Thứ Năm, 10/10/2024 07:24 SA
Điện Biên Phủ, biểu tượng của sức mạnh Việt Nam (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Năm, 10/10/2013 08:24 SA

Bức tranh Điện Biên Phủ sẽ hiện rõ tầm vóc của nó nếu ta đặt trong một cái khung thời gian của toàn bộ sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, chấm dứt 100 năm đô hộ của thực dân Pháp và nhất là của 30 năm chiến tranh bảo vệ nền độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc. Cuộc chiến tranh 30 năm này được mở đầu bằng Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, được kết thúc bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1975 và Điện Biên Phủ là một cái mốc khẳng định ý chí và sức mạnh của dân tộc Việt Nam chúng ta. Nó là sự kế thừa của Cách mạng Tháng Tám, nó cũng là tiền đề cho thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước sau này.

 

Trong sự nghiệp đánh đuổi quân xâm lược Pháp, ông cha ta đã biểu thị truyền thống yêu nước rất sâu sắc. Từ ngày đầu giặc Pháp đánh Đà Nẵng (1858), nhân dân ta đã chứng minh điều đó, nhưng cùng với thất bại của nhiều phong trào khởi nghĩa vũ trang, lòng yêu nước ấy đứng trước câu hỏi: Làm thế nào để chiến thắng? (Rồi đây các nhà sử học thử phân tích vì sao khi quân Pháp xâm lược nước ta, với một đội quân không đông lắm, thậm chí có lúc chỉ vài trăm quân cũng có thể đánh thắng đội quân của triều đình lúc đó rất đông lại có những vị chỉ huy rất anh dũng như Nguyễn Tri Phương hay Hoàng Diệu?). Niềm khao khát chiến thắng ấy chẳng đã một thời vang lên trong những “Hồi trống tự do”, “Tiếng chuông chiêu hồn” hay những lời da diết “Gọi hồn nước” của Phan Bội Châu và các bậc chí sĩ ái quốc thời trước khi có Đảng.

 

Tư tưởng Hồ Chí Minh với Chánh cương, sách lược vắn tắt từ hồi dựng Đảng được phát triển qua Cương lĩnh Mặt trận Việt Minh (1941) đã trở thành tư tưởng chủ đạo, tạo nên sức mạnh đoàn kết dân tộc trong cao trào Cách mạng Tháng Tám 1945 giành lại non sông gấm vốc, tạo dựng nên Dân chủ Cộng hòa của một quốc gia độc lập.

 

Tư tưởng ấy cùng với sự hình thành lực lượng vũ trang cách mạng. Quân đội nhân dân Việt Nam mà cuối năm nay, chúng ta sẽ long trọng kỷ niệm vừa tròn nửa thế kỷ, chính là nền tảng lịch sử cho thắng lợi của cuộc kháng chiến thần thánh chống đế quốc Pháp và đế quốc Mỹ mà Điện Biên Phủ là một đỉnh cao quyết định.

 

Nếu ta ngược về quá khứ xa hơn nữa của lịch sử dân tộc, truyền thống giữ nước của tổ tiên ta đã hình thành rất sớm trong thời các Vua Hùng và được kết tinh trong hình tượng Thánh Gióng mang tính huyền thoại kỳ vĩ. Dưới thời Bắc thuộc, truyền thống ấy đã dấy lên cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Hai Bà phát động nhân dân vùng dậy chống quân đô hộ, trong một thời gian ngắn lấy lại được 65 thành, giải phóng đất nước, xác lập quyền tự chủ. Nhưng nói theo ngôn ngữ hiện đại Hai Bà Trưng đã thực hiện thành công cuộc khởi nghĩa dân tộc, nhưng cuộc kháng chiến giữ nước tiếp theo bị thất bại.

 

Ở thế kỷ XIII, nhân dân ta thời Trần cũng tiến hành một cuộc chiến tranh vệ quốc kéo dài 30 năm với 3 lần đánh bại quân xâm lược Nguyên - Mông. Đó là một chiến công rất hiển hách. Nhưng nếu phân tích kỹ thì trong suốt 30 năm ấy quân xâm lược đã 3 lần tiến công vào đất nước ta: lần đầu 1 tháng, lần thứ hai khoảng 6 tháng, lần thứ ba cũng khoảng 6 tháng. Cả 3 lần quân dân ta dưới sự thống lĩnh của Trần Hưng Đạo và các tướng lĩnh tài ba khác, trên dưới vua tôi đồng lòng đánh bại không chỉ đội quân xâm lược mà cả ý chí xâm lược của giặc Nguyên - Mông. Tuy nhiên thời gian giữa 3 cuộc chiến tranh ấy nước ta thời Trần vẫn thanh bình và thịnh trị. Còn trong 30 năm tiến hành cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cả nước chúng ta đã trải qua một cuộc chiến tranh liên tục và khốc liệt.

 

Với khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi ở thế kỷ XV thì bắt đầu bằng cuộc khởi nghĩa ở địa phương, quy tụ lực lượng từ nhiều nơi, từ châu Hoan Diễn tiến tới lấy thành Đông Quan, giải phóng đất nước. Chúng ta biết thêm rằng, trước đó ách đô hộ của giặc Minh cũng mới chỉ 10 năm, sau khi quân xâm lược đã đánh bại nhà Hồ, một triều đại có quân đội rất mạnh, có truyền thống thượng võ rất cao.

 

Đến thời Tây Sơn, Nguyễn Huệ Quang Trung bắt đầu bằng một cuộc khởi nghĩa nông dân địa phương, đánh đổ các thế lực phong kiến đương thời, định đô ở Phú Xuân, tích lũy quân lương ở Hoan Diễn rồi tiến quân ra Bắc thần tốc đánh bại đại quân của giặc Thanh đúng với ý nghĩa của một trận quyết chiến chiến lược.

 

Nhắc lại những chiến công của cha ông vừa để tự hào vừa để so sánh những nét giống và khác với sự nghiệp cách mạng của thế hệ chúng ta, chính là để thấy được tính kế thừa, học hỏi tiền nhân cũng như sự sáng tạo và phát triển trong thời đại mới.

 

Đặt vào một bối cảnh rộng lớn hơn, chúng ta còn có thể sánh Điện Biên Phủ với nhiều trận đánh nổi tiếng trong lịch sử chiến tranh thế giới như Oatéclô, Bôrôđinô, Xtalingrát… Mỗi một sự kiện có ý nghĩa với thời đại của nó cũng như trong lịch sử chung của nhân loại. Với Điện Biên Phủ, không chỉ là sự kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam mà còn là sự khởi đầu cho cao trào cách mạng giải phóng dân tộc của các dân tộc nhược tiểu khỏi ách nô dịch của chủ nghĩa thực dân trong lịch sử cận - hiện đại. Bởi vì Điện Biên Phủ là thắng lợi đầu tiên, thắng lợi chấn động địa cầu của một dân tộc vốn là thuộc địa, kinh tế lạc hậu, đánh bại quân đội hiện đại của một cường quốc công nghiệp, một đế quốc phương Tây. Bởi vì Việt Nam với Điện Biên Phủ đã nêu cao tấm gương, bài học: Một dân tộc nhỏ yếu có thể đánh bại một cường quốc hùng mạnh một khi nhân tố con người đã trở thành quyết định vượt lên trên cả yếu tố tiềm lực kinh tế và sức mạnh quân sự. Nhà viết sử phương Tây Jules Roy chẳng đã mô tả Điện Biên Phủ là nỗi “Kinh hoàng khủng khiếp, là thất bại lớn nhất của phương Tây báo hiệu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ và sự cáo chung của một nền cộng hòa ở Pháp”.

 

Sau này, khi tướng Đờ Gôn, Tổng thống Pháp đang có mặt ở Phnôm Pênh đã nhắn vọng cho Mỹ lúc này đã can thiệp sâu vào Việt Nam rằng: Mỹ nên học bài học của Pháp. Nhưng đế quốc Mỹ lại cho rằng Pháp đã thua nhưng Mỹ sẽ thắng. Và thực tiễn đã cho thấy: Tô đậm thêm cho bài học lịch sử của Điện Biên Phủ chính là cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc kết thúc bằng chiến dịch mang tên Bác Hồ vào mùa xuân năm 1975.

 

Bài học lớn ấy phải và đã được thực hiện bằng một nghệ thuật chỉ đạo cách mạng và chiến tranh đúng đắn, sáng tạo. Một trong những tư tưởng chủ đạo của Bác Hồ ngay từ khi mới thành lập lực lượng vũ trang cách mạng là “Đánh phải chắc thắng”, bởi vì dân ta nghèo, xương máu của nhân dân và quân đội phải được quý trọng...

 

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, cái tư tưởng ấy luôn thường trực trong suy nghĩ của bản thân tôi cũng như của nhiều đồng chí khác mỗi khi quyết định một trận đánh, một cách đánh... Ở Điện Biên Phủ, chính vào thời điểm quyết định, tư tưởng ấy đã giúp tôi đi tới một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy quân sự của mình. Bởi vì như lúc đầu, xuất phát từ sự phân tích cho rằng địch vừa đổ quân xuống một chiến trường mới, hệ thống phòng ngự chưa được củng cố, lực lượng của ta lớn hơn hẳn lại có sự chi viện mạnh của pháo binh, ở xa hậu phương nếu kéo dài sẽ gặp khó khăn về tiếp tế, phải đánh nhanh để đề phòng sự leo thang can thiệp của Mỹ... Nên lúc đầu đã từng đề ra quyết định “Đánh nhanh thắng nhanh”.

 

Quyết tâm rất cao, nhất trí từ trên xuống dưới, gần như không có ai có ý kiến khác và trên chiến trường thì pháo đã kéo vào trận địa, quân đã ở tư thế sẵn sàng chiến đấu. Chuyên gia của bạn cũng nhất trí từ đầu. Dự kiến sẽ đánh trong 3 đêm 2 ngày.

 

Chính vào thời điểm ấy, như một linh cảm, hay đúng hơn là kết quả của cả một quá trình suy nghĩ theo tư tưởng đánh chắc thắng, theo lời dặn của Bác: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”, tôi đã cho đi sâu theo dõi thực tiễn tình hình địch, đánh giá cho đúng mọi vấn đề trước giờ nổ súng. Mặc dù, như mọi lần vào trước trận đánh, tôi vẫn có thói quen yêu cầu mọi người phát biểu cho hết những khó khăn của mình, nhưng lần này tất cả đều nhất trí với cách đánh nhanh. Đảng ủy Mặt trận họp cũng quyết định như vậy, mà Bác và Trung ương thì lại ở xa.

 

Tôi yêu cầu anh em quân báo ở Cục 2 trinh sát kiểm tra lại tình hình thì được biết: địch có chiều hướng đổ quân thêm càng đông, công sự và hệ thống phòng ngự xây ngày càng kiên cố. Những động thái của địch cần được đánh giá lại. Thí dụ trước đó thấy địch càn quét đốt phá một số bản làng chỉ cho rằng nó khủng bố nhân dân, sau theo dõi mới biết chúng lấy gỗ, đá về củng cố công sự...

 

(Còn nữa)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek