Thứ Hai, 29/04/2024 19:23 CH
Cần sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ
Thứ Tư, 22/11/2023 16:30 CH

Tội phạm sử dụng súng tự chế, vũ khí thô sơ, vũ khí tương tự vũ khí thô sơ và sử dụng các loại dao gây án tiếp tục diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng, năm sau cao hơn năm trước. Trong ảnh: Các nhóm thanh thiếu niên sử dụng vũ khí tự chế gây án bị Công an TP Tuy Hòa phát hiện, xử lý. Ảnh: ĐOÀN THY

Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (VK, VLN&CCHT), số ký hiệu: 14/2017/QH14, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018. Đến nay, luật này phát sinh một số bất cập, không phù hợp nên cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn hiện nay.

 

Hiệu quả mang lại

 

Có thể nói, việc ban hành Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN&CCHT là bước tiến quan trọng trong công tác lập pháp của Nhà nước, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các cơ quan, cá nhân trong công tác quản lý, sử dụng VK, VLN&CCHT; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang và các lực lượng khác, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, đây cũng là một trong những cam kết của Việt Nam trong việc tham gia hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống buôn bán bất hợp pháp vũ khí, phòng chống khủng bố, vũ khí hủy diệt hàng loạt mà Việt Nam đã tham gia ký kết.

 

5 năm qua, các bộ, ngành, UBND, công an các đơn vị, địa phương trong cả nước đã tổ chức triển khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN&CCHT, nghiêm túc, hiệu quả, góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt, Bộ Công an đã tham mưu với Chính phủ chỉ đạo, triển khai Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN&CCHT đạt nhiều kết quả tích cực. Trong đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được tiến hành thường xuyên, rộng rãi, hiệu quả, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý, sử dụng VK, VLN&CCHT. Công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về VK, VLN&CCHT đã được Chính phủ, các bộ, ngành chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt. Trong đó, Bộ Công an đã phát huy vai trò nòng cốt, chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, từ bộ đến cơ sở (công an cấp xã) nên tình hình tội phạm chế tạo, sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép VK, VLN&CCHT đã được kiềm chế.

 

Theo thống kê của Bộ Công an, qua 5 năm thực hiện Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN&CCHT, cả nước đã vận động người dân giao nộp 99.689 khẩu súng các loại, 17.860 bom, mìn, lựu đạn, 423.390 viên đạn, hơn 3.762kg thuốc nổ, 46.416 kíp nổ, 25.056 CCHT, 98.895 vũ khí thô sơ, 6.801 linh kiện lắp ráp vũ khí.

 

Các lực lượng chức năng cũng đã đấu tranh phát hiện, bắt giữ 19.384 vụ, 31.013 đối tượng vi phạm về VK, VLN&CCHT. Riêng tội phạm chế tạo, mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép súng tự chế, vũ khí thô sơ, vũ khí tương tự vũ khí thô sơ (dao, kiếm...), linh kiện để lắp ráp là 14.804 vụ (chiếm 76%), 22.532 đối tượng (chiếm 72,6%); mua bán, vận chuyển trái phép linh kiện để lắp ráp vũ khí 743 vụ (chiếm 3,8%), 745 đối tượng (chiếm 2,4%).

 

Còn bất cập, nhiều kẽ hở

 

Thống kê cũng cho thấy, tội phạm sử dụng súng tự chế, vũ khí thô sơ, vũ khí tương tự vũ khí thô sơ và sử dụng các loại dao gây án tiếp tục diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng, năm sau cao hơn năm trước. Trong đó, năm 2022 xảy ra 1.127 vụ, 1.782 đối tượng, so với năm 2019 tăng 128 vụ (12,8%), 350 đối tượng (24,4%). Nổi lên các băng, nhóm tội phạm có tổ chức, tội phạm đường phố (giải quyết mâu thuẫn, gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ...) hoạt động rất manh động, gây ra nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng.

 

Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN&CCHT quy định các khái niệm về vũ khí chưa khái quát, còn tách bạch giữa vũ khí quân dụng với các loại vũ khí khác, trong khi các loại vũ khí này đều được trang bị cho LLVT và các lực lượng khác để thi hành công vụ hoặc đối tượng sử dụng gây ra nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Do đó, việc xử lý hình sự theo quy định tại Điều 304 và Điều 306 Bộ luật Hình sự gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, các đối tượng đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật để chế tạo, tàng trữ, mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép các loại súng tự chế (súng bắn đạn ghém, súng săn, súng nén ga, súng nén hơi...), vũ khí thô sơ (các loại dao, lưỡi lê, đao, kiếm, giáo, mác, thương, mã tấu, côn, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ) và linh kiện để lắp ráp vũ khí. Nếu không kịp thời ngăn chặn, có chế tài xử lý nghiêm đối với các đối tượng trên sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm về lĩnh vực này trong giai đoạn hiện nay, cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các khái niệm về VK, VLN, CCHT, cùng một số quy định về hành vi bị nghiêm cấm và công tác quản lý để bảo đảm phù hợp với thực tiễn trong giai đoạn hiện nay.

 

Mặt khác, Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN&CCHT cũng đã phát sinh một số quy định bất cập, không phù hợp, chưa đáp ứng được với tình hình thực tế hiện nay trong công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.

 

Luật hiện hành quy định 30 điều về thủ tục cấp các loại giấy phép, giấy xác nhận về VK, VLN, tiền chất thuốc nổ, CCHT. Trong đó, yêu cầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải trực tiếp thực hiện các thủ tục nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền cấp phép kèm theo các loại giấy tờ liên quan đến hồ sơ pháp lý, các giấy tờ chứng minh đủ điều kiện để hoạt động nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển, sử dụng VK, VLN, CCHT và giấy tờ tùy thân của người đến liên hệ. Do đó, để thực hiện cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân thì cần thiết phải cắt giảm các loại giấy tờ trên, đồng thời thực hiện tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công.

 

Thực tế hiện nay, nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của các nước trên thế giới tặng, viện trợ một số loại VK, CCHT cho Việt Nam để phục vụ việc nghiên cứu, sản xuất hoặc trang bị cho các đối tượng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, Điều 5 Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN&CCHT quy định nghiêm cấm việc trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố VK, VLN, CCHT. Vì vậy, để tận dụng nguồn lực từ nước ngoài hỗ trợ Việt Nam trong nghiên cứu, sản xuất, trang bị, sử dụng VK, VLN, CCHT thì cần thiết phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định này trong Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN&CCHT (sửa đổi) cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

 

Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN&CCHT đã phát sinh một số quy định bất cập, không phù hợp, chưa đáp ứng được tình hình thực tế hiện nay trong công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.

 

THÚY HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek