Thứ Sáu, 20/09/2024 10:39 SA
Ngư dân phải am hiểu luật biển
Thứ Sáu, 31/03/2017 07:00 SA

Theo thống kê của cơ quan chức năng BĐBP, trong năm 2015 và 2016, gần 200 tàu, thuyền và hơn 1.500 ngư dân của Việt Nam đã bị các cơ quan chức trách của nước ngoài (chủ yếu là Indonesia) bắt giữ trên vùng biển nước họ. Nhà chức trách các nước đưa ra lý do là những ngư dân này xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của họ một cách bất hợp pháp và đánh bắt thủy sản trái phép. Không chỉ bị thu, hủy phương tiện, ngư cụ mà những người vi phạm còn bị phạt tù, buộc bồi thường thiệt hại về kinh tế. Mới đây, vào ngày 13/3, trong lúc đang hành nghề câu cá ngừ đại dương ở vùng biển tại vị trí 50 54’ vĩ Bắc - 1130 55’ kinh Đông, tàu cá PY-90541TS do ông Phan Hồng Đại (phường 6, TP Tuy Hòa) làm thuyền trưởng đã bị lực lượng chức năng của Brunei bắt giữ.

 

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc các tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam bị cơ quan chức năng của nước ngoài bắt giữ trong thời gian qua là hầu hết chủ tàu, thuyền trưởng và ngư dân còn rất mơ hồ về “biên giới” trên biển cũng như kiến thức về pháp luật của các nước. Trước đây, ngư dân chủ yếu đi biển theo kinh nghiệm, bây giờ nhiều tàu thuyền đã lắp đặt bộ phận định vị, nhưng họ ít khi để ý vì mải theo luồng cá. Hoặc chỉ vì mong muốn đánh bắt được hải sản, còn vị trí địa lý, biên giới biển giữa các quốc gia, họ có biết đi chăng nữa cũng bỏ qua. Mặt khác, do một số ngư trường của ta đã cạn kiệt nguồn thủy hải sản, trong khi đó, ngư trường giáp ranh lại dồi dào hơn nên bất chấp các biện pháp xử lý mạnh tay của chính quyền các nước sở tại, một số chủ tàu, thuyền trưởng vẫn lén lút đưa thuyền viên vào vùng biển một số nước khai thác trái phép.

 

Việc ngư dân xâm phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt thủy hải sản không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của nước ta trong hoạt động hợp tác nghề cá với các nước trong khu vực, mà còn gây thiệt hại nặng nề về kinh tế, ảnh hưởng đến đời sống của nhiều gia đình ngư dân khi bị bắt giữ, xử phạt. Để tránh những “rủi ro” nêu trên, vấn đề cốt lõi và biện pháp hàng đầu là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho các chủ tàu, thuyền trưởng. Ngư dân hành nghề trên biển phải am hiểu về Luật Biển Việt Nam và các nước lân cận để tránh vi phạm. Khi đánh bắt tại vùng biển giáp ranh với các vùng biển nước ngoài, bà con ngư dân nên đi theo tổ, đội sản xuất và cần giữ khoảng cách an toàn, tránh trường hợp do ảnh hưởng của dòng hải lưu, thời tiết xấu khiến tàu dạt sang vùng biển của nước khác. Đồng thời các tàu cá của ngư dân cần trang bị thiết bị kết nối vệ tinh (Movimar) và phải mở máy thường xuyên để cơ quan chức năng kiểm soát được vị trí tàu đang khai thác ở ngư trường nào, kịp thời phát hiện cảnh báo, tránh vi phạm vùng biển nước khác cũng như những vấn đề nguy hiểm khác. Ngoài thiết bị này, trên tàu cũng cần trang bị đầy đủ các thiết bị hàng hải khác, đảm bảo thông tin liên lạc và có đầy đủ giấy tờ, giấy phép hoạt động... Khi gặp sự cố xảy ra, thuyền trưởng thông báo ngay với những tàu cùng tổ, đội sản xuất và thông báo về cho cơ quan chức năng để có phương án kịp thời ứng cứu, hỗ trợ.

 

LẠC VIỆT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Ngát xanh đảo dừa Nam Yết
Thứ Bảy, 25/03/2017 08:02 SA
Câu cá đêm ở Trường Sa
Thứ Bảy, 18/03/2017 08:24 SA
Em là mầm non của đảo
Thứ Bảy, 11/03/2017 08:23 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek