Gắn bó sống chết với biển giã, gió cát…, cuộc đời của những ngư dân chân chất, nghĩa khí ở vùng đất xứ Nẫu Phú Yên - Bình Định đang ngày đêm tiếp thêm nguồn sinh lực cho vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu của Tổ quốc.
Tàu cá của gia đình ông Nguyễn Văn Dí đang đánh bắt trên biển Đông - Ảnh: ĐÀO ĐỨC TUẤN |
Nghĩa khí giữa trùng khơi
Giữa ngày hè rát bỏng, tôi về làng cá Phú Lạc, xã Hòa Hiệp Nam (huyện Đông Hòa) tìm gặp ông Nguyễn Văn Thoại (Ba Thoại), người được mệnh danh là “ngư ông” cứu người và tàu thuyền bị nạn trên biển. Ở tuổi 50, Ba Thoại đang là tổ trưởng tập đoàn 10 tàu cá nổi tiếng ở vùng biển Hòa Hiệp - người đàn ông chất phác, hiền lành nhưng luôn quyết liệt trong bao nhiêu tình huống cấp kỳ sóng nước.
Với Ba Thoại, làm ăn trên biển, gặp người bị nạn mà không cứu giúp mới là chuyện bất thường. Ông nhớ, một ngày cuối năm 2008, tàu nhà đang no cá trở về thì linh cảm có ai đó đang kêu cứu. Ba Thoại quyết định tăng tốc, cho tàu rẽ ngang trong nhập nhoạng buổi chiều tối, sóng càng lúc càng mạnh. Chạy khoảng 15 phút thì anh em trên tàu lờ mờ nhìn thấy ba bóng người đang trên một chiếc thuyền vỏ lườn gần chìm hẳn, cố sức dùng chiếc áo phất vẫy làm hiệu.
Tàu lại gần cập mạn, Ba Thoại nhận ra một người đàn ông cùng hai đứa trẻ khoảng 9-10 tuổi mặt mày tái nhợt trong nước mắt, nước biển. Ông lập tức cho thả thúng chai xuống, tìm cách đẩy áp sát vào thuyền bị nạn rồi buột dây kéo, lần lượt đưa tất cả lên tàu của mình. Cả ba quỳ thụp, chắp tay vái lạy liên hồi. Đây là ba cha con sống ở làng chài Vũng La (TX Sông Cầu), cách chỗ bị nạn hơn 80 cây số. Họ đi biển từ đêm trước. Ra giữa biển, thuyền bị chết máy, không sửa được. Biển động mạnh, sóng đánh đứt dây neo làm nó trôi từ nửa đêm qua. Trong suốt một ngày, họ nhìn thấy 3, 4 chiếc ghe lớn đi ngang, dù đã cố sức phất tín hiệu xin cứu nhưng không ghe nào dừng lại. Thuyền bị nước vào, đã ngập lút, nếu không được vớt thì chắc sẽ bị làm mồi cho sóng biển.
“Cứ nhìn nét mặt xanh tái, hốc hác của hai đứa trẻ, tôi xót xa không chịu được. Chúng chỉ bằng tuổi đứa con út của tôi, suýt nữa đã bị vùi xác giữa biển cả. Sống ở đời, lương tâm làm người không bao giờ cho mình được quyền hờ hững khi biết có người đang ởgiữa lằn ranh sống chết”, Ba Thoại chia sẻ.
Tàu cá của gia đình ông Nguyễn Văn Ái đang đánh bắt trên biển Đông - Ảnh: ĐÀO ĐỨC TUẤN |
Tỉ phú bám biển
Một đời với nghề biển, gia đình ông Nguyễn Văn Ái (64 tuổi, ở xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) hiện sở hữu 4 tàu đánh bắt xa bờ với tổng công suất trên 3.000CV. Trong đó, tàu BĐ-94032 (1.250CV) là tàu cá tư nhân lớn nhất miền Trung hiện nay. Cả 6 con trai của vợ chồng ông Ái đều theo nghiệp xa bờ; trong đó, 4 con trai lớn đang làm thuyền trưởng 4 tàu, 1 người sắp làm thuyền trưởng tàu vỏ thép (đang tiến hành đóng) và cậu út đang làm công tác hậu cần nghề cá. Hai cô con gái đều có chồng làm biển.
Cách đây 20 năm, gia đình đông con, vợ mắc trọng bệnh, cuộc sống khó khăn tứ bề. Ông Ái phải đành lòng bán chiếc ghe nhỏ, rồi gỡ từng tấm tôn mái nhà… để bán chạy thuốc, chạy ăn. Thế nhưng, bản chất kiên cường, “máu” làm giàu của dân Bình Định đã không cho ông buông tay. Chạy thuốc vợ khỏi bệnh, ông Ái mượn tiền mua ghe mới. Và rồi cần cù bám biển và nhờ “trời thương”, tàu nhà được mùa mấy năm liền. Ông lần lượt mua mới, đổi tàu có công suất lớn dần để đánh bắt dài ngày, với năng suất cao dần. Đến lúc này, vợ chồng ông Ái và các con đang sở hữu hai tàu 450CV, một tàu 1.000CV và một tàu 1.250CV.
“Nhóm tàu gia đình luôn cử một chiếc làm nhiệm vụ hậu cần và chuyên chở cá vào bờ để bán, cá tươi luôn được giá. Mỗi tàu đều trang bị dàn lưới vây, lưới rút đến giàn câu cá ngừ đại dương, nên có thể “trị” được nhiều loại cá. Do tính toán kỹ nên hầu như không chuyến khơi nào của tàu nhà bị lỗ tổn. Nhiều mùa tiền vô như nước, ham lắm. Anh em đi bạn cũng được chia lãi rất khá, đời sống ai cũng tấn tới”, ông Ái cho hay.
Hiện tại, gia đình ông đang lập dự án vay 4 tỉ đồng vốn ưu đãi để tiếp tục nâng cấp lớn cho đội tàu, làm giàu cho dòng tộc và gia đình hàng trăm bạn tàu. Theo ông Ái, điều tiên quyết của nghề đi biển là sự đồng lòng liên kết, trong bờ đoàn kết một thì ngoài biển phải đoàn kết mười. Gần đây, khi Trung Quốc gia tăng các hành động quá khích ngang ngược trên biển Đông, ông Ái cho rằng nghề đánh bắt xa bờ đang đối diện thách thức vô cùng lớn. “Chúng tôi rất uất giận, vì ngư trường biển Đông là nơi lâu nay kiếm miếng ăn nuôi sống gia đình, nay có kẻ ngang nhiên giành giật. Chủ quyền đất nước bị đe dọa, ngư dân càng phải liên kết chặt chẽ, đồng lòng bám biển, giữ vững lãnh hải quốc gia. Ngư dân chúng tôi rất phấn khởi, thêm vững tin bám biển khi Tòa trọng tài quốc tế vừa phủ nhận đường lưỡi bò phi lý của Trung Quốc trên biển Đông”, ông Ái khẳng định.
ĐÀO ĐỨC TUẤN