Để đất nước được vẹn toàn bờ cõi, những người lính canh giữ biển trời phải can trường và quả cảm. Bên cạnh đó, gia đình của các anh, những người vợ, người mẹ luôn là điểm tựa, hậu phương vững chắc. Đó chính là nguồn động viên lớn, động lực để mỗi người lính vượt qua thử thách nơi đầu sóng ngọn gió, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Gia đình chị Trần Thị Ánh Thu - anh Cao Văn Thạo. Ảnh: CTV |
Hậu phương yên, tiền tuyến vững
Tết này, gia đình chị Trần Thị Ánh Thu, giáo viên Trường THCS Lê Hoàn (huyện Tây Hòa) đã được đoàn viên sau 2 năm chồng chị, đại úy Cao Văn Thạo được tăng cường ra đảo Trường Sa Lớn làm nhiệm vụ. Đây là lần thứ hai, đại úy Thạo ra Trường Sa công tác nên ba mẹ con chị Thu không lo lắng nhiều. Giờ có sóng điện thoại phủ kín đảo nên anh chị thông tin cho nhau liên tục; không như lần anh ra đảo Phan Vinh cách đây 9 năm, 1-2 tháng mới nhận được cuộc gọi về của anh, mẹ con chị lo lắm, không biết nơi đầu sóng ngọn gió chồng mình ra sao.
Chị Thu xây dựng gia đình với anh Thạo ngót đã 20 năm. Anh quê tận Thái Bình, vào Phú Yên nhận công tác tại Trạm Ra đa 68 (Trung đoàn Ra đa 292, Sư đoàn 377, Quân chủng Phòng không - Không quân) năm 1998. Chị quê ở xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa, khi ấy là sinh viên của Trường cao đẳng Sư phạm Phú Yên (nay là Trường đại học Phú Yên). Tình yêu chớm nở, anh chị quen nhau 6 năm sau; anh đợi chị ra trường, có việc làm ổn định rồi cả hai mới tính chuyện dọn về chung nhà. Do đặc thù công việc, anh thường xuyên vắng nhà, nên mọi việc trong gia đình đều một tay chị thu vén. Nhà ở phường Phú Thạnh, TP Tuy Hòa, cách nơi dạy học gần 30km, nên ngày nào chị cũng dậy sớm, lo cơm nước cho các con, rồi đi dạy đến chiều mới về.
Chị Thu tâm sự: “Bây giờ con trai đầu đã là sinh viên năm thứ hai đại học, con gái thứ hai đang học lớp 8, nên cuộc sống bớt vất vả hơn. Từ lúc yêu nhau, tôi xác định làm vợ của lính phải chịu thiệt thòi hơn người khác khi chồng thường xuyên vắng nhà. Tôi trân trọng công việc của anh và luôn cố gắng thu vén gia đình, chăm sóc con cái thật tốt, làm hậu phương vững chắc để anh yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình”.
Cháu Cao Thị Châu Anh, con của đại úy Cao Văn Thạo, chia sẻ: “Hai năm qua, bố đi Trường Sa công tác, cháu nhớ bố nhiều lắm. Cháu rất tự hào và hãnh diện vì bố làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo của Tổ quốc. Cháu và anh hai sẽ chăm ngoan, học giỏi, vâng lời bố mẹ để bố yên tâm cùng các đồng đội bảo vệ vững chắc biển đảo của quê hương”.
Tương tự gia đình chị Thu, tết này cũng sẽ là cái tết sum vầy của gia đình chị Phan Thị Quệ ở xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa. Thời gian này, mẹ con chị Quệ đang đếm từng ngày để chờ chồng chị, anh Vũ Đức Bình, hoàn thành thời gian công tác 2 năm tại quần đảo Trường Sa trở về đất liền. Chị Quệ cho biết, hai vợ chồng chị cưới nhau hơn 10 năm, nhưng thời gian ở gần nhau tính chắc chỉ chừng được một nửa. Chồng thường xuyên công tác xa nhà, con lại nhỏ nên chị đảm nhận cả hai vai vừa là cha vừa là mẹ của các con, một mình chăm nom, đưa đón đi học. “May mắn ở gần ông bà nên sớm tối, các cháu quây quần bên ông bà, mẹ con tôi cũng đỡ buồn. Tôi luôn động viên chồng, không than vãn những khó khăn, vất vả ba mẹ con mình gặp phải trong cuộc sống hàng ngày để anh yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”, chị Quệ bộc bạch.
Tự hào khi con là lính đảo
Bà Võ Thị Loan ở phường Hòa Hiệp Bắc, TX Đông Hòa cũng như biết bao người mẹ khác đang ngày đêm làm điểm tựa vững chắc cho con trai mình, anh Lê Tiến Huy, đang làm nhiệm vụ tại đảo Sơn Ca, thuộc quần đảo Trường Sa. Huy là con trai đầu của bà Loan, sau khi tốt nghiệp Học viện Phòng không - Không quân Việt Nam, anh được phân công về công tác tại Vùng 4 Hải quân (Khánh Hòa). Một năm qua, Huy được điều động ra Trường Sa làm nhiệm vụ. Bà Loan chia sẻ: “Khi cháu ra Trường Sa nhận nhiệm vụ, tôi lo lắng vì sợ môi trường, khí hậu khắc nghiệt. Song qua các cuộc điện thoại của cháu, tôi yên tâm rất nhiều vì được biết Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến đời sống, tinh thần của quân và dân trên đảo. Vợ chồng tôi luôn động viên cháu giữ gìn sức khỏe, công tác tốt để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo quê hương… Vợ chồng tôi rất tự hào vì sự bình yên của Tổ quốc có phần đóng góp của con trai mình”.
Theo thống kê của Bộ CHQS tỉnh, hiện Phú Yên có khoảng 50 cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Đại tá Trương Quang Sinh, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh cho biết: Chia sẻ với những khó khăn của người lính đảo, ở quê nhà, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến gia đình cán bộ, chiến sĩ. Hằng năm, dịp tết Nguyên đán, ngày hội Quốc phòng toàn dân hay các ngày lễ lớn, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể của địa phương thường xuyên đến chia sẻ, động viên, tặng quà người thân cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa; kịp thời nắm bắt hoàn cảnh của từng gia đình để có sự giúp đỡ phù hợp, từ đó giúp các anh yên tâm làm nhiệm vụ nơi đảo xa.
Mặc dù cuộc sống hằng ngày còn gặp nhiều khó khăn nhưng những người cha, người mẹ, vợ lính đảo luôn mạnh mẽ. Tình yêu riêng hòa chung với tình yêu đất nước giúp họ có thêm sức mạnh, trở thành hậu phương vững chắc cho các anh yên tâm làm tròn nhiệm vụ thiêng liêng nơi đảo xa, góp phần tô thắm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ người chiến sĩ Hải quân trong lòng Nhân dân.
Đại tá Trương Quang Sinh, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh |
HÀ MY