Mới đây, Bộ VH-TT-DL phối hợp UBND tỉnh Phú Yên tổ chức lớp tập huấn về công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch. Theo TS Từ Mạnh Lương, Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ và môi trường (Bộ VH-TT-DL), hiện nay, lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch đang bị ảnh hưởng bởi những vấn đề về ô nhiễm môi trường, nhất là các hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Báo Phú Yên ghi lại một số vấn đề mà TS Từ Mạnh Lương nêu ra trong công tác BVMT và giải pháp nâng cao hiệu quả BVMT.
THỰC TRẠNG VỀ Ô NHIỄM VÀ CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Về lĩnh vực du lịch, hiện nay một số khu, điểm du lịch còn xuất hiện chất thải rắn, rác thải, nước thải chưa được thu hồi xử lý triệt để nên có nguy cơ tiềm ẩn ô nhiễm cục bộ và tái ô nhiễm, đặc biệt là các khu, điểm du lịch nằm ở hạ lưu các lưu vực sông suối, ao hồ, các bãi biển, đảo… Một trong những vấn đề tưởng như rất nhỏ, tuy nhiên lại có ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh du lịch Việt Nam đó là vấn đề nhà vệ sinh công cộng tại các khu, điểm du lịch. Nhà vệ sinh còn thiếu, chưa đủ đáp ứng nhu cầu, nhiều nơi có thì đã xuống cấp, rất mất vệ sinh khiến du khách ngại sử dụng.
Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, hiện tượng ô nhiễm cục bộ nêu trên thường xảy ra trong quá trình thi công xây dựng các cơ sở du lịch và dịch vụ; trong quá trình xây dựng sản phẩm du lịch và cung cấp dịch vụ cho du khách. Các thành phần tác động thường là chất thải, nước thải ra môi trường tự nhiên, không được cơ sở kinh doanh thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn BVMT.
Đối với các di tích, danh thắng, bản thân yếu tố môi trường, cảnh quan là một bộ phận cấu thành. Sự đa dạng về môi trường ở nhiều vùng miền khác nhau cũng tạo nên sự phong phú về số lượng danh thắng nước ta, tham gia vào các hoạt động du lịch phát triển kinh tế. Việc phát triển hoạt động du lịch tại các khu di tích đã đem lại nhiều lợi ích vật chất và tinh thần. Tuy nhiên, chính hoạt động du lịch đã gây những tác động tiêu cực tới môi trường tự nhiên ở các di tích. Sự tăng trưởng du lịch là mối lo ngại bởi các tác động tiềm tàng đến đa dạng sinh học và đe dọa đối với các nền văn hóa bản địa, cùng các nguồn tài nguyên truyền thống khác.
Cả nước có khoảng 8.000 lễ hội, trong đó lễ hội dân gian chiếm 90%. Các lễ hội thường gắn với di tích văn hóa, danh lam thắng cảnh; đây là một dạng tài nguyên du lịch nhân văn đặc sắc, thu hút rất đông khách du lịch nội địa lẫn quốc tế. Đặc thù của lễ hội là mang tính thời điểm, nhiều lễ hội thời gian tổ chức chỉ từ 1-3 ngày, lượng khách thập phương tập trung trong cùng thời điểm rất lớn, điều này dẫn đến áp lực đối với môi trường tự nhiên. Trong khi đó, công tác BVMT trong tổ chức lễ hội ở nhiều địa phương trên cả nước còn hạn chế, yếu kém về nhiều mặt như: nhân lực hạn chế, phương tiện thực hiện vệ sinh môi trường thu gom, xử lý rác thải còn lạc hậu, thiếu nhà vệ sinh; ý thức BVMT của cộng đồng nơi tổ chức lễ hội, những người hoạt động kinh doanh du lịch, du khách chưa cao…
NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Nhận thức được vai trò của công tác BVMT trong việc phát triển du lịch bền vững, Chính phủ, cơ quan quản lý, các địa phương nhiều năm qua đã có nhiều biện pháp quyết liệt và hiệu quả như xây dựng hoặc lồng ghép nội dung BVMT trong các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Trong chiến lược, quy hoạch phát triển du lịch cấp quốc gia, địa phương hay các điểm du lịch cụ thể, công tác đánh giá tác động môi trường và giải pháp BVMT được ưu tiên hàng đầu và là điều kiện tiên quyết để phê duyệt các chiến lược, quy hoạch, dự án. Ngoài ra, việc đầu tư trang thiết bị cho công tác BVMT được tăng cường; việc tuyên truyền nâng cao nhận thức; công tác thanh tra, kiểm tra BVMT trong hoạt động du lịch được tiến hành thường xuyên…
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác BVMT trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch cần tiếp tục thực hiện 4 nhóm giải pháp.
Thứ nhất, nhóm giải pháp nâng cao nhận thức BVMT. Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các cán bộ trực tiếp quản lý trong lĩnh vực, người lao động trong ngành Du lịch và cộng đồng dân cư, du khách tại các điểm du lịch, tổ chức lễ hội và di tích. Tuyên truyền công tác BVMT trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Các sự kiện thể thao phải gắn với công tác BVMT. Xây dựng bộ tiêu chuẩn và xét tặng danh hiệu cho tổ chức, cá nhân hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch có thành thích xuất sắc trong công tác BVMT.
Thứ hai, nhóm giải pháp hoàn thiện cơ chế chính sách BVMT. Nghiên cứu, tham mưu đề xuất với Đảng, Nhà nước ban hành các văn bản, chỉ thị chỉ đạo các địa phương về BVMT trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch. Trên cơ sở quy định pháp luật, tiếp tục xây dựng, điều chỉnh, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về công tác BVMT.
Thứ ba, nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về BVMT. Lồng ghép, thực hiện các nội dung BVMT đối với các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch; khẳng định và nâng cao vai trò của tiêu chí BVMT trong các cuộc vận động; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về môi trường…
Thứ tư, nhóm giải pháp tăng cường nguồn lực cho công tác BVMT, trong đó có hai vấn đề chính cần quan tâm là tăng cường đầu tư về vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị và nguồn nhân lực.
TRẦN QUỚI (ghi)