Giữa trời xanh, nước xanh, đảo Sơn Ca nổi lên ấn tượng với màu xanh cây lá và hai màu vàng - cam của ngọn hải đăng trên đảo. Không chỉ xinh đẹp, Sơn Ca còn là đảo có vị trí chiến lược trọng yếu trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Sơn Ca ngày nắng đẹp
Giải thích vì sao đảo mang tên một loài chim có giọng hót hay, được mọi người yêu quý - Sơn Ca, đại tá Bùi Đình Dương cho biết: Sơn Ca là một trong những đảo được cha ông ta phát hiện từ rất sớm. Khi đặt chân lên đảo, họ đã thấy nhiều cây lớn xanh tốt và một số loài cỏ thân mềm có nguồn gốc tự nhiên. Chim chóc vì thế cũng thường ghé thăm đảo này và trú ngụ, làm tổ, nuôi con. Vì vậy, đảo có tên là Sơn Ca. |
Tôi cùng nhiều phóng viên trên cả nước tham gia đoàn công tác do Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân tổ chức đến đảo Sơn Ca vào một ngày nắng đẹp. Trên boong tàu, cánh nhà báo có mặt gần như không thiếu một người nhìn về hướng chỉ tay của đại tá Bùi Đình Dương, Phó Lữ đoàn 146, Trưởng đoàn công tác. Từ xa, đảo Sơn Ca dần hiện ra với màu xanh mơn mởn của cây lá và hai màu vàng - cam sáng rực của ngọn hải đăng. Tàu tiến càng gần, đảo càng hiện lên mồn một xinh đẹp giữa trời nước mênh mông trong nắng sớm. Đảo Sơn Ca có hình bầu dục, vắt ngang theo hướng tây bắc - đông nam, ở vĩ độ 10022’36’’N và kinh độ 114028’42’’E. Bên trong mép xanh là cầu cảng và kè chắn sóng, vào thêm lớp nữa là những hàng cây phong ba vươn mình chắn gió cho đảo. Ngoài phong ba, trên đảo còn có nhiều loài cây đặc hữu khác như bàng vuông, mù u, bàng dày lá (cây tra), dương… lâu năm rợp bóng mát.
Đặt chân lên cầu tàu, chúng tôi như lạc vào khu vườn mát rượi. Nếu như từ ngoài biển nhìn vào là màu xanh của cây cao che chắn, thì khi lên đảo, một màu xanh khác chào đón khách từ đất liền, đó là màu xanh từ những vườn rau của lính ở các cụm, phân đội. Cũng như các đảo ở quần đảo Trường Sa, Sơn Ca tuy đất rộng nhưng khá khắc nghiệt bởi quá nhiều thành phần cát và san hô. Không bó tay trước điều kiện thổ nhưỡng nơi đây, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ của đảo đã tích cực lao động cải tạo đảo. Trung tá Phạm Thế Nhương, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng đảo Sơn Ca, cho biết: “Ngoài nhiệm vụ tối quan trọng là trực sẵn sàng chiến đấu thì đối với bộ đội Trường Sa, việc cải tạo đất, trồng cây xanh, rau xanh cũng là nhiệm vụ không thể bỏ qua. Hàng năm, đảo được cấp đất dinh dưỡng, hạt giống, cây giống; sau đó, những vật tư này được phân về các phân đội để thực hiện nhiệm vụ làm xanh đảo và cải thiện đời sống bộ đội”. Đền đáp công sức lao động không ngừng nghỉ của cán bộ trên đảo Sơn Ca, những vườn cây, củ, quả, rau xanh đã lần lượt hình thành, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Trung úy Nguyễn Văn Linh cho biết: “Giữa sóng gió biển khơi, trồng được đã khó, chăm sóc, vun xới cho xanh tốt lại càng khó hơn. Thế nhưng, đảm bảo đủ rau xanh trong bữa ăn cũng là một nhiệm vụ nên chúng tôi luôn cố gắng hoàn thành”.
Công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp giữa biển Đông
Một trong những công trình có ý nghĩa đặc biệt ở Trường Sa chính là công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở trước mặt đảo Sơn Ca hướng thẳng ra biển Đông. Công viên rộng 400m2, trung tâm là bức tượng chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp cao 1m76 được tạc từ sa thạch nguyên khối do nhà điêu khắc Lê Đình Bảo thực hiện từ tháng 12/2015. Bức tượng đã thể hiện thành công thần thái uy nghi và quyết đoán của vị tướng tài. Một bức tường hình vòng cung chạy thành hai cánh ôm phía sau bức tượng dài 24m cao 2,5m. Mặt ngoài của bức tường được dán hơn 300 bức ảnh tư liệu lịch sử in trên gốm nặng lửa do họa sĩ Nguyễn Thu Thủy, tác giả công trình “Con đường gốm sứ Hà Nội”, trực tiếp thực hiện.
Thuyết minh về công trình đặc biệt này, thượng tá Vũ Duy Khánh, Chính trị viên đảo Sơn Ca, cho biết thêm các bức ảnh trên tường được sắp xếp theo trình tự lịch sử. Bên cánh phải là hình ảnh về cuộc đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại chiến khu Trần Hưng Đạo khi thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay, đến những chiến dịch, trận đánh và chiến thắng lẫy lừng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Bên cánh trái là hình ảnh các giai đoạn lịch sử của Hải quân nhân dân Việt Nam từ ngày 7/5/1955 đến nay, trong đó có nhiều hình ảnh Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn bó với các hoạt động, sự kiện chiến đấu của Hải quân Việt Nam. Công trình được hoàn thiện và khánh thành vào tháng 5/2016, mừng Ngày sinh nhật Bác Hồ (19/5), cũng là tháng kỷ niệm sự kiện Chiến thắng Điện Biên Phủ và Ngày truyền thống của lực lượng hải quân.
Đại tá Bùi Đình Dương, Phó Lữ đoàn 146, Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa, nói: “Công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp là công trình văn hóa mang ý nghĩa lịch sử, xã hội sâu sắc. Công trình thể hiện tình cảm sâu sắc của cán bộ chiến sĩ, nhân dân trên quần đảo Trường Sa đối với Đại tướng. Đây còn là địa chỉ đỏ tuyên truyền, giáo dục truyền thống, ý chí chiến đấu của quân dân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc; khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa mãi là một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Việt Nam”.
Buổi sáng đầu tiên lên đảo, cùng cán bộ, chiến sĩ đảo Sơn Ca làm lễ dâng hương trước tượng đài Đại tướng, ai cũng bồi hồi xúc động. Chiến sĩ trẻ Phạm Thanh Liêm, quê xã Hòa Hiệp Nam (huyện Đông Hòa), nói: “Được trở thành lính hải quân và nhận nhiệm vụ ở đảo Sơn Ca là một vinh dự lớn đối với tôi. Giữa biển trời bao la, có công viên đặt chân dung vị Đại tướng kính yêu của dân tộc và Quân đội nhân dân Việt Nam, tôi càng quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ biển đảo quê hương”.
Các chiến sĩ trẻ xem ảnh tư liệu in trên gốm, ốp tường bên chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ảnh: TRẦN QUỚI |
Phát huy truyền thống hào hùng
Trở lại câu chuyện vị trí chiến lược của đảo Sơn Ca với đại tá Bùi Đình Dương trước khi lên đảo, chúng tôi mới thấy đảo Sơn Ca ở vị trí vô cùng nhạy cảm, trọng yếu trong thế trận bảo vệ chủ quyền. Đại tá Dương chỉ tay về hướng xa, một dãy nhà sơn trắng đồ sộ nổi lên trên mặt biển; sau khi dùng ống kính tele kéo lại gần, chúng tôi mới biết đó là đảo Ba Bình (đảo lớn nhất của Trường Sa) đang bị Đài Loan chiếm đóng bất hợp pháp. Đảo Ba Bình chỉ cách đảo Sơn Ca hơn 6 hải lý về phía tây và cách đảo Nam Yết khoảng 11 hải lý về phía đông bắc. Cách đó không xa là đá Gaven và bãi Vành Khăn do Trung Quốc kiểm soát bất hợp pháp. Vì thế, vị trí của đảo Sơn Ca hết sức trọng yếu. Tuy nhiên, ở cụm đảo này, đảo Sơn Ca kết hợp với 2 đảo Nam Yết và Đá Thị tạo thành thế chân kiềng vững chãi trong thế trận phòng thủ, bảo vệ chủ quyền, tạo thành thế trận liên hoàn nơi biển khơi.
Trong buổi sinh hoạt với cán bộ, chiến sĩ đảo Sơn Ca, đại tá Bùi Đình Dương nhắc nhở: “Tình hình biển Đông đang tiếp tục diễn biến phức tạp, dậy sóng bởi những âm mưu của các thế lực thù địch nước ngoài. Thời tiết khắc nghiệt, khó lường, cán bộ chiến sĩ toàn đảo phải luôn đề cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, không lơ là chủ quan, nhưng cũng không làm căng thẳng tình hình”.
Trung tá Bùi Xuân Trung, Đảo trưởng Sơn Ca, cho biết được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân đất liền, đảo Sơn Ca đã được trang bị các hệ thống hiện đại như điện mặt trời, điện gió, hệ thống thông tin liên lạc cùng hệ thống khí tài, vũ khí tiên tiến. Trong những năm qua, cán bộ, chiến sĩ trên đảo luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ tuyệt đối an toàn vùng trời, vùng biển quê hương. Đảo luôn chủ động, nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, báo cáo và xử lý các tình huống xâm phạm của tàu và máy bay nước ngoài. Trên đảo Sơn Ca, ngoài các công trình quân sự còn có ngọn hải đăng với nhiệm vụ dẫn đường cho tàu thuyền qua lại; có chùa Sơn Linh đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh cho ngư dân. Những công trình này cũng góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa.
Hứa với cấp trên và nhân dân đất liền, thượng tá Vũ Duy Khánh nói: “Hơn 40 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, với tinh thần “Đảo là nhà, biển cả là quê hương”, phát huy truyền thống anh hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam, lực lượng hải quân, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của đảo kế tiếp nhau thực hiện nhiệm vụ giữ đảo, cùng nhau đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ giữ đảo”.
Chúng tôi rời đảo Sơn Ca trong niềm tin sắt son của người lính đảo với nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ biển đảo quê hương cùng màu xanh của đảo, màu xanh của ước vọng hòa bình. Vượt lên tất cả, bằng trái tim và khối óc những người lính đảo Trường Sa nói chung, cán bộ, chiến sĩ trên đảo Sơn Ca luôn chắc tay súng bảo vệ hải đảo tiền tiêu Tổ quốc Việt Nam.
Trong chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 lịch sử, ngày 29/3/1975, đội Đặc công 1 (Đoàn 126) được tăng cường 3 tàu vận tải không số của Đoàn 125 cùng một số vũ khí, trang bị với nhiệm vụ ra giải phóng quần đảo Trường Sa. Ngày 14/4/1975, ta giải phóng đảo Song Tử Tây. Ngày 25/4/1975, quân ta tiếp tục giải phóng đảo Sơn Ca. |
TRẦN QUỚI