Lúc 18 giờ 9 phút ngày 4/10/2013, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Quân ủy Trung ương, nguyên Phó thủ tướng thường trực Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vào cõi vĩnh hằng. Cùng với muôn triệu người dân trong cả nước, kiều bào ở nước ngoài, cán bộ và nhân dân Phú Yên nghẹn ngào, hụt hẫng khi nghe tin Đại tướng ra đi.
ĐẠI TÁ ÔNG VĂN BƯU, NGUYÊN TỈNH ĐỘI TRƯỞNG, NGUYÊN CHỦ TỊCH HỘI CỰU CHIẾN BINH TỈNH PHÚ YÊN: Ông là một Đại tướng có một không hai
Hai ngày trước khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp trút hơi thở cuối cùng, đêm nằm mơ tôi thấy hiện lên trong đầu con số 103. Lúc đó tôi không hiểu con số đó là gì, chỉ có một điều trùng khớp đó là năm nay Đại tướng đã 103 tuổi, nhưng tôi không nghĩ đó sẽ là tuổi thọ của ông. Trưa ngày 5/10, xem bản tin 12 giờ trên VTV1 tôi mới ngỡ ngàng: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc của Bác Hồ, người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam đã qua đời. Trong người tôi có một cảm giác rất lạ: hụt hẫng; cổ họng nghèn nghẹn, nước mắt trào ra.
Quê Đại tướng ở Lệ Thủy, còn quê tôi ở Quảng Trạch, cùng chung một tỉnh. Năm 1945 tôi vào bộ đội, biết người chỉ huy cao nhất trong quân đội là Võ Nguyên Giáp nhưng không biết ông là người Quảng Bình, sau này khi vào Phú Yên, Khánh Hòa tham gia chiến đấu tôi mới biết. Trong suốt quá trình tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Trung, nhất là từ năm 1969 khi được giao nhiệm vụ Tỉnh đội trưởng Phú Yên, tôi học tập, nghiên cứu rất kỹ “binh pháp” Chiến tranh nhân dân của Đại tướng để vận dụng vào thực tế chiến trường Phú Yên. Có thể nói, ông là một Đại tướng có một không hai của Việt Nam và của cả thế giới. Tài năng và đức độ của ông được thể hiện tập trung nhất ở tinh thần “Dĩ công vi thượng”, “vì nước quên thân vì dân phục vụ”. 10 lời thề trong quân đội do Đại tướng đề ra đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Nhân cách và cống hiến của Đại tướng đã được tạc vào lòng dân, mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc. Đại tướng đã hoàn thành sứ mệnh vẻ vang được Đảng, Bác Hồ giao phó và tên tuổi của Đại tướng sẽ được lưu danh mãi mãi trên khắp toàn cầu.
Một trong những kỷ niệm sâu sắc và là niềm vinh hạnh nhất trong đời tôi là đã được đến nhà riêng ở số 30 Hoàng Diệu (Hà Nội) để thăm và chụp hình chung với Đại tướng. Bức hình ấy bây giờ Hội Cựu chiến binh tỉnh đang lưu giữ. Trong nhà tôi hiện cũng có một số ảnh chân dung của Đại tướng mà tôi thường hay lấy ra để ngắm hàng ngày.
Dịp này, tôi rất muốn được ra Hà Nội để viếng, chịu tang Đại tướng nhưng không biết đi bằng cách nào; và chắc là không thể đi được vì sức khỏe không cho phép. Tôi cầu nguyện cho linh hồn của Đại tướng về nơi yên nghỉ cuối cùng thanh thản, yên giấc ngàn thu, sớm được gặp lại Bác Hồ.
ÔNG LÊ HÙNG TẤN, NGUYÊN TỈNH ỦY VIÊN, NGUYÊN BÍ THƯ HUYỆN ỦY ĐÔNG HÒA: Ở vị trí nào Đại tướng cũng tỏa sáng
Tối 4/10, tôi hay tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã qua đời ở tuổi 103 - thông tin được truyền tải trên nhiều báo mạng. Cảm giác của tôi lúc ấy thật kỳ lạ, người như rơi vào khoảng không. Phải một hồi rất lâu tôi mới bình tâm trở lại.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người có công lao to lớn trong 2 cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân và đế quốc của dân tộc ta. Tên tuổi của Đại tướng gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu; với chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân 1975 lịch sử. Ở mỗi chiến thắng, yếu tố quyết định là từ đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị và Trung ương nhưng đều mang dấu ấn cá nhân, sự quyết đoán, táo bạo của Đại tướng. Đó là, chuyển từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, thắng chắc” trong chiến dịch Điện Biên Phủ; là “thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng” trong chiến dịch Hồ Chí Minh.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị tướng đức độ, tài ba. Không chỉ khi cầm quân mà bất cứ ở vị trí công tác nào và cả trong cuộc sống đời thường Đại tướng cũng tỏa sáng, luôn được cán bộ, chiến sĩ, nhân dân kính trọng, yêu quý. Đại tướng là tấm gương sáng tuyệt vời, mẫu mực về việc chấp hành và phục tùng nguyên tắc Đảng một cách tuyệt đối, suốt đời phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân. Theo cảm nghĩ của cá nhân tôi, tầm “ảnh hưởng” của Đại tướng đã vượt ra ngoài biên giới đến với tất cả các nước. Đại tướng ra đi là một mất mát vô cùng to lớn không chỉ với nhân dân Việt Nam mà của cả nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.
