Trong 5 năm qua, việc thực hiện Pháp lệnh 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (VK, VLN, CCHT) (Pháp lệnh 16) ở tỉnh Phú Yên đã mang lại nhiều kết quả tích cực, tạo sự chuyển biến rõ rệt trên cả ba phương diện: quản lý nhà nước, phòng chống tội phạm và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Hiểm họa và hậu quả khôn lường
Phú Yên là địa bàn chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh nên số bom, mìn, lựu đạn, đầu đạn còn sót lại khá nhiều. Do chưa có điều kiện rà phá, xử lý triệt để nên đây là mối nguy hiểm tiềm ẩn đối với tính mạng và sức khỏe của mọi người. Mặt khác, do đời sống kinh tế còn khó khăn, một bộ phận người dân, nhất là ở các vùng miền núi, vì mưu sinh đã coi việc tìm kiếm, đào bới, cưa đầu đạn để lấy thuốc nổ, bán phế liệu lấy tiền, gây ra những hậu quả hết sức đau lòng. Ngày 14/5/2016, tại buôn Mả Vôi (xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh) đã xảy ra một vụ nổ đầu đạn hết sức đau lòng, làm chết 3 người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Nguyên nhân là do 3 người này nhặt quả đạn rơi vãi trong chiến tranh, đập lấy thuốc nổ để đánh cá làm quả đạn phát nổ.
5 năm qua, nhân dân đã tự giác giao nộp và lực lượng chức năng đã tổ chức thu hồi hơn 1.000 khẩu súng các loại; hơn 2.300 quả đạn, đầu đạn, pháo, mìn các loại; gần 700 viên đạn và 700kg thuốc nổ; hơn 11.000 kíp nổ, 100 VK thô sơ và 132 CCHT. Lực lượng chức năng phát hiện, điều tra, xử lý 141 vụ, trong đó khởi tố 9 vụ, 29 bị can về các hành vi vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép VK, VLN, CCHT. |
Thượng tá Chế Bá Thạch, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, cho biết: “Hiện nay, việc tàng trữ, sử dụng súng tự chế để săn bắn, nhất là ở vùng đồng bào DTTS vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Việc quản lý, vận chuyển các loại CCHT còn nhiều sơ hở; việc nhập lậu CCHT, VK thô sơ còn phức tạp nên rơi vào tay các đối tượng xấu sử dụng đánh nhau gây thương tích. Do phong tục, tập quán, tình trạng người đồng bào DTTS từ phía Bắc di cư vào sinh sống ở các vùng miền núi tỉnh Phú Yên còn tàng trữ, sử dụng súng săn, súng tự chế để săn bắn thú rừng còn nhiều. Mặc dù đã được vận động, thu hồi cơ bản nhưng vẫn còn một số bà con lén lút giấu súng săn trong các buôn, rẫy, rừng núi để sử dụng. Điều này tiềm ẩn những hiểm họa khôn lường”. Thực tế đã xảy ra trường hợp sử dụng súng tự chế để giải quyết mâu thuẫn cá nhân mà vụ án xảy ra ngày 9/10/2015 tại huyện Sông Hinh là một ví dụ. Vì xin tiền không được mà sau khi nhậu về, Hoàng Văn Đoàn (SN 1992) đã cãi nhau với cha mình là Hoàng Văn Rộng (SN 1967, cùng là người Tày ở phía Bắc di cư vào, trú xã Ea Bar). Hai cha con mỗi người lấy một khẩu súng bắn nhau để giải quyết mâu thuẫn. Kết cục đau lòng là người con bị chết, còn người cha chịu mức án 7 năm tù về tội giết người.
Theo thống kê, trong 5 năm qua, toàn tỉnh xảy ra 8 vụ nổ, làm 9 người chết và 3 người bị thương. Dù nhiều vụ việc đã được điều tra, khám phá, đưa ra xét xử, có tác dụng răn đe, giáo dục, phòng ngừa tội phạm, thế nhưng vấn nạn này vẫn còn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp. VK, VLN, CCHT vẫn còn trôi nổi, là nguy cơ đe dọa trật tự an toàn xã hội và an toàn của người dân. Thực tế cho thấy, một trong những vấn đề còn phức tạp trong phòng ngừa tội phạm chính là việc tiềm ẩn nguy cơ tội phạm sử dụng VK, VLN được tàng trữ trái phép để gây án.
Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động
Trước thực tế trên, UBND tỉnh Phú Yên đã liên tục ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của Pháp lệnh 16, xem đây là một trong những công tác trọng tâm, thường xuyên hàng năm. Từ sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, các ban, ngành, đoàn thể đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân giao nộp VK, VLN, CCHT; kịp thời phát hiện, cung cấp tin báo, tố giác tội phạm tàng trữ, sản xuất, mua bán, sử dụng trái phép VK, VLN, CCHT… Tùy từng vùng, từng dân tộc sẽ lựa chọn cách tuyên truyền phù hợp với phong tục, tập quán của bà con cũng như xây dựng mô hình thôn, buôn điển hình về công tác tuyên truyền, vận động thu hồi VK, VLN...
