Cùng với cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế, Đảng bộ, quân và dân Phú Yên bày tỏ niềm thương tiếc Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đi xa. Thành kính tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Báo Phú Yên trân trọng trích đăng một số trước tác của ông về những sự kiện lịch sử tiêu biểu như: Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, Tổng tấn công xuân 1968, Trận Điện Biên Phủ trên không 1972, Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân 1975…
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Trong buổi bình minh của thiên niên kỷ mới, trên Tổ quốc Việt Nam hoàn toàn độc lập, thống nhất, công cuộc đổi mới xây dựng phát triển đất nước đang từng ngày khởi sắc, nhân dân ta kỷ niệm trọng thể 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Chúng ta còn nhớ: Thu - Đông 1953, cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân xâm lược Pháp bước sang năm thứ 8. Sau 5 năm tự lực chiến đấu trong vòng vây, từ năm 1950 trở đi, chủ lực ta liên tiếp mở nhiều chiến dịch lớn, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng rộng lớn ở biên giới Việt - Trung, Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào. Chiến tranh du kích phát triển mạnh, làm “ruỗng nát” vùng tạm chiếm của đối phương.
Ngày 19/4/2004, trực thăng của Quân chủng Không quân đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào Mường Phăng - nơi ở của Bộ Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa - Ảnh: T.LIỆU
Trước tình hình nguy khốn ở Đông Dương, Chính phủ Pháp cử tướng 4 sao Hăngri Nava sang làm Tổng chỉ huy thứ bảy của đội quân viễn chinh xâm lược. Ta được biết nội dung kế hoạch Nava do nước bạn Trung Quốc cung cấp. Theo kế hoạch này, Nava đề ra mục tiêu trong vòng 18 tháng, tập trung lực lượng cơ động chiến lược để tiến công tiêu diệt phần lớn chủ lực của ta, buộc Chính phủ ta phải chấp nhận đàm phán theo những điều kiện do Pháp đề ra nhằm tìm “lối thoát danh dự” cho cuộc chiến tranh xâm lược.
Trong Đông - Xuân 1953-1954, Nava tập trung các binh đoàn cơ động ở đồng bằng Bắc Bộ nhằm đối phó với cuộc tiến công có thể xảy ra của chủ lực ta, càn quét bình định vùng sau lưng chúng; cho quân nhảy dù xuống Lạng Sơn, đánh ra Ninh Bình, uy hiếp các căn cứ kháng chiến của ta ở Việt Bắc và Thanh Nghệ Tĩnh.
Để phá tan kế hoạch Nava buộc chúng phải phân tán lực lượng, bị động đối phó, Bộ Thống soái tối cao của ta chủ trương dùng một bộ phận quân chủ lực, phối hợp với các lực lượng địa phương, chủ động mở các cuộc tiến công lên Tây Bắc, Trung Lào và Hạ Lào, Bắc Tây Nguyên, lấy Tây Bắc làm hướng chính. Đó là những hướng chiến lược hiểm yếu mà địch tương đối yếu, ta có thể tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng đất đai, tiếp tục khoét sâu mâu thuẫn cơ bản giữa tập trung và phân tán binh lực của địch, tạo nên thế trận mới, thời cơ mới. Tình hình có thể phức tạp, ta cần theo dõi diễn biến, khi thời cơ xuất hiện thì nhanh chóng tập trung lực lượng, tiêu diệt một bộ phận quan trọng quân địch, làm chuyển biến cục diện chiến tranh có lợi cho ta.
Tháng 11/1953, khi phát hiện chủ lực ta tiến lên Tây Bắc, Nava cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ để yểm trợ cho các đơn vị ở Lai Châu rút chạy, đồng thời bảo vệ Thượng Lào. Sau khi biết chắc chắn phần lớn chủ lực ta đã tiến lên Tây Bắc, Nava chủ trương tăng cường lực lượng, gấp rút xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương nhằm thu hút và đánh bại chủ lực ta.
Đầu tháng 12/1953, quân ta mở cuộc tiến công tiêu diệt phần lớn quân địch ở Lai Châu rút chạy, bao vây Điện Biên Phủ. Hạ tuần tháng 12, quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với quân giải phóng Pathét Lào mở cuộc tiến công vào Trung Lào, giải phóng Thà Khẹt và phát triển xuống Hạ Lào, giải phóng cao nguyên Bôlôven. Tháng 1/1954, tuy có tin địch sẽ tiến công vào vùng tự do ven biển Liên khu V, nhưng chủ lực ta vẫn nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh của Bộ Tổng tư lệnh, kiên quyết mở cuộc tiến công lên Bắc Tây Nguyên, giải phóng Kon Tum và một vùng rộng lớn, nối liền với khu giải phóng Hạ Lào. Hạ tuần tháng 1/1954, trong khi tạm đình cuộc tiến công vào Điện Biên Phủ, một đơn vị chủ lực ta đã bất ngờ mở cuộc tiến công sang Thượng Lào. Đòn tiến công này đã giải phóng lưu vực sông Nậm Hu, uy hiếp thủ đô Luông Phabăng.
Bằng 5 đòn tiến công chiến lược nói trên, ta đã điều động được lực lượng địch, thu hút chúng đến những chiến trường có lợi cho ta, buộc khối cơ động chiến lược của Nava phải chia năm xẻ bảy để tiêu diệt chúng.
Phối hợp các đòn tiến công của bộ đội chủ lực, chiến tranh du kích phát triển mạnh mẽ ở các vùng địch hậu, đồng bằng Bắc Bộ, Bình Trị Thiên, Cực Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Hàng chục đoàn tàu bị lật đổ, hàng chục máy bay bị phá hủy trên các sân bay, hàng trăm đồn bốt bị san bằng, nhiều vùng căn cứ du kích được mở rộng.
Thắng lợi to lớn của các chiến trường phối hợp trong giai đoạn đầu của chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 đã làm cho kế hoạch Nava bị đảo lộn và bắt đầu phá sản. Ở chiến trường chính, Điện Biên Phủ, lúc đầu chưa có trong kế hoạch Nava và cũng chưa có trong kế hoạch tác chiến của ta, đã trở thành nơi diễn ra trận quyết chiến chiến lược, cuộc đọ sức quyết liệt nhất giữa ta và địch. Thực hiện quyết tâm tiêu diệt địch ở Điện Biên Phủ, bộ phận tham mưu của ta và của đoàn cố vấn đi trước để chuẩn bị chiến trường, đã đề nghị phương án tranh thủ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” khi địch còn đứng chân chưa vững, dốc toàn lực đánh trong 3 đêm 2 ngày, tiêu diệt toàn bộ quân địch giành thắng lợi. Tôi và đồng chí trưởng đoàn cố vấn đi sau, lên đến mặt trận đã nghe báo cáo phương án đánh nhanh.
Tại cuộc họp đầu tiên của đảng ủy chiến dịch, tôi đã nêu những khó khăn lớn mà bộ đội ta chưa thể vượt qua nếu đánh theo phương án đó. Nhưng ý kiến chung đều cho rằng: Bộ đội ta đã được huấn luyện về cách đánh tập đoàn cứ điểm, hiện nay sung sức, quyết tâm chiến đấu rất cao, lại có lựu pháo và cao xạ pháo lần đầu xuất trận, với sức mạnh mới, có thể gây bất ngờ và sẽ chiến thắng. Nếu không đánh sớm, để địch tăng thêm quân và củng cố công sự, khiến tập đoàn cứ điểm trở nên quá mạnh, ta sẽ bỏ lở cơ hội đánh tiêu diệt lớn trong Đông - Xuân này.
