Sau những nghi lễ tiễn đưa nhanh gọn nhưng không kém phần trang trọng của Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân là tiếng còi tàu hụ dài tạm biệt đất liền. Đoàn công tác số 15 trên con tàu HQ-561 rời cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh) lúc 8 giờ ngày 29/5/2014 để bắt đầu chuyến đi đong đầy cảm xúc…
Với anh chị em nghệ sĩ của Nhà hát Ca múa nhạc Sao Biển, đây là chuyến đi thực tế hơn cả thực tế! Những gì lâu nay chúng tôi chỉ được nghe, được xem trên báo đài thì chỉ còn hai ngày đêm nữa là được “mục sở thị”.
Biển quê hương xanh thẳm, bao la quá, đứng trên boong tàu nhìn ra tít tắp chân trời mới cảm nhận được hết nghĩa của từ mênh mông. Con tàu HQ-561 mà chúng tôi đang đi là một trong những con tàu vận tải - bệnh viện hiện đại, bề thế nhất của Hải quân nhân dân Việt Nam. Vậy mà giữa biển khơi vẫn thấy nhỏ bé và lẻ loi làm sao.
Bất chợt tôi hình dung cảnh những chiếc thuyền buồm nhỏ bé vượt trùng dương đi cắm mốc chủ quyền của ông cha ta từ hàng trăm năm trước. Chuyện như không tưởng nhưng rõ ràng tiền nhân xưa thật là dũng cảm, phi thường!
5 giờ sáng 31/5/2014, tàu đến đảo Trường Sa Lớn (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa). Nhiều người trên tàu đã thức dậy rất sớm từ trước đó, tập trung trên boong để đoán già đoán non về cái vệt màu đen xuất hiện ở phía chân trời. Đến khi lại gần và được thủy thủ đoàn thông báo, mới biết đó là đảo Trường Sa Lớn.
Có nhiều cuộc đón tiếp và tiễn đưa mà ta đã gặp trong cuộc đời. Nhưng có lẽ những lần gặp gỡ và chia tay ở nơi miền hải đảo xa xôi là những phút giây không thể nào quên. Đón chúng tôi, các chiến sĩ Hải quân xếp thành hàng dài ngay cầu cảng bằng những ánh mắt rạng ngời, những nụ cười đọng lại thật lâu trên khuôn mặt sạm đen nắng gió. Tiễn đưa, lại những con người ấy, ra đứng nơi cầu cảng, vẫn nụ cười ấy nhưng thoáng chút luyến lưu vì thời gian được gần nhau ít ỏi quá. Vẫn còn nhiều chuyện chưa kịp nói, chưa kịp sẻ chia và nhất là chưa vơi đi nỗi nhớ đất liền.
Đảo nổi. Trong chuyến đi này chúng tôi được đặt chân lên 3 đảo nổi trên huyện đảo yêu thương. Đó là Trường Sa Lớn, Trường Sa Đông và An Bang. Ra đây mới biết có nhiều sự quan tâm và đầu tư từ hậu phương nên những hòn đảo này đã được “đất liền hóa” một cách đáng kể. Có lẽ ấn tượng nhất là màu xanh dịu mát của nhiều loại cây phủ đều lên đảo. Đó đây là những công trình dân sinh, công trình phòng thủ sừng sững thi gan cùng nắng gió. Ở Trường Sa Lớn còn có cả bệnh viện, trường học, cơ quan hành chính, nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và ngôi chùa trầm mặc, uy nghiêm. Trong chiều nhạt nắng, các cháu bé, những cư dân trẻ tuổi của thị trấn tiền tiêu, đạp xe tung tăng vui đùa trên con đường thẳng tắp, tiếng chuông chùa thong thả ngân lên làm lòng người bỗng bâng khuâng lưu luyến. Bằng tình yêu đất mẹ ngàn đời, bằng tình yêu quê hương biển đảo, con người nơi đây đã vượt qua mọi gian nan, cách trở để tạo nên những điều thật giản đơn nhưng lại vô cùng kỳ diệu.
Đảo chìm. Giữa mênh mông biển trời mọc lên những ngôi nhà mang dáng dấp công sự và có kiến trúc giống nhau. Đó là đảo chìm được xây dựng trên nền san hô nằm dưới mực nước biển. Từ cán bộ đến chiến sĩ trên các đảo chìm sống, làm việc và sinh hoạt trên một diện tích tương đối khiêm tốn. Tuy nhỏ hẹp là vậy, nhưng các anh vẫn chừa chỗ để nuôi chó, heo, gà, vịt và đặc biệt là trồng rau xanh. Những mầm xanh quý giá được ươm trồng chăm bón theo một chế độ đặc biệt để chống lại cái nắng gió khắc nghiệt của biển khơi vẫn vươn lên ngạo nghễ.
Nhà giàn DK1. DK1 là chữ viết tắt của cụm từ “Trạm kinh tế, khoa học và dịch vụ”, là đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh vùng 2 Hải quân. Nhiệm vụ của các nhà giàn DK1 là làm chỗ dựa cho ngư dân đánh bắt hải sản, định hướng cho tàu thuyền qua lại, thu thập các số liệu thủy văn và huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ chủ quyền vùng biển thềm lục địa phía nam của Tổ quốc. Trước khi đến nhà giàn, Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân tổ chức lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh trên thềm lục địa phía nam. Vòng hoa và những đóa cúc vàng được thả xuống lòng đại dương trong nghẹn ngào xúc cảm và lòng thành kính tri ân của các thành viên đoàn công tác đối với những người đã ngã xuống vì yên bình biển đảo quê hương.
Biểu diễn văn nghệ. Nhiệm vụ của đội văn nghệ xung kích chúng tôi (12 diễn viên, nhạc công Nhà hát Ca múa nhạc Sao Biển) là đem lời ca tiếng hát phục vụ cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên các đảo và nhà giàn. Trừ buổi biểu diễn tối đầu tiên ở đảo Trường Sa Lớn có sân khấu, có âm thanh ánh sáng hẳn hoi, còn lại là những buổi văn nghệ thật đặc biệt. Có lúc diễn viên và người xem ngồi quây quần bên nhau ở ngay lối đi. Lại có lúc ca sĩ phải đứng trên giường để hát, rồi chân thấp chân cao bước trên gộp đá vừa hát vừa giữ thăng bằng để khỏi rơi xuống nước. Chương trình biểu diễn cũng thật đặc biệt. Mở đầu thường là một vài ca khúc của các diễn viên chuyên nghiệp, tiếp theo là các anh lính trẻ đáp lời và sau đấy là cả tập thể hòa ca với những bài hát cộng đồng theo kiểu tùy hứng, tất cả cùng nắm tay nhau đi vòng tròn đoàn kết. Những ánh mắt lúng liếng thật tươi, những tiếng cười thật giòn là hình ảnh in đậm nhất trong các buổi giao lưu văn nghệ. Tuy nhiên đâu đó trong góc khuất, không ít cô gái đang trộm lau dòng nước mắt chực ứa ra, những giọt lệ chứa chan tình nghĩa tiền tuyến hậu phương keo sơn gắn bó.
Ngày 7/6/2014, tàu về lại đất liền, để lại sau lưng những ánh mắt luyến lưu của các anh chiến sĩ, của bà con cư dân trên các đảo. Tạm biệt Trường Sa yêu thương, những gì chúng tôi được trải nghiệm trong suốt cuộc hành trình sẽ mãi mãi còn. Dẫu ở xa đất liền, nhưng các anh sẽ không cô đơn. Bởi vì còn có hơn 90 triệu trái tim nơi hậu phương luôn cùng hòa nhịp đập với những người đang ngày đêm bám trụ nơi đầu sóng ngọn gió, tất cả vì chủ quyền biển đảo của Tổ quốc thiêng liêng bền vững ngàn đời.
Nhạc sĩ TẤN PHÁT
Phó giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Sao Biển