Ở thôn Lãnh Tú (xã Xuân Lãnh, Đồng Xuân), khi nói đến Bí thư Chi bộ thôn Phạm Văn Hiến, bà con đều dành cho ông tình cảm yêu mến, kính trọng. Gần 80 tuổi, thương binh hạng 2/4, nhưng trái tim giàu nhiệt huyết cách mạng của ông vẫn luôn tươi trẻ, góp phần rất tích cực vào công tác giữ gìn an ninh trật tự (ANTT) thôn buôn.
Ông Phạm Văn Hiến cùng cán bộ Công an xã Xuân Lãnh - Ảnh: PH.HỒNG
QUÁ KHỨ KIÊN CƯỜNG
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Xuân Lãnh (Đồng Xuân) giàu truyền thống cách mạng, tiếp nối truyền thống đấu tranh anh hùng bất khuất của thế hệ cha anh, năm vừa tròn 20 tuổi, chàng thanh niên Phạm Văn Hiến tham gia hoạt động cách mạng. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy gian khổ, ác liệt, ông Hiến luôn kề vai sát cánh cùng đồng đội chiến đấu bảo vệ quê hương. Năm 1968, trong một lần đi xây dựng cơ sở, không may ông sa vào tay địch. Bị bọn địch tra tấn rất dã man nhưng ông Hiến vẫn không hé răng nửa lời. Bất lực, bọn chúng đày ông cùng một số chiến sĩ cách mạng ra nhà tù Phú Quốc.
Chiến tranh đi qua đã hơn 37 năm nhưng mỗi khi nhớ lại những năm tháng gian khổ, đấu tranh trong lao tù, ông Hiến lại bồi hồi xúc động, nhớ về những người đồng chí, đồng đội năm xưa đã vĩnh viễn nằm lại trên đảo Phú Quốc xa xôi. Trong thời gian bị giam cầm ở nhà tù Phú Quốc, ông và anh em trong tù bị bọn địch tra tấn hết sức dã man. Bọn chúng cầm cây đánh liên tiếp vào đầu, đổ nước xà phòng vào miệng, dùng điện để tra khảo… song ông Hiến cùng đồng đội vẫn giữ vững khí tiết, không hề nao núng. Hàng ngày, chúng chỉ cho anh em tù nhân ăn gạo mốc, một ca nước để vừa uống, vừa sinh hoạt. Thiếu nước, ăn uống kham khổ lại bị bắt lao động khổ sai nên sức khỏe của anh em đồng chí trong tù suy kiệt rất nhanh. Do bị bọn cai tù xịt hơi cay nhiều lần đã làm cho mắt phải của ông Hiến vĩnh viễn không còn nhìn thấy ánh sáng.
Năm 1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, ông Phạm Văn Hiến cùng hàng trăm chiến sĩ cách mạng yêu nước bị giam cầm ở nhà tù Phú Quốc được trao trả về đất liền. Sau đó, ông được đưa ra miền Bắc điều trị. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, về lại quê hương, ông Hiến được cán bộ, nhân dân tín nhiệm bầu làm Chủ tịch UBND xã Xuân Lãnh. Với cương vị mới, ông Hiến đã dốc hết bầu nhiệt huyết, góp sức xây dựng quê hương cho đến khi nghỉ hưu năm 1990.
HIỆN TẠI VẺ VANG
Nghỉ hưu nhưng ông Hiến không hề nghỉ việc mà vẫn tích cực tham gia công tác xã hội ở cơ sở và được bầu làm Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã, Bí thư Chi bộ thôn Lãnh Tú. Thôn nơi ông giữ vai trò Bí thư Chi bộ có 175 hộ dân với trên 500 người, bà con trong thôn chủ yếu sống bằng nghề nông, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Để góp phần giữ gìn tốt ANTT thôn, trong các buổi họp dân, ông Hiến thường xuyên tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân trong thôn. Cùng với việc thường xuyên thăm hỏi, động viên bà con trong thôn, ông Hiến chỉ đạo Ban nhân dân thôn quan tâm sâu sát đến cuộc sống của người dân, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà con, kịp thời hòa giải các vụ việc mâu thuẫn, xích mích xảy ra ở cơ sở. Đặc biệt, ông chú trọng tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác, kịp thời phát hiện, đấu tranh tố giác tội phạm, mỗi người dân là một công an viên. Trong thôn, đối tượng nào gây gổ, đánh nhau, uống rượu say, không chí thú làm ăn…, ông Hiến gần gũi, khuyên nhủ những điều hay lẽ phải. Với kinh nghiệm, uy tín của người cán bộ lão thành cách mạng và tấm lòng chân thành, ông đã cảm hóa, giáo dục hàng chục thanh thiếu niên vi phạm trong thôn trở thành người tốt.
Không chỉ nhiệt tình với công tác xã hội ở cơ sở, ông Phạm Văn Hiến còn quan tâm, chăm lo đến những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn; động viên các cháu trong thôn học hành chăm chỉ để trở thành những người có ích cho xã hội, xây dựng thôn, buôn ngày càng bình yên, giàu đẹp. Bà Võ Thị Hồng ở thôn Lãnh Tú, năm nay đã 88 tuổi, sống độc thân, cuộc sống rất khó khăn. Nhờ sự vận động của ông Hiến, mỗi khi đau ốm, bà được bà con lối xóm đến chăm sóc, động viên. “Là một cán bộ hưu trí, đảng viên, tôi luôn khắc sâu những lời dạy của Bác Hồ kính yêu, làm công việc gì cũng phải cố gắng hết sức mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Vì vậy mặc dù tuổi cao, vết thương cũ tái phát mỗi khi trái gió trở trời nhưng nghĩ đến những lời dạy của Bác, tôi đã nỗ lực vượt qua để cống hiến sức mình vào công tác xã hội”- ông Hiến thổ lộ.
Ông Trần Khải Hoàng, Trưởng Công an xã Xuân Lãnh nói: “Bác Phạm Văn Hiến tham gia rất tích cực vào phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, luôn gương mẫu đi đầu, vận động quần chúng nhân dân mạnh dạn phát hiện, đấu tranh tố giác tội phạm, giữ gìn tốt ANTT ở cơ sở. Tuy tuổi đã cao nhưng bác luôn nhiệt tình với công việc, luôn được mọi người yêu mến, kính trọng”.
PHƯƠNG HỒNG