Chiến dịch kéo dài sẽ không giải quyết được khó khăn về hậu cần. Đồng chí trưởng đoàn cố vấn cũng tán thành phương án ấy. Tuy không tin vào thắng lợi của phương án đánh nhanh thắng nhanh nhưng tôi tự thấy mình vừa mới đến chiến trường, chưa có đủ cơ sở thực tế để bác bỏ ý kiến của đa số, nên đã đồng ý triệu tập Hội nghị cán bộ để phổ biến kế hoạch tác chiến theo phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Đồng thời tôi chỉ thị cơ quan tham mưu theo dõi chặt chẽ tình hình địch từng ngày, từng giờ, kịp thời báo cáo; nếu tình hình thay đổi ta có thể thay đổi kế hoạch.
Suốt 11 ngày đêm theo dõi tình hình, tôi thấy địch ngày càng tăng cường lực lượng, ra sức củng cố trận địa, và những khó khăn của ta chưa có cách khắc phục.
Nhiều đêm trăn trở, cân nhắc, đêm cuối cùng thức trắng, tôi đi đến kết luận: đánh theo cách này nhất định thất bại. Sáng ngày 26/1, tôi đã trao đổi ý kiến thống nhất với đồng chí trưởng đoàn cố vấn, tiếp đó đưa ra Đảng ủy mặt trận bàn thay đổi cách đánh. Cuộc thảo luận trong Đảng ủy đã diễn ra gay go sôi nổi, tất cả đều cho rằng bộ đội quyết tâm cao, mọi mặt đã chuẩn bị, phải đánh nhanh, nếu không sẽ khó khăn, mất thời cơ. Nhưng khi đặt ra câu hỏi: vậy đánh nhanh có bảo đảm chắc thắng 100% như Bác Hồ căn dặn không? thì không ai dám khẳng định. Cuối cùng Đảng ủy đã đi đến nhất trí phải chuyển sang phương châm “đánh chắc, tiến chắc” - một phương án đã từng dự kiến trước đây. Mặc dù mấy vạn quân ta đã dàn trận, đạn đã lên nòng sẵn sàng nổ súng vào đêm 26/1, nhưng chúng ta đã kiên quyết dừng lại, cho lui quân về vị trí tập kết, kéo pháo ra để chuẩn bị trận địa đánh theo phương án mới. Quyết định thay đổi phương châm đã được triển khai, sau đó báo cáo về Trung ương bằng thư hỏa tốc, được Bác Hồ và Bộ Chính trị nhất trí và cho biết sẽ động viên hậu phương đem toàn lực chi viện cho tiền tuyến đánh thắng.
Thay đổi cách đánh trong tình thế toàn mặt trận từ trên xuống dưới quyết tâm chiến đấu theo phương án đánh nhanh giải quyết nhanh, các đơn vị đã vào vị trí chiến đấu, chờ giờ nổ súng là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của tôi.
Chúng ta chuyển sang cách đánh chắc tiến chắc, tức là bao vây đánh dần từng bước, tiêu diệt từng bộ phận, từ ngoại vi vào trung tâm. Đánh theo cách này, ta có điều kiện tập trung binh hỏa lực ưu thế tuyệt đối trong từng trận, tạo nên sức mạnh áp đảo đánh thắng địch.
Để bảo đảm bao vây, tiêu diệt địch từng bước, theo kinh nghiệm chiến đấu của giải phóng quân Trung Quốc mà đoàn cố vấn giới thiệu, chúng ta đã xây dựng một hệ thống đường kéo pháo bằng cơ giới và các trận địa pháo có hầm đào sâu vào vách núi; xây dựng một hệ thống trận địa bao vây và tiến công quy mô chiến dịch, với hàng trăm kilômét hào giao thông để cơ động tiếp cận địch, với hàng vạn công sự chiến đấu, công sự ẩn nấp cho người và vũ khí, có hầm nghỉ ngơi, sinh hoạt, cấp cứu thương binh trong lòng đất, bảo đảm, cho bộ đội chiến đấu liên tục ngày đêm trên cánh đồng Mường Thanh, dưới sự đánh phá ác liệt của không quân và pháo binh địch.
(Còn nữa)
Đại tướng VÕ NGUYÊN GIÁP