Thứ Hai, 25/11/2024 00:47 SA
Phát triển du lịch cộng đồng, tạo sự đa dạng sản phẩm
BÀI 1: Nhiều tiềm năng
Chủ Nhật, 01/02/2015 07:55 SA

Buôn Lê Diêm (thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh) trong một lần đón khách du lịch - Ảnh: T.QUỚI

Khi du lịch hưởng thụ, du lịch mua sắm… đã trở nên quen thuộc và nhàm chán thì phần đông du khách nghĩ đến và chọn du lịch cộng đồng. Ở đó, khách có thể hòa mình với thiên nhiên, trải nghiệm chính cuộc sống và văn hóa của người dân bản địa, tìm hiểu, khám phá một cách tự nhiên, cặn kẽ bằng cách cùng ăn, cùng ở, cùng làm (homestay).

 

Theo Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO), du lịch cộng đồng (Community Based Tourism - CBT) là hình thức phát triển du lịch mang lại cho du khách những trải nghiệm về cuộc sống địa phương, trong đó cộng đồng địa phương tham gia trực tiếp vào các hoạt động du lịch, thu được những lợi ích kinh tế - xã hội từ các hoạt động du lịch và chịu trách nhiệm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường, văn hóa địa phương. 

Các nguyên tắc cơ bản của du lịch cộng đồng là: Bình đẳng xã hội, tôn trọng văn hóa địa phương và các di sản thiên nhiên, chia sẻ lợi ích, sở hữu và tham gia của địa phương.

XU HƯỚNG THỜI ĐẠI

 

Loại hình du lịch cộng đồng được biết đến từ những năm 80 của thế kỷ trước và được mở rộng ở hầu hết các nước trên thế giới. Qua thời gian, du lịch cộng đồng phát triển hết sức đa dạng. Những nơi có cộng đồng cư dân sinh sống với những bản sắc văn hóa, phong tục tập quán độc đáo đều có thể phát triển du lịch cộng đồng. Tại các nước nông nghiệp như Trung Quốc, Ấn Độ, các nước ASEAN…, một dạng khác của du lịch cộng đồng đó là du lịch dựa vào nền văn minh và phát triển nông nghiệp. Có nghĩa là một loại hình du lịch tạo ra sản phẩm phục vụ du khách chủ yếu dựa vào nền tảng của hoạt động sản xuất nông nghiệp.

 

Theo chuyên gia Trương Nam Thắng (Dự án “Chương trình Phát triển năng lực Du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội” do Liên minh châu Âu EU tài trợ, gọi tắt là Dự án EU), du lịch nông thôn, nông nghiệp rất phong phú, gần gũi, gắn bó mật thiết với người nông dân; từ tư liệu sản xuất, đất đai, quy trình sản xuất, phương thức tập quán kỹ thuật canh tác và sản phẩm làm ra… đến những yếu tố tự nhiên có liên quan đến sản xuất nông nghiệp như thời tiết, khí hậu, canh tác… đều là cơ sở tài nguyên cho du lịch nông nghiệp. Không gian tổ chức các hoạt động du lịch nông nghiệp cho du khách là trang trại, đồng ruộng, vườn cây… của gia đình, một nhóm gia đình trong làng hay một hợp tác xã.

 

Khách du lịch tham gia cùng người nông dân với các công đoạn trên đồng ruộng là dịp để họ thư giãn, giải trí, rèn luyện thể lực và trải nghiệm cuộc sống. Người nông dân thông qua du lịch cộng đồng cũng được dịp quảng bá sản phẩm nông nghiệp của mình và tất nhiên một phần thu nhập từ nông nghiệp của họ cũng tăng lên nhờ du lịch.

 

Cũng theo chuyên gia Trương Nam Thắng, tư tưởng cốt lõi của loại hình du lịch cộng đồng chính là phát triển du lịch nhưng môi trường phải được bảo vệ, những giá trị văn hóa, lịch sử bản địa phải được giữ gìn, tôn tạo và đặc biệt cộng đồng cư dân nơi du lịch phát triển phải được hưởng lợi từ việc phát triển du lịch đó. Nói cách khác, du lịch cộng đồng là du lịch có trách nhiệm, du lịch xanh.

 

TÀI NGUYÊN PHONG PHÚ

 

Việt Nam là nước có diện tích đất nông nghiệp lớn và tỉ lệ dân số là nông dân cao nên trong định hướng phát triển du lịch, việc lựa chọn mô hình du lịch cộng đồng nông nghiệp là rất phù hợp, nếu không nói là nhiều tiềm năng và thế mạnh. Thực tế cũng cho thấy ở nhiều địa phương đã hình thành và phát triển khá thành công loại hình này như: Một số bản ở Sa Pa (Lào Cai), làng cổ Đường Lâm (Hà Nội), làng Cầu ngói Thanh Toàn (Thừa Thiên - Huế), làng rau Trà Quế (Quảng Nam), cồn Thới Sơn (Tiền Giang)… Khách du lịch đến đây cùng ở, cùng ăn, cùng làm những công việc như một người nông dân học việc thực thụ để cảm nhận, trải nghiệm cuộc sống một cách trung thực nhất.

 

Phú Yên ngoài thế mạnh tài nguyên du lịch biển, đảo, cũng có lợi thế và giàu tiềm năng về tài nguyên du lịch cộng đồng. Trong những năm qua, du lịch Phú Yên đã có những chuyển biến và phát triển. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này chưa tương xứng với tiềm năng du lịch của tỉnh mà một trong những nguyên nhân chính là sản phẩm du lịch hiện có còn nghèo nàn, thiếu hấp dẫn và không đa dạng.

