Hiện đã có 3 địa phương phối hợp với Sở VH-TT-DL tổ chức khảo sát điểm đến, sản phẩm du lịch trước khi tiến hành hội thảo bàn giải pháp đầu tư phát triển du lịch ở địa phương mình. Đây là một trong những bước đi cụ thể thực hiện Chương trình hành động số 05 của Tỉnh ủy khóa XVI về đầu tư phát triển đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh giai đoạn 2016-2020.
Quyết tâm chính trị
Sông Hinh là một trong những địa phương quan tâm đến việc phát triển du lịch, mặc dù đây là một huyện miền núi, xa trung tâm, vị trí địa lý không thật sự thuận lợi. Theo ông Phan Thanh Quyền, Trưởng Phòng VH-TT huyện Sông Hinh, ngay sau Năm Du lịch quốc gia duyên hải Nam Trung Bộ 2011 tổ chức tại Phú Yên, huyện Sông Hinh đã xây dựng và ban hành đề án Chuyên đề về phát triển du lịch của huyện giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn đến năm 2020. Sau đó, UBND huyện đã cụ thể hóa đề án này bằng Kế hoạch 68 về phát triển du lịch huyện Sông Hinh giai đoạn 2011-2015. “Với những kết quả đạt được về du lịch của huyện trong thời gian qua cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy thông qua Chương trình hành động về đầu tư phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng giai đoạn 2016-2020, huyện Sông Hình tiếp tục xây dựng chương trình hành động và kế hoạch triển khai nhiệm vụ đầu tư phát triển du lịch với quyết tâm cao trong giai đoạn 2016-2020”, ông Quyền cho biết.
Theo ông Đặng Đình Toại, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, thời gian qua, việc đầu tư phát triển du lịch của huyện đạt được những kết quả đáng khích lệ trên các mặt: đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hình thành các điểm du lịch sinh thái, làng nghề, dịch vụ ăn uống, sự quan tâm của khách du lịch... Ông Đặng Đình Toại khẳng định: “Phát triển du lịch Sông Hinh giai đoạn 2016-2020 là phát huy lợi thế về du lịch sinh thái tự nhiên gắn với nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc để phát triển các loại hình và sản phẩm du lịch. UBND huyện đầu tư có trọng điểm, trọng tâm theo quy hoạch; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trên cơ sở pháp luật và chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư của huyện, nhằm khai thác tối đa các nguồn lực tại chỗ, từ bên ngoài”.
Thực hiện Chương trình hành động số 05 của Tỉnh ủy, Huyện ủy Tây Hòa cũng đã ban hành Chương trình hành động về đầu tư phát triển đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện giai đoạn 2016-2020. Theo đó, mục tiêu là khuyến khích và thu hút các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch như: Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch, khu vui chơi giải trí, các tuyến đường nối với điểm du lịch; phát triển du lịch “xanh” bền vững, gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; tăng cường tuyên truyền, quảng bá hình ảnh quê hương, con người, các tiềm năng du lịch thu hút du khách, nhà đầu tư… Huyện phấn đấu thu hút hơn 40.000 lượt khách du lịch; có 5 cơ sở lưu trú đạt chuẩn phục vụ khách du lịch với 100 buồng; giải quyết trên 200 lao động trong lĩnh vực du lịch. Về giải pháp, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa Nguyễn Hữu Thọ cho biết: “Giải pháp quan trọng đầu tiên là phải có quyết tâm chính trị, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền, phối hợp với các ngành đoàn thể trong lĩnh vực du lịch. Đồng thời huy động các nguồn vốn, ngân sách và các nguồn lực xã hội đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên thu hút các dự án đầu tư lớn, có tiềm lực và kinh nghiệm về lĩnh vực du lịch; xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ và nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu ngành kinh tế du lịch; tuyên truyền nâng cao nhận thức về phát triển du lịch trong cán bộ, đảng viên, nhân dân…”.
Còn tại huyện Tuy An, lãnh đạo địa phương này cũng vừa tổ chức đoàn khảo sát chuẩn bị cho hội thảo phát triển du lịch huyện diễn ra vào cuối tháng này.
Buôn Lê Diêm được đầu tư xây dựng trở thành điểm du lịch văn hóa cộng đồng tạo ấn tượng cho du khách tham quan, trải nghiệm - Ảnh: TRẦN QUỚI |
Những tín hiệu vui
Sau khi phối hợp với Sở VH-TT-DL tổ chức khảo sát và tiến hành hội thảo phát triển du lịch ở 2 huyện Sông Hinh và Tây Hòa, các địa phương này đã nhận nhiều tín hiệu vui. Đầu tiên phải kể đến là sự hào hứng tham gia khảo sát của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, lữ hành và nhà đầu tư trong tỉnh. Qua chuyến khảo sát, lực lượng này sẽ “có tiếng nói” trong việc xây dựng tour, tuyến, điểm du lịch của địa phương vào phương án kinh doanh, quảng bá. Hơn nữa, chính họ là những “du khách đặc biệt” trải nghiệm và có những ý kiến đóng góp phản hồi để chủ cơ sở, chính quyền địa phương có sự đầu tư, điều chỉnh hợp lý. Việc khảo sát các điểm đến, dịch vụ du lịch là cơ sở cần thiết để “hiến kế” cho địa phương trong việc hoạch định, xây dựng kế hoạch phát triển du lịch; đồng thời tìm kiếm cơ hội đầu tư các dự án du lịch.
Theo ông Võ Tấn Tài, Phó Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông và Du lịch Newstar, cả Sông Hinh và Tây Hòa đều có những điểm đến rất độc đáo, khiến những người làm lữ hành tâm đắc để khai thác tour mới. Ví dụ, huyện Tây Hòa có suối nước nóng Lạc Sanh, suối lạnh Hòa Thịnh; trong khi Sông Hinh có lợi thế về khu vực hồ Trung tâm thị trấn Hai Riêng kết nối với buôn văn hóa Lê Diêm. Khó khăn lớn nhất hiện nay ở các huyện vẫn là hạ tầng giao thông và dịch vụ du lịch.
Ông Phan Thanh Quyền cho biết, thời gian gần đây, Sông Hinh đón khá nhiều đoàn khách du lịch trong và ngoài tỉnh. Phản hồi của họ sau khi tham quan, trải nghiệm ở Sông Hinh rất tốt. Đặc biệt, sau hội thảo phát triển du lịch huyện Sông Hinh, mới đây đã có nhà đầu tư đặt vấn đề với lãnh đạo huyện về đầu tư xây dựng dự án du lịch quy mô ở khu vực phụ cận hồ Trung tâm thị trấn Hai Riêng.
Tương tự, sau cuộc khảo sát và hội thảo phát triển du lịch huyện Tây Hòa, được biết một nhà đầu tư đã và đang khảo sát lập dự án Xây dựng khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng ở khu suối nước nóng Lạc Sanh, xã Sơn Thành Đông. Nếu mọi việc thuận lợi, các dự án được xúc tiến sớm, hy vọng các huyện Sông Hinh, Tây Hòa có thêm những điểm du lịch vui chơi giải trí, góp phần đa dạng sản phẩm du lịch của Phú Yên.
TRẦN QUỚI