Thứ Sáu, 04/10/2024 18:50 CH
Nhà máy Z753: Năng động, sáng tạo, thích ứng với cơ chế mới
Thứ Bảy, 02/07/2022 07:08 SA

Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (thứ hai từ trái sang) kiểm tra hoạt động sản xuất tại Nhà máy Z753 tháng 2/2022. Ảnh: NM

Sau khi miền Nam hoàn toàn được giải phóng, đất nước thống nhất, để giúp Bộ Quốc phòng tiếp quản, quản lý các cơ sở kỹ thuật, vũ khí, khí tài cùng các trang - thiết bị quân sự thu được của Mỹ - ngụy, ngày 23/8/1975, Tổng cục Kỹ thuật ra quyết định thành lập cơ quan đại diện ở miền Nam, trong đó có B753, tiền thân Nhà máy Z753 (Cục Kỹ thuật Quân chủng Hải quân) ngày nay.

 

Hiện Nhà máy Z753 (tên giao dịch là Công ty TNHH MTV Hải Khánh) có trụ sở chính tại số 09 đường 2/4, phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

 

Phát huy nội lực, khắc phục khó khăn

 

Trước yêu cầu nhiệm vụ được giao, để tăng cường khả năng bảo đảm kỹ thuật cho các đơn vị hải quân ở khu vực Nam Trung Bộ, ngày 30/8/1979, Bộ Tổng tham mưu ra quyết định điều Nhà máy Z753 từ Tổng cục Kỹ thuật về trực thuộc Cục Kỹ thuật, Quân chủng Hải quân.

 

Đại tá Nguyễn Xuân Lâm, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Nhà máy Z753 cho biết: Những năm đầu thành lập, vượt qua rất nhiều khó khăn, vừa xây dựng cơ sở vật chất, vừa sản xuất, nhà máy đã sửa chữa hàng ngàn ô tô các loại, hàng trăm tàu thuyền, xuồng, động cơ, máy lái, gia công chi tiết thay thế… phục vụ bộ đội huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu.

 

Bước vào thời kỳ đổi mới, từ một cơ sở sửa chữa với quy mô và trình độ công nghệ còn nhiều hạn chế, được sự quan tâm của Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Hải quân với tinh thần phát huy nội lực, khắc phục khó khăn, nhà máy từng bước phát triển trong cơ chế mới.

 

Đại tá Trần Quang Hùng, Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Nhà máy Z753, cho hay: Thời gian đầu, tuy còn nhiều khó khăn, song nhà máy cũng đã bắt đầu có những sản phẩm kinh tế như cải hoán xe tải thành xe cứu hỏa, sản xuất phao cứu sinh các loại và đặc biệt đã thiết kế, chế tạo, lắp đặt một số dây chuyền sàng, tuyển, rửa cát có công suất 50 tấn/giờ mang lại giá trị kinh tế cao... Đặc biệt, từ ngày 1/1/1987, nhà máy chính thức chuyển sang thực hiện chế độ hạch toán kinh tế. Mặc dù tình hình kinh tế - xã hội đất nước đang khó khăn song cán bộ, công nhân viên nhà máy đã thể hiện bản lĩnh vững vàng, đoàn kết thống nhất, phát huy năng lực sản xuất quốc phòng, tạo được niềm tin với cấp trên và khách hàng, thông qua chất lượng sản phẩm.

 

“Những năm gần đây, nhờ được đầu tư thiết bị, công nghệ nên nhà máy đã có nhiều đổi mới, đáp ứng yêu cầu sửa chữa các chuyên ngành kỹ thuật được giao; đã từng bước được cơ khí hóa, gắn với các trang bị rà, đo, kiểm tra ứng dụng công nghệ siêu âm, tin học... Nhà máy đã được cấp chứng chỉ chất lượng đạt tiêu chuẩn ISO 9001-2008. Hiệu quả đầu tư ở nhà máy đã và đang được phát huy, hàm lượng công nghệ được kết tinh ngày càng cao trong giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu sử dụng của các đơn vị và khách hàng. Nhà máy cũng xây dựng được mối quan hệ chặt chẽ với các đơn vị, khách hàng để tìm việc làm và đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh hợp tác, liên doanh với nước ngoài về sửa chữa các thiết bị cơ, điện tử..., số lượng, chủng loại sản phẩm và doanh thu năm sau cao hơn năm trước, góp phần tạo đà cho nhà máy trong thực hiện các nhiệm vụ”, đại tá Trần Quang Hùng cho biết thêm.

