Vừa rồi có dịp ngang qua Vũng Rô, tôi thấy khách du lịch đến điểm di tích Vũng Rô - Tàu Không số và Bãi Môn - Mũi Điện khá đông. Đa số các đoàn khách nội sau khi tham quan hai điểm danh thắng, di tích trên đều chọn phương án ăn hải sản trên bè nổi. Có đoàn thì liên hệ sẵn, có đoàn khi đến điểm tham quan được người nhà bè giới thiệu. Không khí khá sôi động, cho thấy bức tranh du lịch của tỉnh nói chung và mô hình làm ăn của những hộ kinh doanh loại hình ăn uống hấp dẫn này nói riêng.
Rằng vui thì thật là vui, nhưng nghĩ đến những sự vụ gần đây liên quan đến tàu bè du lịch mới thấy, loại hình dịch vụ này cần được quản lý chặt chẽ, có những hướng dẫn và quy định cụ thể trước khi kinh doanh, để không xảy ra hậu quả rồi mới lo xử lý.
Những người quan tâm đến du lịch đều biết đến những sự cố về cháy, chìm tàu du lịch trên sông Hàn ở Đà Nẵng, Cần Thơ, Bình Dương. Trong những sự cố này, trách nhiệm đầu tiên rõ ràng thuộc về chính chủ của những phương tiện tàu, bè kinh doanh dịch vụ. Nhưng trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong quản lý nhà nước cũng không nhỏ.
Sau hàng loạt tai nạn khiến nhiều người thiệt mạng, vụ sập bè hải sản Vĩnh Tiến ở Ninh Thuận lại gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với loại hình du lịch ẩm thực trên sông nước này. Điều đáng nói là khi tai nạn xảy ra, cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra mới phát hiện nhiều sai phạm như: không giấy phép đăng ký, không đăng kiểm, tự chế hoặc cải hoán từ tàu, bè nuôi cá cũ kỹ…
Với khách du lịch, họ đâu biết được những phương tiện tàu, bè này là không bảo đảm an toàn. Trong khi đó, người kinh doanh thì chẳng buồn quan tâm, miễn sao có phương tiện để kiếm tiền, chứ chưa nghĩ đến hậu quả vì “xui lắm mới tới mình”. Như vậy, rõ ràng trách nhiệm còn lại thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, khi các vụ tai nạn xảy ra, người ta lại nghe điệp khúc “chúng tôi rất lấy làm tiếc” hay “sẽ tăng cường kiểm tra, quyết liệt xử lý” rồi “quan điểm là xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, quyết không để xảy ra vụ việc tương tự”… của những người có trách nhiệm từ cơ quan quản lý nhà nước.
Đừng để mất bò mới lo làm chuồng. Tốt nhất là phải có sự quản lý từ đầu, có quy chuẩn, quy định rõ ràng cho từng loại phương tiện phục vụ du khách để người kinh doanh căn cứ vào đó mà đầu tư, để du khách nhìn vào đó nhận diện được đâu là phương tiện an toàn.
Phú Yên hiện có khá nhiều bè nổi đang kinh doanh ăn uống phục vụ khách du lịch ở khu vực đầm Ô Loan, vịnh Vũng Rô, cầu Bình Phú… Nếu không có sự chuẩn bị, rút kinh nghiệm từ những bài học đau lòng ở các tỉnh bạn thì hậu quả sẽ khó lường.
QUỲNH MAI