Sau gần 60 năm nương nhờ sự hương khói, chăm sóc của người dân Phổ An, Đức Phổ, Quảng Ngãi, cuối cùng hài cốt của liệt sĩ Trần Nhợ - Thủy thủ trưởng tàu Không số C41 đã được đưa về yên nghỉ tại quê nhà Cát Khánh, Phù Cát, Bình Định.
Để thực hiện được ước nguyện này, Anh hùng LLVT Nhân dân Hồ Đắc Thạnh, nguyên Thuyền trưởng tàu C41 anh hùng phải đi lại giữa Phú Yên - Quảng Ngãi - Bình Định và nhiều nơi khác hơn 10 năm qua.
56 năm nằm nghe sóng vỗ
Anh hùng Hồ Đắc Thạnh nhớ lại: Sau sự kiện Vũng Rô tháng 2/1965, tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển bị lộ, yếu tố bí mật, bất ngờ không còn nên Quân ủy Trung ương cho ngừng hoạt động tuyến đường vận tải này để nghiên cứu tìm phương hướng khác. Theo đó, Quân chủng Hải quân xác định phương án vận chuyển theo phương thức mới: Đi xa bờ, bằng phương pháp hàng hải thiên văn. Đoàn 125 (Đoàn tàu Không số) sử dụng tàu đi xa bờ, xen lẫn vào dòng tàu buôn ngược xuôi ngoài biển Đông, xuất phát từ Hải Phòng - Quảng Ninh đến đảo Hải Nam, qua Philippines, Indonesia, Malaysia, Thái Lan rồi về miền Tây Nam Bộ. Đối với các bến ở Khu 5, tàu áp sát gần bờ để vào các bãi ngang, đánh lạc hướng địch.
Chấp hành chỉ lệnh của trên, đêm 9/11/1966, tàu C41 rời bến K20 (Thủy Nguyên, Hải Phòng) chở hơn 50 tấn vũ khícung cấp cho chiến trường Khu 5. Điểm cập bến là bãi biển thuộc thôn An Thổ, xã Phổ An, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Chỉ huy tàu C41 là Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh và Chính trịviên Đặng Văn Thanh. Hai thuyền phó là Nguyễn Hồng Lỳ và Dương Văn Lộc. Máy trưởng Phan Nhạn. Thủy thủ trưởng Trần Nhợ và 11 thủy thủ.
Trên đường đi, gặp thời tiết xấu, tàu phải quay lại căn cứ A2 (Hậu Thủy, Trung Quốc) để bổ sung thực phẩm, sửa chữa máy rồi tiếp tục hải trình vào ngày 23/11, trong khi gió mùa đông bắc đang thổi mạnh trên biển. Để tránh bão, tàu đi vòng phía bên trong đảo Cù Lao Ré (đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi). 23 giờ ngày 27/11/1966, tàu vào đến điểm quy định. Theo hiệp đồng, bến sẽ đón tàu theo tín hiệu bằng đèn pin. Thuyền trưởng cho tàu chạy dọc theo bãi biển từ Phổ An đến cửa Mỹ Á, vừa chạy vừa phát tín hiệu để liên lạc với bờ nhưng không thấy đáp trả.
Sau khi xác định đúng địa điểm bến, thuyền trưởng quyết định cho tàu vào độ sâu 10m thả hàng, đánh dấu bằng phao lưu; đồng thời cử hai đồng chí bơi giỏi nhất là Dương Văn Lộc và Trần Nhợ, mang phao và vũ khí bơi vào bờ bắt liên lạc với bến để chỉ địa điểm, cách đánh dấu cho bến ra vớt lấy lần. Đến 4 giờ sáng, khi hai phần ba lượng hàng được thả thì phía ngoài, 2 tàu tuần tiễu phát hiện “tàu lạ” vào bến, chúng khép kín đội hình với ý định bắt sống tàu ta.
“Trước tình hình đó, tôi cho ngừng việc thả hàng, đóng nắp hầm, chuẩn bị cơ động ra khỏi vị trí neo đậu. Nhưng sự cố đã xảy ra: Sóng cuốn chiếu gần bờ nâng tàu lên và đập mạnh xuống những gân cát làm cong chân vịt, không hoạt động được. Trời sắp sáng, trong khi tàu của địch ở bên ngoài tiến lại gần và nháy đèn phát tín hiệu liên tục. Trước tình huống bất ngờ này, cấp ủy, chi bộ hội ý chớp nhoáng và thuyền trưởng quyết định theo phương án 2: Cho thủy thủ bơi vào bờ rồi phá tàu, không để rơi vào tay giặc và giữ bí mật vị trí thả hàng. Mọi người được lệnh bơi vào bờ, còn thuyền trưởng và máy trưởng ở lại châm ngòi nổ bộc phá, rút sau”, Anh hùng Hồ Đắc Thạnh nhớ lại.