Tại huyện Sông Hinh, từ năm 2012, Công an huyện này đã triển khai mô hình “Thôn, buôn không có vũ khí trái phép”. Ban đầu, mô hình được triển khai làm điểm ở xã Ea Ly. Với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các địa phương trong huyện, đến nay mô hình này đã mang lại hiệu quả cao và được nhân rộng tại nhiều thôn, xã trọng điểm khác của huyện. Qua tuyên truyền, vận động của cơ quan chức năng, người dân ở các thôn, buôn đã nhận thức được sự nguy hiểm cũng như việc vi phạm pháp luật khi sử dụng súng tự chế nên đã tự nguyện giao nộp và vận động, tuyên truyền những người xung quanh cùng thực hiện. Nhờ mô hình này, trung bình mỗi năm huyện Sông Hinh đã vận động nhân dân giao nộp và thu hồi hơn 100 khẩu súng tự chế các loại, giảm nguy cơ súng tự chế rơi vào tay tội phạm, góp phần bảo đảm ANTT. Anh Y Rin ở buôn Đức, xã Ea Trol, cho biết: “Tôi mua khẩu súng cồn này để sử dụng được 1 năm nay rồi. Nghe cán bộ xã, công an tuyên truyền rằng sử dụng súng săn bắn thú rừng là vi phạm pháp luật. Để súng ở trong nhà lỡ khi mình uống rượu say, không làm chủ được bản thân, khi xảy ra mâu thuẫn dùng súng để giải quyết thì rất nguy hiểm nên tôi tự giác mang súng đến giao nộp cho công an”.
Chuyển biến mạnh về công tác quản lý nhà nước
Cùng với việc tuyên truyền, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, ban ngành mở nhiều đợt vận động thu hồi VK, VLN. Trên lĩnh vực đăng ký, quản lý, lực lượng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đã tiến hành rà soát, thống kê các đối tượng được phép trang bị, sử dụng VK, VLN, CCHT, các cơ sở kinh doanh có sử dụng VLN công nghiệp để thực hiện việc đăng ký, cấp giấy khép và quản lý theo quy định. Đồng thời chủ động xây dựng và tổ chức kế hoạch tập huấn cho các đơn vị trong và ngoài ngành Công an về công tác quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT để nâng cao ý thức trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT; phối hợp kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc sử dụng VLN công nghiệp tại các công trình, mỏ đá trên địa bàn tỉnh. Trung tá Nguyễn Phú Cương, Đội trưởng Đội quản lý VK, VLN, CCHT, cho biết: “Pháp lệnh 16 đã mở rộng diện đối tượng được quản lý, sử dụng CCHT. Tuy nhiên trong thời gian qua, công tác quản lý VK, VLN, CCHT ngày càng chặt chẽ và đi vào nề nếp. Số vụ vi phạm trên lĩnh vực này giảm hẳn”.
Ông Trần Văn Quyết, Trưởng Ban Tổng hợp Công ty Công nghiệp hóa chất mỏ chi nhánh Phú Yên, cho biết: “Là đơn vị kinh doanh VLN công nghiệp, công ty tuyệt đối tuân thủ các biện pháp đảm bảo an toàn. Đội ngũ công nhân, bảo vệ, nhân viên công ty thường xuyên được tập huấn kiến thức về quản lý, sử dụng VLN, CCHT, công tác bảo vệ do Công an tỉnh tổ chức. Ngoài ra, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh thường xuyên kiểm tra công tác nhập, xuất VLN công nghiệp; cấp giấy vận chuyển theo đúng quy trình”.
Để giải quyết triệt để vấn nạn tàng trữ trái phép VK, VLN, CCHT trong cộng đồng, đòi hỏi cơ quan chức năng phải có nhiều biện pháp hữu hiệu, đồng bộ và quyết liệt hơn. “Chúng tôi sẽ tham mưu cho lãnh đạo Công an tỉnh chỉ đạo công an các địa phương nắm tình hình, tổng kiểm tra, rà soát, tuyên truyền vận động giao nộp súng săn tàng trữ trái phép trong đồng bào DTTS, ở các vùng miền núi và xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm. Chúng tôi cũng sẽ phối hợp với các lực lượng nghiệp vụ liên quan, tranh thủ sự chỉ đạo của Bộ Công an để xử lý các đối tượng hướng dẫn chế tạo súng trên internet. Đối với số VK thô sơ, CCHT nhập lậu trên địa bàn tỉnh, chúng tôi sẽ tham mưu lãnh đạo Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành tuyên truyền, vận động, kiểm tra, nhất là đối với những đối tượng có nhiều biểu hiện nghi vấn”, thượng tá Chế Bá Thạch cho biết thêm.
HOA SIÊM