Tại hội thảo “Đánh giá toàn diện tiềm năng và đề xuất các giải pháp phát triển du lịch khu vực núi Chóp Chài, TP Tuy Hòa” mới đây, các chuyên gia đưa ra nhiều giải pháp nhằm góp phần phát triển du lịch núi Chóp Chài nói riêng và từng bước xây dựng thương hiệu du lịch “Phú Yên - Điểm đến hấp dẫn và thân thiện” nói chung. Báo Phú Yên ghi nhận một số ý kiến.
TS LÊ XUÂN PHƯƠNG, VIỆN TRƯỞNG VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN DOANH NHÂN VÀ DOANH NGHIỆP ĐÔNG NAM Á: Thế mạnh phát triển du lịch tâm linh
Hiện trong vùng núi Chóp Chài có 5 ngôi chùa (Bửu Lâm, Hồ Sơn, Khánh Sơn, Minh Sơn và chùa Hang) thờ cúng đức Phật cùng những tín ngưỡng văn hóa của nhân dân, đã chứng minh cho sự linh thiêng của vùng núi này. Chóp Chài có thế mạnh để phát triển du lịch tâm linh. Tuy nhiên, do một số yếu tố tác động cũng như sự chuyển mình một cách chậm chạp, du lịch tâm linh vùng núi Chóp Chài chưa thật sự phát triển. Nếu việc quy hoạch nơi đây được thực hiện một cách bài bản, các công trình hiện có được chỉnh trang lại, cảnh quan bị phá vỡ được khắc phục, các khu vực ăn uống, dịch vụ chữa bệnh, nghỉ dưỡng phục vụ khách du lịch quốc tế và nội địa được quy hoạch một cách tổng thể thì những quần thể này sẽ mang đến một luồng sinh khí mới, góp phần phát triển ngành Du lịch Phú Yên nói riêng và cả nước nói chung.
Du khách đến với những mảnh đất du lịch tâm linh đều mang sự hiếu kỳ, khám phá, mong muốn xóa đi những bi ai của trần thế, cầu khấn những điều tốt đẹp. Trong tương lai, với sự quy hoạch hợp lý về mặt phong thủy, núi Chóp Chài sẽ là một quần thể du lịch có giá trị tâm linh lớn, thu hút được nhiều du khách thập phương.
THS NGUYỄN HOÀI SƠN, CHỦ TỊCH LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC KỸ THUẬT PHÚ YÊN: Xây dựng làng nghề trồng hoa và cây cảnh khu vực Chóp Chài
Nghề trồng hoa và cây cảnh ở Phước Hậu có từ rất lâu. Sản phẩm chủ yếu là mai, lộc vừng, ba chia, quất, cây sung cảnh, hoa cúc, ly ly... Tuy nhiên, để tạo ra những sản phẩm hoa, cây cảnh có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường và gắn với phát triển du lịch cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Một là tổ chức điều tra, khảo sát kỹ lưỡng quỹ đất của Phước Hậu. Từ đó xây dựng, quy hoạch cụ thể làng hoa và cây cảnh Phước Hậu trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch của phường 9 gắn với phát triển du lịch khu vực núi Chóp Chài. Hai là khuyến khích các hộ gia đình liên kết trong đầu tư xây dựng làng hoa và cây cảnh theo hướng tổ chức sản xuất chuỗi hàng hóa gắn với phát triển du lịch. Ba là, việc xây dựng cần mở rộng quy mô toàn phường 9. Thứ tư là, chính quyền địa phương và các ngành chức năng cần nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi một số chính sách ưu đãi về thuế đất đai, vật tư nông nghiệp, dịch vụ nhằm khuyến khích, hỗtrợ các hộ gia đình, doanh nghiệp tập trung đầu tư sản xuất hoa và cây cảnh quy mô lớn... Năm là đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ hiện đại trong trồng hoa và cây cảnh ở Phước Hậu. Cuối cùng là cần tăng cường vai trò quản lý nhà nước của các cấp, ngành liên quan đối với việc xây dựng làng hoa và cây cảnh Phước Hậu gắn liền với phát triển du lịch.
ÔNG NGUYỄN THÀNH TÂM, CHỦ TỊCH HIỆP HỘI DU LỊCH PHÚ YÊN: Xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù khu vực núi Chóp Chài
Qua quá trình khảo sát thực địa và đánh giá tiềm năng khu vực núi Chóp Chài, tôi cho rằng, các loại hình du lịch chính ở đây là du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng, du lịch sức khỏe kết hợp với du lịch học tập, sinh thái và thể thao. Thực tế hiện nay, nhu cầu về du lịch sức khỏe và tâm linh của người dân rất lớn. Vì vậy, để phát triển tốt các loại hình du lịch này, việc quy hoạch vùng trồng cây dược liệu và tạo thương hiệu dược liệu núi Chóp Chài là cần thiết. Việc đề xuất xây dựng khu du lịch tâm linh núi Chóp Chài gồm những dự án: Đền thờ các Vua Hùng, Tháp Hội Tụ và Chùa Ngọc ở phía bắc núi Chóp Chài gắn liền với điểm dừng chân trên quốc lộ 1, khu khám chữa bệnh, bán dược liệu và các hàng đặc sản, lưu niệm... hứa hẹn sẽ là điểm nhấn mới của du lịch Phú Yên.
ÔNG LÊ VĂN THỨNG, CHỦ TỊCH HỘI BẢO VỆ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG PHÚ YÊN: Xây dựng làng văn hóa tre, sinh cảnh tre
Minh Đức, Ngọc Phong là những sơn thôn nằm ven chân núi Chóp Chài, có cảnh quan đặc sắc với truyền thống làm nghề nông và đan đát. Vì vậy, hai thôn này có lợi thế rất lớn để phát triển, xây dựng thành làng nghề đặc thù gắn với quy hoạch nông thôn mới, phù hợp với tập quán sản xuất theo mô hình làng văn hóa tre, sinh cảnh tre - trúc, tạo ra sản phẩm du lịch riêng của vùng núi Chóp Chài.
Làng văn hóa tre được xây dựng sẽ tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi hiện tại của địa phương; thu hút và nâng cao tay nghề cho người lao động, nhất là nâng cao vai trò, vị trícủa phụ nữ trong hoạt động dịch vụ du lịch, nâng cao thu nhập, đời sống người dân địa phương.
Hệ sinh cảnh tre sẽ mang đến cho khu vực núi Chóp Chài một bản sắc văn hóa riêng biệt, đặc trưng mà các tỉnh trong khu vực Nam Trung Bộ chưa có. Đó sẽ là biểu tượng cho hệ sinh thái tre - trúc nhiệt đới. Điều này còn góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng TP Tuy Hòa xanh, sạch, đẹp, thân thiện và từng bước hiện đại.
Đề tài “Đánh giá toàn diện tiềm năng và đề xuất các giải pháp phát triển du lịch khu vực núi Chóp Chài, TP Tuy Hòa” do ông Hồ Văn Tiến, Giám đốc Sở VH-TT-DL Phú Yên và TS Chế Đình Lý, Phó viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên, đồng chủ nhiệm. Đề tài này nghiên cứu điều kiện tự nhiên và đánh giá tiềm năng khu vực núi Chóp Chài, chủ yếu xoay quanh kết quả phân tích và điều tra về: phong thủy, di tích lịch sử, văn hóa, cộng đồng... để phục vụ khai thác tiềm năng du lịch, tạo ra điểm đến đặc trưng có tính đột phá cho ngành Du lịch Phú Yên. Thời gian thực hiện đề tài dự kiến từ nay đến năm 2020.
THIÊN LÝ (thực hiện)