Thứ Sáu, 20/09/2024 23:39 CH
Chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Bảy, 28/06/2014 16:52 CH

Ngày 21/2/1982, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố phản đối chính quyền Đài Loan tự ý đặt quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa dưới quyền tài phán của mình.

 

Ngày 6/5/1983, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam ra tuyên bố phản đối việc ngày 25/4/1983 Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đặt tên Trung Quốc cho các đảo, đá, bãi cạn thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

 

Ngày 15/4/1984, Bộ Ngoại giao Việt Nam phản đối Malaysia chiếm đóng trái phép đảo Hoa Lau trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

 

Ngày 2/6/1984, Bộ Ngoại giao Việt Nam ra tuyên bố lên án Trung Quốc sáp nhập hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vào địa phận tỉnh Hải Nam, Trung Quốc.

 

Tháng 12/1986, Malaysia lại tổ chức một cuộc hành quân ra chiếm đóng trái phép đá Kỳ Vân (Mariveles Reef) và đá Kiệu Ngựa (Ardasier Reef) mà họ gọi là Terumbu Mantanani và Terumbu Ubi ở phía bắc đá Hoa Lau. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phản đối hành động này của Malaysia.

 

Ngày 16/4/1987, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trước tuyên bố ngày 15/1/1987 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc về chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Nam Sa (tức Trường Sa). Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tuyên bố lên án Trung Quốc đã liên tiếp đưa tàu biển đến khảo sát, tiến hành các hoạt động bất hợp pháp ở quần đảo Trường Sa, đặc biệt là Trung Quốc đã tổ chức tập trận ở quần đảo Trường Sa từ ngày 16/5 đến ngày 6/6/1987.

 

Ngày 20/2/1988, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tuyên bố tố cáo nhiều tàu chiến Trung Quốc vi phạm lãnh hải Việt Nam ở ngoài khơi của quần đảo Trường Sa của Việt Nam, lên án các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa là đe dọa nền an ninh của Việt Nam và của các nước láng giềng trong khu vực.

 

Ngày 14/3/1988, trước việc Trung Quốc ngang ngược dùng vũ lực tấn công và xâm chiếm đá Chữ Thập và đá Gaven cùng một số đá chìm và bãi ngầm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam, gây hư hại nhiều tàu thuyền, bắn chết và làm mất tích gần 100 công dân Việt Nam, Bộ Ngoại giao Việt Nam ra Tuyên bố lên án Trung Quốc gây xung đột vũ trang và chiếm đoạt một số bãi đá ngầm tại Trường Sa của Việt Nam, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam và vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.

Năm 1992, Trung Quốc lại dùng vũ lực xâm chiếm bãi Vạn An và một số đảo nhỏ trên thềm lục địa của Việt Nam, phía đông các bãi Thanh Long và Tư Chính.

Những vụ xâm chiếm này rõ ràng không những đã xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam mà còn vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế hiện đại, như: nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia, nguyên tắc cấm dùng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế, nguyên tắc hòa bình giải quyết các tranh chấp quốc tế, nguyên tắc các quốc gia phải có nghĩa vụ hợp tác với nhau,… Những nguyên tắc này đã được ghi nhận trong Hiến chương Liên Hợp Quốc, Tuyên bố ngày 24/10/1970 của Liên Hợp Quốc, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và trong hàng loạt điều ước quốc tế đa phương và song phương, khu vực và toàn cầu.

 

Ngày 23/6/1994, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc. Việt Nam là nước thứ 63 phê chuẩn công ước này thông qua Nghị quyết của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 23/6/1994 và nộp lưu chiểu văn bản phê chuẩn vào ngày 25/7/1994. Trước và sau phê chuẩn Công ước 1982, phần lớn các quy định của Công ước Luật Biển năm 1982 đã được Việt Nam vận dụng làm cơ sở cho việc ban hành và thực thi các văn bản pháp luật nhằm điều chỉnh các hoạt động trên biển của mình. Quốc hội khẳng định chủ quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với các vùng nội thủy, lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam trên cơ sở các quy định của công ước và các nguyên tắc của pháp luật quốc tế; yêu cầu các nước khác tôn trọng các quyền nói trên của Việt Nam. Đồng thời, Quốc hội một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và chủ trương giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ cũng như các bất đồng khác liên quan đến biển Đông thông qua thương lượng hòa bình trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; trong khi nỗ lực thúc đẩy đàm phán để tìm giải pháp cơ bản và lâu dài, các bên liên quan cần duy trì ổn định trên cơ sở giữ nguyên trạng, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

 

Quốc hội nhấn mạnh: cần phân biệt vấn đề giải quyết tranh chấp về quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa với các vấn đề bảo vệ các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam căn cứ vào những nguyên tắc và những tiêu chuẩn của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

 

Phê chuẩn Công ước 1982 là bước đi tất yếu, khẳng định quyết tâm của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế xây dựng một trật tự pháp lý mới, công bằng trên biển, đồng thời khẳng định tính đúng đắn của chính sách và pháp luật biển Việt Nam, làm cơ sở cho việc phát triển kinh tế biển bền vững kết hợp bảo vệ vững chắc quốc phòng, an ninh và các quyền lợi trên biển của nước ta, và là cơ sở để chúng ta xem xét ủng hộ và tham gia tiếp các văn bản pháp lý quốc tế phát triển sau Công ước 1982.

