Mùa mưa xứ Huế bắt đầu từ tháng 9 với những cơn mưa xối xả và kéo dài đến cuối tháng 12 với những cơn mưa dầm lê thê. Khi tiết trời bắt đầu chuyển lạnh (thường là sau 23/10 âm lịch), mưa không còn ào ạt mà chuyển sang dầm dề ngày này sang ngày khác, tháng nọ qua tháng kia. Mưa cũng đồng nghĩa với ruộng đồng ngập lụt, bỏ không; việc kinh doanh, sản xuất của các doanh nghiệp bị chậm lại. Có thể nói, mưa là lực cản cho sự phát triển kinh tế ở xứ Huế mộng mơ. Thế nhưng, đó chỉ là chuyện trước kia. Bây giờ, mưa trở thành đặc sản của ngành Du lịch. Du lịch Huế trong mưa!
“Huế trong mưa” theo nghĩa của ngành Du lịch xứ này hướng tới là Huế trong mùa mưa, nhưng ở góc độ du khách có thể hiểu “Huế dưới cơn mưa, Huế trong ngày mưa”. Các sản phẩm du lịch khai thác từ mưa Huế bao gồm: các tour du lịch mang tính trải nghiệm phù hợp với việc thưởng thức cảnh quan cố đô Huế vào những ngày mưa; các con đường ngắm mưa với nhiều cây xanh và bồn hoa; các gian hàng có kiến trúc mái che trong suốt, trưng bày và bán các sản phẩm quà lưu niệm, thủ công mỹ nghệ và sản phẩm làng nghề; phục vụ các món ăn đặc sản của Huế, phù hợp với ngày mưa (các món ăn nóng, các món nướng…); các loại hình vui chơi giải trí trong nhà (các trò chơi dân gian, các buổi trình diễn âm nhạc, nghe ca Huế, triển lãm và các lớp học chia sẻ cách thức nấu ăn…); nâng cấp và cải tạo các phương tiện vận chuyển khách du lịch trong mưa (xích lô, thuyền rồng) giúp du khách ngắm mưa mà không lo bị ướt; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng mạng lưới những con đường dành riêng cho xe đạp…
Ngoài ra, các cơ sở du lịch ở Huế còn kết hợp với các phòng trà trên địa bàn thành phố phục vụ du khách trong những ngày mưa, vì đây là không gian lý tưởng để du khách có thể vừa thưởng thức trà vừa ngắm mưa và trải nghiệm nhiều giá trị tinh tế khác của mưa xứ Huế.
Cũng không hẳn tới bây giờ mưa xứ Huế mới trở thành đặc sản. Trong mắt giới văn nghệ sĩ, mưa Huế từ lâu đã là một quà tặng đặc biệt của thiên nhiên. Với nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, mưa Huế là một cách chơi đàn của trời (thiên vũ cầm)! Và hầu như trong thẳm sâu của mỗi nghệ sĩ, những người thiên về nội tâm, mưa luôn có trong tâm khảm và có ảnh hưởng không nhỏ đến tư duy sáng tạo nghệ thuật, nên “vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được”… Có chăng là đến bây giờ, ngành Du lịch mới nhận ra và biến “lực cản” trở thành “đặc sản” không giống bất cứ nơi đâu.
Mùa mưa luôn là nỗi ám ảnh đối với bất kỳ điểm du lịch nào ở Việt Nam. Nhưng với Huế bây giờ thì không. Trong những ngày mưa, du khách có thể đến Huế để được nhìn màn mưa giăng mắc trên sông Hương, trên cầu Tràng Tiền, Phú Xuân, nhìn Phu Văn Lâu, ngắm nhìn hoàng cung đại nội trong mưa càng trở nên huyền ảo kỳ bí với những nét thâm trầm cổ xưa. Mưa thích hợp cho các hoạt động giải trí trong nhà, là điều kiện cho khách du lịch giao lưu, tìm hiểu và gần gũi nhau hơn. Đến Huế mùa mưa để được uống một ly cà phê nóng, một bình trà để nghe nhạc Huế du dương réo rắt mà thả hồn thư giãn; hay để được thưởng thức những món ngon dân dã nóng hổi vừa thổi vừa ăn để cảm nhận mưa xứ Huế.
Tôi có vài lần đến Huế trúng ngày mưa. Quả thật việc đi lại có phần khó khăn vì cái sự lép nhép của mưa, nhưng khi đã yên vị ngồi uống cà phê hay trà đạo mà nghe nhạc, ngắm mưa thì y như rằng không muốn về. Đây quả là một ý tưởng hay, độc đáo, táo bạo của những người làm du lịch Huế.
QUỲNH MAI