 

Lắp đặt, thử tải cẩu CQ trên các đảo ở Trường Sa, tháng 3/2022. Ảnh: NM

 

Vì Trường Sa thân yêu và chủ quyền biển đảo

 

Năm 1988, tình hình trên biển Đông diễn biến phức tạp và căng thẳng, việc tổ chức chi viện đảo là một nhiệm vụ cấp bách hơn bao giờ hết. Nhà máy đã kịp thời chuyển hướng sản xuất phục vụ cho nhiệm vụ cấp bách một cách linh hoạt và sáng tạo. Với tinh thần “Tất cả vì Trường Sa”, không quản ngày đêm, mưa nắng, cán bộ, công nhân viên nhà máy đã nỗ lực khắc phục khó khăn để tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Ngay trong tháng đầu tiên của mùa vận tải, 30 chiếc xuồng nhôm do nhà máy sản xuất đã được đưa ra đảo phục vụ bộ đội.

 

Cũng trong những năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới, Nhà máy Z753 được cấp trên giao thêm nhiệm vụ tổ chức sửa chữa xe tăng, thiết giáp và vũ khí lục quân cho các đơn vị Hải quân ở khu vực phía Nam. Từ năm 1995, nhà máy đã tổ chức các đội sửa chữa cơ động làm nhiệm vụ độc lập trên huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) và huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Mỗi năm có 5-7 đội cơ động, chất lượng sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật ngày càng nâng lên. “Đến nay, các đội cơ động tiếp tục được bổ sung về số lượng, nâng cao về chất lượng, trở thành lực lượng mạnh về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu bảo đảm kỹ thuật cho các đơn vị huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống”, đại tá Trần Quang Hùng khẳng định.

 

Những năm gần đây khi ra thăm các đảo trên huyện đảo Trường Sa, chúng tôi nhận thấy trên mỗi cầu cảng đều đã được lắp đặt cẩu xuồng CQ do Nhà máy Z753 cải tiến. Những chiếc cẩu xuồng này có thể dẫn động bằng tay và dẫn động bằng điện, góp phần nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và thực hiện nhiệm vụ tuần tra bảo vệ chủ quyền, đặc biệt là phục vụ tìm kiếm cứu nạn trong mùa mưa bão.

 

Bên cạnh nhiệm vụ sửa chữa, bảo đảm kỹ thuật cho các đơn vị của Quân chủng Hải quân, tận dụng năng lực hiện có, Nhà máy Z753 cũng đã nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, lắp đặt và sửa chữa nhiều sản phẩm kinh tế có giá trị cao, như: đóng các phương tiện nổi, phà, xuồng cao tốc, xuồng chuyển tải vỏ nhôm, composite các loại; thiết kế chế tạo, cải hoán xe chuyên dùng, sửa chữa lớn các loại ô tô tải, trạm nguồn điện, thiết kế chế tạo nhà xưởng kết cấu thép, các loại thiết bị nâng chuyển cẩu trục đến 50 tấn, thiết bị kéo - hạ thủy tàu; các cấu kiện kim loại có khối lượng, kích thước lớn, như ăng ten viễn thông tự đứng đến 60m, nhà tiền chế cao 40m; các loại máy móc chuyên dùng cho các ngành sản xuất công nghiệp, khai thác khoáng sản.

 

Trong các năm 2019, 2020, 2021, mặc dù hoạt động sản xuất - kinh doanh chịu nhiều ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng với sự nỗ lực, cố gắng, nhà máy đã kịp thời triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp nên các chỉ tiêu sản xuất - kinh doanh đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, thu nhập bình quân hàng tháng của người lao động năm 2020 là 9,85 triệu đồng, năm 2021 hơn 13,8 triệu đồng.

 

Theo anh Trần Văn Tính, lao động hợp đồng thuộc Phân xưởng Cơ khí, các chế độ chính sách cho người lao động được nhà máy bảo đảm đúng, đủ, kịp thời. Người lao động, kể cả lao động hợp đồng như anh đều được bố trí nơi ở khang trang, sạch sẽ. Các chế độ khen thưởng, sinh nhật, hiếu, hỉ, tham quan, nghỉ dưỡng, khám chữa bệnh, trang thiết bị bảo hộ lao động, hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao... được thực hiện đúng theo Thỏa ước Lao động tập thể và các quy định của pháp luật.

 

“Cùng với việc phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh, bảo đảm tốt đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, Đảng bộ Nhà máy Z753 luôn được xây dựng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Nhiều năm liền, đảng bộ đạt trong sạch vững mạnh, nhà máy vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, đại tá Nguyễn Xuân Lâm cho biết.

 

Với những thành tích đạt được, Nhà náy Z753 đã vinh dự được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng ba, 3 Huân chương Chiến công (1 hạng nhất, 2 hạng nhì), Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhì, 2 Huân chương Lao động (1 hạng nhất, 1 hạng ba) cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. 3 năm liền (2016, 2017, 2018), nhà máy được vinh danh “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động”...

 

LẠC VIỆT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek