Thời gian gần đây, trên cả nước nói chung, địa bàn Phú Yên nói riêng xảy ra một số vụ việc công dân thông qua mạng xã hội Zalo, Facebook... tìm kiếm việc làm tại Campuchia với mức lương và hoa hồng cao từ 800-1.000 USD/tháng. Nhiều người đã tin theo và sập bẫy.
Vừa may mắn thoát khỏi hang hùm ở Campuchia, trở về lại quê nhà, anh Đ.V.T (SN 2001, xã Xuân Phương, TX Sông Cầu) vẫn chưa khỏi bàng hoàng, sợ hãi vì những ngày lưu lạc nơi đất khách quê người. T thổ lộ: “Em sợ lắm, nghĩ chắc không về nhà được nữa”.
Thoát khỏi hang hùm
T cho biết: Qua Facebook, ngày 16/5, T được một người quen trước đây giới thiệu vào một công ty ở Tây Ninh làm việc với lời hứa hẹn đầy hấp dẫn là lương cao, khoảng 20 triệu đồng/tháng. Người này nhắn tin nói chỉ cần vào làm, công ty bao ăn ở, chi phí đi lại, làm việc 1-2 tháng có thể về quê thăm gia đình. Thấy lời mời gọi đầy hấp dẫn so với mức thu nhập ở quê nên T quyết định thử tìm cơ hội đổi đời. T đón xe vào Bến xe Miền Đông (TP Hồ Chí Minh), được một người đón về khách sạn đợi cùng 5 người khác. Sau đó, T được các đối tượng đưa sang Campuchia theo đường tiểu ngạch.
“Mấy đối tượng đó đưa em đi suốt ngày suốt đêm, qua nhiều chặng, đổi người dẫn đường, đổi xe nhiều lần thì em biết là qua tới Campuchia. Tới đó, em thấy một phụ nữ chờ sẵn, giao tiền cho các đối tượng chở em đến, sau đó thu căn cước công dân của em. Em nhiều lần gọi, nhắn tin cho người bạn kia thì bị chặn và xóa hết tin nhắn. Em hoảng quá vì biết mình đã bị lừa. Em gọi điện cho người nhà chuộc em về nhưng công ty không chịu nhận tiền mặt mà bắt phải chuyển khoản 70 triệu đồng. Gia đình em không đồng ý. Chiều đó, các đối tượng đã bán em cho một công ty khác. Em được bố trí ở cùng 6 người khác, ngủ giường tầng, cơm nước do người của công ty cung cấp, có người canh giữ. Mỗi ngày tụi em phải làm việc 11 giờ. Các đối tượng đưa thông tin, bắt em tạo các tài khoản Facebook đăng các thông tin tuyển cộng tác viên Shopee để lừa tiền người khác. Em tiếp tục liên hệ gia đình để chuộc về nhưng công ty này cũng không chịu nhận tiền mặt mà bắt phải chuyển khoản nên gia đình em đã trình báo Công an Việt Nam”, T kể.
Chiều 21/5, T được người của công ty thông báo dọn đồ đạc và chở đi. “Em sợ bị bán lần nữa. Nhưng không hiểu sao các đối tượng chở em đến cửa khẩu Mộc Bài, vứt vali, bảo em xuống xe. Em sợ quá chạy tới nhà dân gần đó gọi điện cho gia đình và về nhà an toàn”, T bàng hoàng.
Cảnh giác thủ đoạn việc nhẹ, lương cao
Qua rà soát của Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh, trên địa bàn Phú Yên hiện có 4 trường hợp người dân xuất cảnh trái phép qua Campuchia, lao động tại các sòng bạc trực tuyến trái phép do các đối tượng là người Trung Quốc làm chủ. Những người này bị cưỡng bức lao động, đòi tiền chuộc và cưỡng đoạt tài sản. Trong đó, 3 người đã được Cảnh sát hoàng gia Campuchia, Đội Hiệp sĩ tỉnh Bình Dương giải cứu và một trường hợp được trả về.
Thiếu tá Võ Thanh Nhựt, Phó Đội trưởng Đội Chống tệ nạn xã hội, mua bán người, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh cho biết: Sau khi được các đối tượng môi giới dẫn dắt theo đường tiểu ngạch qua Campuchia, các nạn nhân được đưa vào các công ty do người Trung Quốc làm chủ (chủ yếu hoạt động đánh bạc) tại khu Bavest Mộc Bài Casino hoặc tòa nhà China Town tại tỉnh Shianoukville, Vương quốc Campuchia. Các nạn nhân bị các đối tượng người Trung Quốc quản lý chặt chẽ, ép buộc họ viết giấy vay nợ để khống chế, không bố trí công việc theo như cam kết. Tất cả sinh hoạt, làm việc trong một tòa nhà có sự canh gác nghiêm ngặt, ép buộc làm việc nặng nhọc, hoạt động vi phạm pháp luật hoặc biến họ thành các con nợ cho các công ty Trung Quốc. Nếu họ không tuân theo thì bị đánh đập, tra tấn, bán cho công ty khác hoặc ép họ thông báo về gia đình đòi tiền chuộc. Người nào không có tiền chuộc thì sẽ bị lao động khổ sai, bắt buộc tham gia tìm kiếm, lôi kéo người Việt Nam khác sang Campuchia làm việc hoặc tham gia đánh bạc trực tuyến.
“Các trường hợp trên, toàn bộ nạn nhân đều bị dụ dỗ, lôi kéo thông qua mạng xã hội Zalo, Facebook... Các đối tượng cấu kết với nhau, tổ chức thành một đường dây hoặc một nhóm người môi giới để đưa người dân vượt biên trái phép, theo đường tiểu ngạch qua Campuchia, đưa vào các công ty do người Trung Quốc làm chủ. Sau khi một số nhóm đối tượng này hoạt động môi giới đưa người sang Campuchia trót lọt thì họ sẽ xóa tài khoản Zalo, Facebook... Ngoài ra, những người bị hại không biết được thông tin gì về nhóm đối tượng này. Họ chỉ biết gọi điện về cho người thân đến cơ quan công an trình báo nhưng không biết mình bị lừa như thế nào, ai là người đã lừa, không nắm được tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại của người dụ dỗ sang Campuchia nên việc xác minh, đấu tranh xử lý gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sau khi nhận được đơn trình báo của người nhà nạn nhân, Phòng Cảnh sát hình sự đã tiếp nhận, xác minh ban đầu và hướng dẫn cho người nhà nạn nhân trình báo đến cơ quan chức năng để giải cứu”, thiếu tá Võ Thanh Nhựt cho biết thêm.
Để tránh bị lừa đảo, người dân có nhu cầu tìm việc làm cần tìm hiểu kỹ thông tin nơi thuê lao động. Trường hợp có nhu cầu xuất khẩu lao động, cần liên hệ các đơn vị có chức năng tư vấn, môi giới xuất khẩu lao động được Nhà nước cấp phép để được hướng dẫn. Cần hết sức cảnh giác, tỉnh táo, không bị mờ mắt bởi những lời mời chào về cơ hội việc nhẹ lương cao trên mạng xã hội, tránh bị tiền mất, tật mang.
ĐOÀN THY