* Hỏi: Đảng viên A là huyện ủy viên, vi phạm chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình sinh con thứ 3. Sau khi chi bộ biểu quyết hình thức kỷ luật khiển trách, về thẩm quyền có 2 loại ý kiến:
- Đảng viên A không vi phạm nhiệm vụ cấp trên giao nên do chi bộ quyết định kỷ luật.
- Đảng viên A là huyện ủy viên nên thẩm quyền xử lý kỷ luật phải do huyện ủy quyết định.
Vậy ý kiến nào đúng?
* Trả lời:
- Điểm 1, Điều 36, Hướng dẫn thực hiện các quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng trong Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng khóa XI (kèm theo Quyết định số 46-QĐ/TW ngày 1/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương) quy định:
“Đối với cấp ủy viên các cấp sinh hoạt tại chi bộ, từ cấp ủy viên đảng ủy cơ sở cho đến Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và cán bộ thuộc diện cấp ủy cấp trên quản lý, nếu vi phạm nhiệm vụ do cấp trên giao (nhiệm vụ do cấp ủy giao hoặc nhiệm vụ chuyên môn được giao) phải áp dụng hình thức kỷ luật từ khiển trách trở lên thì chi bộ đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Quyết định kỷ luật khiển trách, cảnh cáo của chi bộ đối với cấp ủy viên các cấp, cán bộ thuộc diện cấp trên quản lý phải báo cáo lên các cấp ủy mà đảng viên đó là thành viên và cấp ủy, ủy ban kiểm tra của cấp ủy quản lý cán bộ đó.”
Khoản 1, Điều 1, Quyết định số 09-QĐ/TW ngày 24/3/2011 của Bộ Chính trị “bổ sung, sửa đổi Điều 7, Quy định số 94-QĐ/TW ngày 25/7/2007 của Bộ Chính trị (khóa X) về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình” quy định:
“Vi phạm một trong các trường hợp sau đây gây hậu quả ít nghiêm trọng hoặc vi phạm trong trường hợp sinh con thứ ba (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác) thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách”.
Theo các quy định trên, đảng viên A là huyện ủy viên sinh con thứ 3 sẽ bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách và thuộc thẩm quyền quyết định kỷ luật của chi bộ mà đảng viên A sinh hoạt. Nhưng chi bộ phải báo cáo với huyện ủy nơi đồng chí A là thành viên và cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp ủy quản lý đảng viên A
BÍCH THẠCH (giới thiệu)