tồn phục dựng.
Theo tài liệu của Phòng VH-TT huyện Tuy An, thành An Thổ được xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 1832-1836 dưới thời Minh Mạng. Đây là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Phú Yên suốt hơn 60 năm (1836- 1899) và là phủ Tuy An từ năm 1899 đến cuối thập niên 30 của thế kỷ XX. Thành có bình đồ hình vuông, rộng khoảng 6.400m2, bốn góc được đắp nhô hẳn ra phía ngoài, xung quanh có hào nước rộng khoảng 15m, tường thành cao khoảng 3,5m. Bốn cửa thành quay ra bốn hướng đông, tây, nam, bắc với tên gọi: cửa Tiền, cửa Hậu, cửa Hữu, cửa Tả.
Thành An Thổ còn lưu dấu lịch sử quan trọng trong phong trào Cần Vương chống Pháp dưới sự chỉ huy của thủ lĩnh Lê Thành Phương cuối thế kỷ XIX. Vào năm 1886, nghĩa quân Cần Vương do Lê Thành Phương chỉ huy đã bao vây đánh chiếm thành An Thổ. Nhưng sau đó, nghĩa quân bị thực dân Pháp phản công và đàn áp khốc liệt, Lê Thành Phương bị bắt và bị xử chém tại bến đò Cây Dừa (thuộc xã An Dân, huyện Tuy An ngày nay). Đặc biệt, thành An Thổ còn là nơi sinh của đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong thời gian từ năm 1901-1906, ông Trần Văn Phổ - thân phụ của đồng chí Trần Phú, được cử vào Phú Yên giữ chức Giáo thụ tại phủ Tuy An. Ông Phổ đã đưa cả gia đình vào sinh sống tại thành An Thổ. Và cũng chính nơi đây, đồng chí Trần Phú đã cất tiếng khóc chào đời (ngày 1/5/1904) và gắn bó tuổi thơ đến năm 1907. Nhà trưng bày lưu niệm Tổng Bí thư Trần Phú hiện đã được xây dựng tại di tích Thành An Thổ.
Theo các vị cao niên ở xã An Dân, xung quanh khu vực thành An Thổ vẫn còn lưu dấu sự phát triển của khu vực kinh kỳ xưa. Đó là các làng nghề mộc mỹ nghệ, rèn, làm bánh kẹo… và cảnh buôn bán vẫn luôn sầm uất ở khu vực chợ Thành ngày nay. Khu vực này đang hứa hẹn sẽ phát triển khi được hoạch định là một trong những địa chỉ quan trọng của tuyến du lịch phía bắc Phú Yên.
Truyền nghề thúng chai ở Phú Mỹ - Ảnh: TRẦN QUỚI |
Làng nghề thúng chai Phú Mỹ
Cũng ở phía tả ngạn sông Cái, phía trên quốc lộ 1 là làng nghề đan thúng chai Phú Mỹ (xã An Dân, huyện Tuy An). Một ngôi làng khá đặc biệt, khi nông dân lại làm thúng chai, dụng cụ chuyên dùng cho người làng biển!
Theo những người cao niên trong làng, nghề đan thúng chai có từ thời ông cố, ông sơ của họ. Từ nghề đan mê sõng, thúng mủng, các dụng cụ dùng cho sản xuất nông nghiệp rồi tiến đến “sản phẩm to” ra được biển lớn lúc nào cũng không rõ. Lý do khiến vùng này duy trì được nghề chính là kỹ thuật đan thúng chai đã đạt đến mức nhuần nhuyễn; sản phẩm vừa đẹp, vừa bền, vượt cả trào lưu thúng nhựa composite, được ngư dân chấp nhận. Thậm chí có một dạo thúng chai còn xuất khẩu sang Thái Lan, Thụy Sĩ để làm du lịch… Thứ nữa, đây là vùng đất có nhiều tre - nguyên liệu để đan thúng, dọc từ thượng nguồn sông Kỳ Lộ cho đến hạ nguồn sông Cái. Ông Nguyễn Hùng, một thợ làm thúng chai lâu năm, cho hay: “Nghề này có từ xa xưa, kết hợp với làm nông, rảnh mùa ruộng thì tập trung làm thúng, hay có thể tranh thủ làm “sấp”. Những năm gần đây, thúng chai được tiêu thụ mạnh nên nhiều nhà mạnh dạn đầu tư khi làm nghề. Tuy chưa thể làm giàu, nhưng nghề đan thúng chai có việc quanh năm, thu nhập cũng đủ trang trải cho cuộc sống và lo cho con cái học hành”.
Nghề đan thúng chai khá nhọc công và có phần nặng nhọc. Đầu tiên là chặt tre từ dọc hai bên thượng nguồn dòng Kỳ Lộ (không có công thì phải mua, mất thêm chi phí), về nhà chẻ tre, ra nan, đan mê, lận vành, trét dầu rái… Một sản phẩm hoàn thiện phải mất ít nhất 3 công thợ lành nghề, chưa kể công đoạn chặt tre. Mỗi chiếc thúng, tùy kích cỡ có giá từ 1-3 triệu đồng. Ông Trần Văn Tiến, một thợ đan thúng chai, chia sẻ: “Nghề này đòi hỏi người thợ phải có đôi tay khéo léo, khỏe mạnh, có kinh nghiệm và kỹ thuật tốt. Để thúng chai có chỗ đứng, người thợ phải giữ uy tín bằng sản phẩm bền, đẹp”.
Từ sự chân chất, thật thà, uy tín của người thợ nông dân, những sản phẩm của làng nghề đã đứng được trên thị trường, tạo công ăn việc làm thường xuyên. Làng nghề thúng chai Phú Mỹ có gần 40 cơ sở, với trên 120 lao động. Thời gian qua, địa phương đã triển khai những mô hình đào tạo, hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi cho người dân phát triển làng nghề.
Những ngày mùa mưa, làng nghề thúng chai Phú Mỹ vẫn hoạt động rộn rịp và cho ra sản phẩm đều đều chuẩn bị cho mùa biển mới. Ở làng nghề giờ đây cũng đã hình thành nhiều cơ sở vừa đan thúng vừa thu mua để xuất đi các thị trường xa. Hộ ông Nguyễn Công là một trong những cơ sở như vậy. Gia đình ông Công cũng từ nghề đan thúng rồi tìm được đầu ra, nên thu mua thêm hàng từ các hộ trong làng bỏ mối cho đại lý khắp các tỉnh ven biển trên cả nước.
Thời gian gần đây, du lịch Phú Yên có nhiều khởi sắc, thu hút du khách cả nước đến với xứ sở “hoa vàng cỏ xanh”, làng nghề truyền thống thúng chai Phú Mỹ được biết như một điểm đến tham quan, tìm hiểu trên tuyến du lịch phía bắc của tỉnh. Theo ông Võ Khánh Ngọc, Quyền Giám đốc Trung tâm Thông tin và xúc tiến du lịch Phú Yên (Sở VH-TT-DL), nếu làng nghề thúng chai được đầu tư, phát triển một cách bài bản, có thêm những sản phẩm nho nhỏ thủ công cho khách du lịch, cũng như hướng dẫn du khách trải nghiệm các công đoạn làm ra sản phẩm, thì tương lai đây sẽ là một điểm đến hấp dẫn dành cho du khách muốn tìm hiểu văn hóa, trải nghiệm cuộc sống.
Được biết, trong kế hoạch phát triển du lịch huyện Tuy An, làng nghề đan thúng chai Phú Mỹ cũng là một trong những điểm quan trọng của tuyến.
Khách thập phương dưới quần thể 20 cây xoài ngự chùa Đá Trắng - Cây di sản Việt Nam - Ảnh: TRẦN QUỚI |
Huyền tích Đá Trắng
Từ An Thổ, ngược về hướng bắc, chúng tôi đến chùa Từ Quang (còn gọi là chùa Đá Trắng) ở thôn Cần Lương, xã An Dân. Ở đây cứ vào mùng 10-11 tháng Giêng hàng năm là diễn ra lễ hội chùa Từ Quang, tấp nập khách thập phương.
Năm 2013, cụm 20 cây xoài ngự trong khuôn viên chùa đã được công nhận là Cây di sản, trong đó một số cây đã được trồng trên 220 năm. Dưới bóng xoài cổ thụ, hòa thượng trụ trì chùa Từ Quang cho biết, theo huyền sử, trên đường hành quân đánh trận ngang qua đất Phú Yên, chúa Nguyễn Ánh đã được dân địa phương dâng lãm xoài Đá Trắng. Hương vị thơm thanh đặc biệt chưa từng thấy đã làm ngài vô cùng ấn tượng. Thế nên sau đó, dưới triều Gia Long, cùng với bòn bon Quảng Nam, xoài Đá Trắng đất Phú Yên đã trở thành “Nhị bảo ngự thiện”. Mỗi dịp Đoan Ngọ, Phú Yên phải mang dâng vua từ 1.000-2.000 trái xoài Đá Trắng. Cái tên xoài “Ngự” ra đời từ đó. Xoài “chánh gốc” Đá Trắng hiện chỉ kết trái mỗi năm một ít, chủ yếu để dành cúng Phật.
Sử cũ còn ghi, những cây xoài cổ thụ này đã có trước khi chùa Từ Quang được tạo lập (năm Đinh Tỵ - 1797, triều vua Quang Toản nhà Tây Sơn). Thời vua Thành Thái (năm Kỷ Sửu - 1889), chùa được hoàng thái hậu Từ Dũ ban sắc tứ. Có giả thiết cho rằng, sau khi nhà Tây Sơn mất, nhiều quân tướng Tây Sơn đã xuống tóc quy y ở chùa này nhằm tránh sự khủng bố của nhà Nguyễn - Gia Long. Đây là ngôi chùa đã chứng kiến những cuộc gặp gỡ bí mật hệ trọng của các lãnh tụ phong trào Cần Vương. Sân chùa Đá Trắng hiện vẫn còn ngôi miếu thờ hai chí sĩ yêu nước Võ Trứ và Trần Cao Vân.
Bô lão trong vùng cho hay, hoa của xoài Đá Trắng ở chùa này luôn có màu trắng muốt, khác với hoa xoài khác thường ngả sang màu vàng. Trái xoài ngự chỉ bằng nắm tay, khi chín có màu vàng nhẹ, vỏ mỏng, cơm dày, hương thơm sực nức lan xa. Sở dĩ xoài nơi đây có hương vị khác biệt, bởi bám rễ trên những tảng đá trắng phau chen đá đen tuyền quanh chùa. Những năm gần đây, xoài ngày càng kết trái ít dần, trong đó, nhiều cây chỉ ra hoa mà không đậu trái.
Khi chùa Từ Quang được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia (1997), ngành Nông nghiệp tỉnh có ý định phục tráng giống xoài “cổ tích” nhưng vẫn chưa thành công; xoài ngự Đá Trắng đang ngày càng hiếm dần. Hiện tại, chỉ trông vào việc chiết ghép của một số người dân, phật tử quanh vùng. Hy vọng, một ngày không xa, du khách sẽ được thưởng thức những trái xoài Đá Trắng, chứ không chỉ trong tích xưa…
HÙNG PHIÊN - QUỲNH MAI