TRUNG ÚY NGUYỄN VĂN NAM, CHÍNH TRỊ VIÊN ĐẠI ĐỘI HUẤN LUYỆN - CƠ ĐỘNG BĐBP PHÚ YÊN: Tôi có cảm giác như mất đi một phần máu thịt
Dù chỉ biết qua sách báo và thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng từ lâu, tôi luôn tôn kính và coi Đại tướng Võ Nguyên Giáp như người ông của mình. Đó là với tình cảm của một người dân Việt Nam. Còn với tư cách là một sĩ quan trong Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng luôn là tượng đài, là tấm gương sáng để tôi học tập và noi theo. Bởi vậy, ngay sau khi nghe tin Đại tướng từ trần tôi hết sức ngỡ ngàng và vô cùng thương tiếc, hụt hẫng, nước mắt rơi từ lúc nào không hay. Vậy là từ nay nhân dân ta, những người con đất Việt sẽ không bao giờ được nhìn thấy Bác Văn - người anh hùng dân tộc, vị tướng lỗi lạc kiệt xuất của đất nước và thế giới, người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng bằng xương bằng thịt nữa.
Con người ta ai cũng phải tuân theo quy luật sinh lão bệnh tử, nhưng sao sự ra đi của Đại tướng, dù đã ở tuổi 103 xưa nay hiếm, tôi vẫn tiếc nuối vô cùng, như mất đi một phần máu thịt. Có lẽ cảm xúc của tôi cũng hòa chung cảm xúc của triệu triệu đồng bào người Việt Nam và nhân dân thế giới.
Được học tập và công tác trong môi trường quân đội; được tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Đại tướng, điều lớn nhất mà bản thân tôi học tập được từ Đại tướng là đức tính kiên nhẫn, giản dị, khiêm tốn, linh hoạt sáng tạo nhưng quyết đoán; yêu thương chiến sĩ, tôn trọng cấp dưới, giao hòa với quần chúng nhân dân.
Dân tộc ta có một sức sống hết sức mãnh liệt và bền bỉ, càng đau thương càng đoàn kết vượt lên. Vĩnh biệt Đại tướng, tôi tin nhân dân ta sẽ càng đoàn kết, biến đau thương thành hành động, xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, giàu đẹp hơn. Từ tấm gương vĩ đại và bình dị của Đại tướng, vĩnh biệt Đại tướng tôi nguyện sẽ phấn đấu hết sức mình trong công tác, không ngừng học tập và rèn luyện về mọi mặt, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
BÀ HOÀNG THỊ KIM NHUNG (PHƯỜNG 8, TP TUY HÒA): Đại tướng luôn lo cho nước, cho dân
Nói đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp không ai không kính trọng. Ông là một vị tướng có tài thao lược bậc nhất trong các tướng lĩnh của Việt Nam và trên thế giới. Mặc dù là người khai quốc công thần, đã cầm quân đánh thắng thực dân, đế quốc xâm lược nhưng ông vẫn rất khiêm tốn, sống cuộc sống giản dị, luôn lo cho dân cho nước, không tư lợi cá nhân.
Hôm 5/10, khi nghe tin Đại tướng qua đời, nước mắt tôi bỗng dưng trào ra. Thọ ở tuổi 103, Đại tướng ra đi một cách thanh thản, nhưng sao tôi vẫn muốn Đại tướng được sống lâu hơn, ít nhất là đến kỷ niệm 60 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ.
Quê tôi ở Đồng Hới (Quảng Bình), cùng tỉnh với Đại tướng. Tôi có vinh dự hai lần được gặp Đại tướng khi còn là Bộ đội Trường Sơn. Lần đầu ở Vinh, khoảng năm 1962-1963, khi Đại tướng đến thăm đơn vị chúng tôi. Đại tướng ân cần hỏi thăm tình hình đơn vị, đời sống của bộ đội... Lần thứ hai là khi Đại tướng về thăm quê hương Quảng Bình. Lần này, tôi vinh dự được đơn vị cử lên tặng hoa cho Đại tướng. Là Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam nhưng Đại tướng rất gần gũi với chiến sĩ, với người dân. Sau này, khi đất nước được giải phóng, hai miền Nam - Bắc thống nhất, mỗi lần về thăm quê, Đại tướng vẫn thường nhắc con cháu và làng xóm phải biết tự mình vươn lên để làm người có ích cho xã hội.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một nhân cách lớn, một con người vĩ đại luôn sống trong lòng của mọi người dân. Đại tướng mất đi là một tổn thất to lớn về mặt tinh thần không thể bù đắp đối với mọi người dân.
XUÂN HIẾU (thực hiện)