 

Marius (đứng), du khách Hà Lan, rất thích thú khi tham gia làm vườn cùng bà con ở làng rau Ngọc Lãng (TP Tuy Hòa) - Ảnh: T.QUỚI

 

Với sự cạnh tranh ngày càng gia tăng, kinh doanh du lịch đang phải đối mặt với những thách thức nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, đòi hỏi phải có những sản phẩm đặc thù, tạo nên sự khác biệt với những điểm đến khác trong vùng. Trong bối cảnh như vậy, phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng là rất cần thiết.

 

Có thể thấy, tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng ở Phú Yên rất đa dạng, phong phú. Đó là những làng nghề truyền thống, những buôn làng của đồng bào dân tộc thiểu số còn đậm chất văn hóa bản địa. Nhiều ngôi làng hoàn toàn có thể phát triển du lịch cộng đồng nếu có sự đầu tư bài bản, như: Làng nghề bánh tráng Hòa Đa, làng rau, hoa Ngọc Lãng, làng văn hóa Xí Thoại, Lê Diêm, Hòa Ngãi…

 

BUÔN LÀNG ĐÓN KHÁCH DU LỊCH

 

Lê Diêm (thị trấn hai Riêng) là một trong những buôn được công nhận thôn, buôn văn hóa đầu tiên ở huyện Sông Hinh. Trong thôn, 100% số hộ là người dân tộc Ê Đê, cộng đồng người ở đây gần như còn giữ nguyên phong tục, tập quán, nét văn hóa của dân tộc mình và rất hiếu khách. Nơi đây, trong những ngày hội làng, hoặc khi được tổ chức biểu diễn đón khách về thăm, những chàng trai, cô gái Ê Đê đã làm say lòng khách bằng tình cảm chân thành, mộc mạc qua lời ca, tiếng hát, những bước nhảy Aráp, chén rượu cần trên nền “âm nhạc truyền thống” của cồng chiêng. Lửa được đốt lên, vòng tròn được nối lại, chủ và khách cùng nhau nhảy múa. Những cô gái Ê Đê buôn Lê Diêm trong trang phục truyền thống hướng dẫn khách vít cần, mời rượu. Một chút chếnh choáng men say, lưu luyến trong lòng du khách đến tận lúc chia tay.

 

Ông Trịnh Xuân Thiều (quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh), trưởng đoàn khách hơn 100 người đến tham quan trải nghiệm ở buôn Lê Diêm, vui vẻ cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi tham gia một cuộc giao lưu với đồng bào dân tộc thú vị như vậy, rất vui và ấn tượng. Tôi sẽ về TP Hồ Chí Minh quảng bá, giới thiệu cho mọi người biết và trở lại buôn Lê Diêm trong một ngày gần nhất”.

 

Mới đây, thôn Xí Thoại (xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân), cũng tổ chức quảng bá du lịch cộng đồng cho làng mình. Xí Thoại là một trong những nơi có quá trình bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống văn hóa tốt nhất của huyện Đồng Xuân và cả tỉnh. Nét đặc sắc trong văn hóa người Ba Na và Chăm H’roi nơi đây là cồng ba, chinh năm và trống đôi. Những âm thanh vừa dặt dìu, vừa rộn rã âm vang núi rừng cất lên sẽ khiến đôi chân của trai, gái cứ xoay vòng bên đống lửa bập bùng. Đến đây, du khách còn được thưởng thức rượu cần truyền thống và nghề dệt thổ cẩm công phu, điêu luyện của các mí trong làng. Và khi ra về, khách du lịch có thể mua những món quà làm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công như vậy.

 

Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Phú Yên Phạm Văn Bảy cho biết: Xác định du lịch cộng đồng cũng là một loại hình mà tỉnh có tiềm năng phong phú, những năm gần đây, ngành Văn hóa ưu tiên bố trí kinh phí cho việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của bà con đồng bào dân tộc thiểu số, gắn với phát triển du lịch. Tỉnh chọn 3 thôn thí điểm là Lê Diêm (huyện Sông Hinh), Xí Thoại (huyện Đồng Xuân) và Hòa Ngãi (huyện Sơn Hòa). Bước đầu những buôn làng này đã gìn giữ, phát huy được nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình để giới thiệu đến du khách và khách rất thích thú với loại hình du lịch trải nghiệm này.

 

La Lan Ty, Bí thư chi bộ thôn văn hóa Xí Thoại, nói: “Mục tiêu của thôn Xí Thoại là toàn dân trong thôn tiếp tục đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của dân tộc mình; vệ sinh sạch đẹp, sẵn sàng đón khách du lịch mọi miền”.

 

Xây dựng những thôn, buôn có nhiều tiềm năng phát triển du lịch trở thành địa chỉ du lịch cộng đồng là mục tiêu phấn đấu không chỉ của bà con dân tộc nơi đây mà còn là mục tiêu chung của ngành VH-TT-DL. Nếu được đầu tư một cách bài bản, tuyên truyền cho người dân hiểu về việc bảo tồn phát huy giá trị văn hóa dân tộc thông qua hoạt động đón khách du lịch, không xa nữa Phú Yên sẽ có thêm những địa chỉ, sản phẩm du lịch cộng đồng thu hút du khách.

--------------------------

BÀI 2: Từ sản phẩm tự phát đến đề án thí điểm

 

TRẦN QUỚI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek