Sông Kôn chảy qua thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường (Tây Sơn, Bình Định) mùa lũ nước trắng bờ nhưng vào mùa khô khá thơ mộng. Ít ai biết rằng nơi đây có rất nhiều liệt sĩ bị địch vùi lấp, trong đó có các liệt sĩ của Đoàn vận tải Sông Cầu.
Tìm kiếm liệt sĩ bên bờ sông Kôn (tháng 5/2012) - Ảnh: H.VÂN
Sáng ngày 29/8/2011, ông Hồ Tấn Lực làm việc cho một công ty khai thác cát tại sông Kôn đã vô cùng bất ngờ khi máy hút cát phun lên dép cao su, áo mưa thời chiến tranh. Biết là của các liệt sĩ, ông liền cho dừng việc hút cát và báo cáo với chính quyền xã. Người dân địa phương cho biết, đây là nơi bãi rác cũ, địch thường vùi lấp các liệt sĩ bị chúng sát hại. Cơ quan chức năng của huyện Tây Sơn đã nhiều lần tổ chức kiếm tìm nhưng chưa phát hiện được. Vậy là một kế hoạch khai quật với quy mô lớn đã được khẩn trương thực hiện. Tuy nhiên sát mùa mưa lũ nên phải chờ đến mùa khô năm sau.
Ngày 28/5/2012, gần 30 cán bộ chiến sĩ của huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định và dân quân xã Bình Tường được huy động tìm kiếm trên khu vực trải dài 25m. Cuộc tìm kiếm kéo dài trong 2 ngày. Phạm vi đào bới được mở rộng đến 500m2. Ban đêm, bàn thờ Tổ quốc được dựng lên trên bờ cát, khói hương thơm ngát một quãng sông. 10 hài cốt nằm rải rác và 13 hài cốt nằm chung một chỗ đã được tìm thấy cùng với nhiều di vật, gồm dép cao su nữ, dép rọ nhựa, chéo dù, võng dù, đồng xu. Đặc biệt, trong chiếc ví của một liệt sĩ được bọc kỹ bằng ni lon vẫn còn nguyên những chiếc tem từ miền Bắc và đồng tiền giấy của chế độ cũ. Tiễn đưa các hài cốt về Nghĩa trang Bình Tường, ai nấy không khỏi bùi ngùi xúc động khi nghĩ đến bao nhiêu năm nay các liệt sĩ đã phải nằm dưới nước lạnh lẽo, càng căm thù bọn địch dã man.
Theo nhận định ban đầu, số hài cốt liệt sĩ được tìm thấy có thể là cán bộ chiến sĩ của Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 Sao Vàng. Tuy nhiên căn cứ vào những chiếc dép nữ được tìm thấy, ông Võ Công Đoàn, nguyên Bí thư và ông Đỗ Văn Tòng, nguyên Phó bí thư Huyện ủy Tây Sơn cho chúng tôi biết khá tỉ mỉ về những người đã hy sinh. “Đó là cuối năm 1969, sau cuộc chỉnh huấn, đội công tác gồm khoảng 10 người của xã Bình Giang về bám dân ở thôn Thượng Giang. Lúc đó tôi phụ trách thanh niên xã. Cùng đi với chúng tôi có 3 cán bộ huyện đội. Đông nhất là đoàn vận tải mà tôi nghe tên là Sông Cầu với hơn nửa quân số là nữ, nhiều người giọng miền Trung, trong đó có nhiều chị nói giọng Phú Yên. Họ mặc thường phục mang dép cao su, dép rọ nhựa, đội mũ tai bèo. Ai cũng vác trên vai vũ khí nặng từ 60kg trở lên. Hoạt động lâu năm ở đây, tôi biết, đây là đoàn nữ duy nhất đi qua Tây Giang. Tập kết ở bờ suối Co, sau đó khoảng 7g tối, cả đoàn hơn 30 người bắt đầu lội sông Kôn. Đang mùa khô nên có đoạn nước chỉ đến thắt lưng. Trời tối mịt mùng, đến hết núi Giữa thì bất ngờ lọt vào trận địa mìn plâymo của bọn lính thuộc Sư đoàn Mãnh Hổ (Nam Triều Tiên) đóng tại đây. Tôi bị thương, được các anh cõng chạy thoát. Có khoảng 13 người đã hy sinh ngay tại trận phục kích, trong đó có cán bộ của xã Tây Giang và đoàn Sông Cầu. Sau đó địch đem xe tăng đến lượm xác các liệt sĩ đem về phơi nắng ở cầu 15 để thị uy nhân dân. Ba ngày sau, chúng cho lính chặn hai đầu không cho dân ùa vào, dùng xe cẩu xúc các liệt sĩ đem đổ xuống bãi rác trên mép sông Kôn rồi lấp lại” - ông Đoàn kể.
Việc tìm tên tuổi những chiến sĩ trong đội vận tải và phiên hiệu chính xác của đơn vị Sông Cầu theo như lời kể của các nhân chứng vẫn rất khó khăn vì chưa có thông tin từ đồng đội của các liệt sĩ. Hy vọng rằng thời gian tới việc giải mã phiên hiệu được tiến hành nhanh chóng để “trả lại tên” cho các liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
HỒNG VÂN