Khi một số đồng chí vừa lên bờ, một số vào gần bờ thì bộc phá nổ làm rung chuyển mặt biển, phá tan xác con tàu C41. Không “bắt sống” được, địch lồng lộn cho pháo bắn cấp tập vào bờ chặn đường rút lui của ta. Hai đồng chí Dương Văn Lộc, Trần Nhợ cùng 4 du kích của xã Phổ An ra tiếp nhận vũ khí hy sinh; một số đồng chí bị thương. “Sau khi tàu địch rời đi, chúng tôi nhặt thi thể của các đồng chí hy sinh cho vào các túi ni lông, chôn cất ở vườn nhà ông Thơm và ông Thanh nhờ địa phương chăm sóc. Tên của các đồng chí Trần Nhợ, Dương Văn Lộc được khắc vào tấm tôn chôn theo cùng, để sau này dễ tìm kiếm, nhận diện. 56 năm qua, ngày đêm các anh nằm nghe sóng biển vỗ về”, Anh hùng Hồ Đắc Thạnh ngậm ngùi.
Sau 3 ngày nằm hầm trú ẩn để chữa thương, được sự cưu mang, chở che của cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương, những cán bộ, chiến sĩ còn lại của tàu C41 lội bộ vượt qua quốc lộ 1, có nơi nước lũ ngập sâu tới cổ, theo đường số 7 lên Ba Tơ, rồi vượt Trường Sơn ra Bắc, mất đến 3 tháng 20 ngày mới về tới đơn vị. Sau đó, quân và dân Phổ An đã vớt được 12 tấn vũ khí từ đáy biển. Số vũ khí này đã góp phần để quân dân Đức Phổ nói riêng và quân dân Quảng Ngãi nói chung đánh tan các cuộc hành quân, càn quét “Đa Kao 8”, “Sóng mùa đông”, “Liên kết 82”, “Liên kết 110 - Hoad-Roan” của Mỹ - ngụy; đồng thời phá tan kế hoạch hai gọng kìm “tìm diệt và bình định” của địch trong những năm 1966-1967.
Đưa hài cốt liệt sĩ về an táng tại quê nhà Cát Khánh, Phù Cát, Bình Định. Ảnh: CTV |
Hành trình tìm đồng đội
Canh cánh trong lòng về những đồng đội tàu Không số đã ngã xuống vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước, Anh hùng Hồ Đắc Thạnh đã nhiều lần quay lại Phổ An tìm mộ liệt sĩ Trần Nhợ và Dương Văn Lộc. Trải qua bom đạn chiến tranh, bão lũ và thời gian xóa nhòa vết tích, sau nhiều đợt tìm kiếm, được sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương, ông đã tìm được hài cốt của hai liệt sĩ nhưng chưa xác định được danh tính. Mãi đến năm 2016 sau khi lấy được sinh phẩm, thử AND mới xác định chính xác danh tính của từng liệt sĩ và đưa về an táng ở Nghĩa trang liệt sĩ xã Phổ An, Đức Phổ.
Và mới đây, thực hiện ý nguyện của gia đình, đồng đội và cũng là tâm nguyện của cá nhân, ở cái tuổi ngấp nghé 90, một lần nữa người thuyền trưởng anh hùng của tàu C41 hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân lại vượt chặng đường hàng trăm cây số, đi đến nhiều cơ quan, địa phương đơn vị để lo thủ tục đưa hài cốt của liệt sĩ Trần Nhợ về yên nghỉ ở quê nhà Cát Khánh, Phù Cát, Bình Định.
Anh hùng Hồ Đắc Thạnh tâm sự: “Anh Trần Nhợ có con dâu cùng đứa cháu gái ở quê nhà và anh ruột ở Ba Ngòi, Cam Ranh, Khánh Hòa. Song lâu nay không ai có đủ điều kiện để nhận tiền chế độ thờ cúng liệt sĩ. Mới đây, sau khi anh ruột của liệt sĩ Trần Nhợ qua đời, cô Cúc và cháu Vân là con dâu và cháu nội của liệt sĩ Trần Nhợ mới ủy quyền cho tôi làm các thủ tục, xin các cấp ngành đưa hài cốt của liệt sĩ về quê. Tôi liên tục vào ra các sở LĐ-TB-XH của Quảng Ngãi, Bình Định để hoàn tất thủ tục và báo cáo Bộ Tư lệnh Hải quân, Đảng ủy Lữ đoàn 125 để họ hỗ trợ. Trong 2 ngày 25-26/11, Bộ Tư lệnh Hải quân đã điều động 1 ô tô chuyên dụng của Trung tâm An điều dưỡng tàu ngầm cùng 5 cán bộ chiến sĩ và tôi, từ Phú Yên ra Quảng Ngãi phối hợp với địa phương và gia đình thực hiện việc di dời hài cốt liệt sĩ Trần Nhợ từ Phổ An, Đức Phổ, Quảng Ngãi về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Cát Khánh, Phù Cát, Bình Định, quê hương của liệt sĩ”.
Sau gần 70 năm xa quê trở thành người lính Hải quân của Đoàn tàu Không số và 56 năm hy sinh, liệt sĩ Trần Nhợ đã được đoàn tụ với ông bà tổ tiên nơi anh sinh ra và lớn lên.
Anh hùng LLVT Nhân dân Hồ Đắc Thạnh |
XUÂN HIẾU