Ai đã đến Hội An thì nên một lần ở lại đêm để dạo phố cổ. Nét trầm mặc cổ xưa của từng dãy nhà, con phố, hội quán, cầu chùa, đền thờ trở nên lung linh huyền ảo. Phố cổ Hội An là di sản văn hóa thế giới, là một bảo tàng sống, chứa đựng cả một tinh thần, cốt cách văn hóa lớn lao cùng những di sản vật thể. Giá trị ấy được tạo lập, gìn giữ bởi chính con người Hội An.
Một đồng nghiệp của tôi ở Hội An bảo: “Nếu bạn muốn hiểu tường tận về phố cổ cũng như nếp sinh hoạt của con người nơi đây thì nhất định bạn phải trải nghiệm phố đêm. Phố cổ nhưng không hoàn toàn cũ xưa, mà chính ở không gian này đang tồn tại một cuộc sống vận động không ngừng”. Quả thật, đêm ở phố cổ Hội An cho tôi và nhiều người bạn cảm nhận rõ hơn về điều đó. Tất cả là cuộc sống, một dòng chảy không ngừng giữa lòng di tích người xưa, rất tự nhiên chứ không hề phảng phất sự trình diễn hay mô phỏng, tái hiện. Đêm phố Hội tươi vui, rộn ràng của cuộc sống hiện đại, của một trung tâm du lịch nhưng lại vừa bình yên, lặng lẽ, thậm chí u hoài nhưng lung linh ẩn hiện. Phố cổ Hội An về đêm có thể ví như một bức tranh, nhưng cũng có khi là một bản hòa ca của lịch sử, văn hóa, kiến trúc, con người và cuộc sống…
Hội An về đêm đẹp và quyến rũ lạ thường, ở nơi đó dường như thời gian đã đọng lại cho du khách những hoài niệm khó quên. Tôi và những người bạn thật sự bị cuốn hút trong sáng đèn vàng liêu xiêu trên những ngõ phố. Đêm ở phố cổ yên bình và trầm mặc; tôi cảm thấy rất có lý khi quyết định chọn nơi đây thay vì qua đêm ở TP Đà Nẵng hiện đại…
Bước qua ranh giới phố cổ, chúng tôi như đang đi giữa không gian của hàng trăm năm xưa cũ. Những con đường nhỏ cong cong dẫn lối đến những công trình kiến trúc riêng có của Hội An. Chùa Cầu là một kiến trúc đặc trưng và trở thành biểu tượng nơi đây. Chùa Cầu dài 18m, chân xây bằng gạch, gỗ được chạm trổ rất công phu trên phần thân cầu, mái lợp ngói. Đứng bên ngoài nhìn vào, chùa Cầu có dáng dấp của một ngôi nhà cổ, bên trong thờ vị thần bảo hộ xứ sở. Một công trình kiến trúc vô cùng đặc biệt về công năng, vừa là nơi thờ cúng, chiêm bái (chùa), vừa là nơi để người ta dừng chân khi qua dòng kênh (cầu). Mới đây nhất, trang web về du lịch www.touropia.com bình chọn Hội An vào vị trí thứ 4 trong số 10 thành phố có dòng kênh nổi tiếng nhất thế giới. Theo đánh giá từ trang này, các con kênh nhỏ là tuyến đường thủy với vai trò kết nối từ các đại dương rộng lớn đến các thành phố. Và con kênh có ngôi chùa Cầu này được so sánh với thành phố nổi tiếng Venice (Áo). Trang Touropia miêu tả về Hội An: “Một làng chài trở thành điểm đến du lịch nằm ở vùng duyên hải Việt Nam. Hội An là một thương cảng quốc tế từ thế kỷ XVI, sau này các thuyền buôn chuyển sang cập cảng biển Đà Nẵng. Trung tâm của thành phố vẫn là khu phố cổ, với các ngôi nhà, cửa hàng mang phong cách Trung Hoa. Thỉnh thoảng, Hội An còn được gọi là “Venice của Việt Nam”, với đặc trưng là dòng kênh nhỏ chia khu phố cổ làm hai”.
Ở bất cứ thành phố nào về đêm nếu không có điện sẽ là một không gian ngột ngạt, cực hình với con người. Phố cổ Hội An lại hoàn toàn khác. Vào đêm 14 âm lịch hàng tháng, phố Hội không ánh điện, thay vào đó là ánh sáng nhẹ nhàng tỏa ra từ những chiếc đèn lồng càng thêm lung linh, quyến rũ… Đi giữa Hội An trong đêm đèn lồng, du khách mới thưởng lãm hết vẻ đẹp của phố cổ.
QUỲNH MAI