 

Ngày 15/5/1996, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc phê chuẩn Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc.

 

Ngày 16/1/2005, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã yêu cầu phía Trung Quốc có các biện pháp nhằm ngăn chặn và chấm dứt ngay những hành động sai trái tương tự, cho điều tra và xử lý nghiêm những kẻ đã bắn chết người về sự kiện ngày 8/1/2005 tàu nổ súng vào tàu đánh cá Việt Nam làm 9 ngư dân tỉnh Thanh Hóa bị thương.

 

Ngày 24/11/2007, Việt Nam cũng phản đối việc Trung Quốc tiến hành tập trận trong vùng quần đảo Hoàng Sa từ ngày 16 đến 23/11/2007 và coi đây là hành động vi phạm chủ quyền. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho rằng, việc này không phù hợp với tinh thần cuộc gặp mới đây giữa hai Thủ tướng Việt Nam và Trung Quốc bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 13 tại Singapo.

 

Ngày 3/12/2007, Việt Nam đã lên tiếng cực lực phản đối hành vi của Quốc Vụ viện Trung Quốc phê chuẩn việc thành lập thành phố Tam Sa để quản lý các đảo gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Trước diễn biến này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố: Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo nói trên.

 

Ngày 12/3/2009, Bộ Ngoại giao Việt Nam ra Tuyên bố phản đối việc Trung Quốc cho phép Công ty TNHH Du lịch quốc tế Châu Giang, Hải Nam của nước này mở tour du lịch ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo này và nhấn mạnh: “Việc này đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, không có lợi cho tiến trình đàm phán tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài cho vấn đề trên biển giữa hai bên”.

 

Ngày 12/3/2009, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tuyên bố phản đối Luật Đường cơ sở mới của Philippines vừa được Tổng thống Gloria Macapagal Arroyo ký ban hành, trong đó quy thuộc các đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào lãnh thổ của Philippines.

 

Ngày 8/5/2009, phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc đã có Công hàm số 86/HC-2009 gửi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc bác bỏ Công hàm ngày 7/5/2009 và yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc tại biển Đông. Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã trả lời phỏng vấn khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và coi đường yêu sách 9 đoạn của Trung Quốc thể hiện trên sơ đồ là “không có giá trị vì không có cơ sở pháp lý, lịch sử và thực tiễn”.

 

Ngày 16/5/2009, phản ứng của Việt Nam trước việc Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc từ ngày 16/5 đến ngày 1/8/2009 tại một số vùng biển, trong đó có những khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố: “Việt Nam khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Mọi hành động của nước ngoài đối với hai quần đảo này cũng như trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam mà không có sự đồng ý của Việt Nam đều là vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các khu vực này”.

 

Ngày 8/7/2010, Phái đoàn thường trực của nước Cộng hòa Indonesia tại Liên Hợp Quốc đã gửi Công hàm số 480/POL-703/VII/10 cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc để phản đối tấm bản đồ yêu sách hình chữ U (hay còn gọi là đường đứt khúc 9 đoạn) kèm theo Công hàm số CML/17/2009 ngày 7/5/2009 của Phái đoàn thường trực của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

 

Ngày 5/4/2011, Phái đoàn thường trực của Philippines tại Liên Hợp Quốc đã gửi Công hàm về những vấn đề liên quan trong Công hàm số CML/17/2009 và CML/18/2009 ngày 7/5/2009 của Phái đoàn thường trực CHND Trung Hoa và tấm bản đồ đính kèm thể hiện đường đứt khúc 9 đoạn (đường lưỡi bò) ở biển Đông. Phái đoàn Philippines “không thể đồng tình với lời khẳng định trong các công hàm nêu trên “đối với chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc trên các đảo trong biển Nam Trung Hoa và các vùng nước kế cận, cũng như các quyền chủ quyền và tài phán đối với các vùng nước, vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của chúng…” và “được quốc tế biết đến rộng rãi”.

 

Ngày 14/4/2011, Phái đoàn thường trực của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Liên Hợp Quốc đã gửi Công hàm tới Tổng thư ký Liên Hợp Quốc phản đối Công hàm số 000228 ngày 5/4/2011 của Philippines. Trước đó, ngày 10/4/2011, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng công hàm của Philippines là không thể chấp nhận.

(Còn nữa)

PGS,TS NGUYỄN BÁ DIẾN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek