Tờ Bưu điện Jakarta, Indonesia số ra mới đây đăng bài giới thiệu quan điểm của một học giả Indonesia - ông Asra Virgianita, Giảng viên Khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Indonesia (UI), đồng thời là nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản của UI, hiện làm luận án tiến sĩ tại Đại học Meijigakuin (Nhật Bản) - về câu hỏi liệu tranh chấp lãnh thổ Trung-Nhật tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư có châm ngòi cho một cuộc chiến tranh mở giữa Nhật Bản và Trung Quốc hay không?
Người dân Trung Quốc tập trung biểu tình trước Tổng lãnh sự Nhật Bản ở thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông. - Ảnh: Kyodo/TTXVN |
Tác giả Asra Virgianita cho rằng về mặt lịch sử, các mối quan hệ Nhật-Trung luôn biến động. Sự hiện diện của chủ nghĩa đế quốc Nhật Bản ở Trung Quốc trong quá khứ vẫn là một biện minh cho việc Trung Quốc gây áp lực với Nhật Bản. Ngoài ra, các vấn đề thương mại và các cuộc xung đột biên giới đã ảnh hưởng rõ rệt đến sự thăng trầm của quan hệ song phương.
Tranh chấp lãnh thổ Nhật-Trung ở biển Hoa Đông có thể bắt đầu từ năm 1964, khi Ủy ban Kinh tế châu Á và Viễn Đông của Liên Hợp Quốc công bố báo cáo trữ lượng dầu tiềm năng tại vùng biển này.
Mặc dù tranh chấp lãnh thổ nhưng hai nước lại phụ thuộc lẫn nhau về mặt kinh tế, và điều này biểu hiện rõ ở khối lượng trao đổi thương mại giữa hai bên đang tiếp tục gia tăng. Cơ quan Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) cho biết tổng giá trị trao đổi mậu dịch hai chiều giữa Nhật Bản và Trung Quốc ngày một tăng. Trung Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu hàng đầu của Nhật Bản và Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của Trung Quốc.
Theo số liệu thống kê, kim ngạch thương mại hai chiều Nhật-Trung tăng 14,3% (344,9 triệu USD) trong tháng 2/2012, trong đó nhập khẩu của Nhật Bản từ Trung Quốc tăng 20% (183,4 triệu USD), xuất khẩu của Nhật Bản sang Trung Quốc tăng 8,3% (161,5 triệu USD).
Trong những năm gần đây, Nhật Bản tiếp tục viện trợ cho Trung Quốc mặc dù số tiền viện trợ có phần suy giảm. Thực tế này đặt ra câu hỏi: Tại sao chính phủ Trung Quốc tiếp tục chấp nhận viện trợ nước ngoài của Nhật Bản và tại sao Nhật Bản tiếp tục cung cấp viện trợ cho Trung Quốc trong khi thực tế cả hai là đối thủ của nhau trong việc theo đuổi vai trò lãnh đạo khu vực và tất nhiên trong cả lĩnh vực kinh tế?
Một hiện tượng thú vị là số lượng lao động Trung Quốc làm việc tại Nhật Bản ngày một tăng. Theo thống kê năm 2009, có khoảng 250.000 lượng lao động Trung Quốc làm việc tại Nhật Bản, chiếm một nửa số lượng lao động nhập cư ở Nhật Bản. Động thái trên cho thấy nền kinh tế Nhật Bản khá phụ thuộc vào lao động Trung Quốc. Hơn nữa, dân số Nhật Bản đang phải đối mặt với hiện tượng kim tự tháp ngược với việc dân số ngày một già đi.
Theo tác giả Asra Virgianita, hiện nay cả Nhật Bản và Trung Quốc đều phải đối mặt với các vấn đề phức tạp trong nước. Trung Quốc đang đau đầu giải quyết các vấn đề như bất bình đẳng kinh tế gia tăng, sự bất ổn ở Tây Tạng và vấn đề Đài Loan. Trong khi đó, Nhật Bản đang phải đối mặt với suy thoái kinh tế, xã hội lão hóa và giải quyết hậu quả của trận động đất, sóng thần hồi 3/2011.
Tại Nhật Bản, những thách thức nói trên trở nên trầm trọng hơn do căng thẳng chính trị xuất phát từ những khó khăn của Đảng Dân chủ cầm quyền (DJP) trong việc thực hiện tuyên bố liên quan đến việc di chuyển các căn cứ quân sự Mỹ tại Futenma như một phần trong nỗ lực xem xét lại Hiệp ước An ninh Nhật-Mỹ. Còn Trung Quốc đang bận rộn với việc chuẩn bị nhân sự cho Đại hội lần thứ 18, sẽ diễn ra vào tháng 11 tới. Chính những vấn đề này là nhân tố đang ngăn chặn Nhật Bản và Trung Quốc tiến hành một cuộc chiến tranh mở.
Trên thực tế, hai nước đều có lợi ích trong việc duy trì an ninh và ổn định trong khu vực, đặc biệt là các tuyến đường thương mại. Do đó, một cuộc chiến tranh giữa hai quốc gia sẽ có hại nhiều hơn lợi.
Với thực trạng kinh tế trì trệ của mình và tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc, Nhật Bản không có sự lựa chọn nào khác là phải hành xử một cách thận trọng và kiềm chế để duy trì ảnh hưởng trong khu vực. Sự tham gia của hai nước trong Diễn đàn Khu vực Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ARF) là một ví dụ thể hiện sự nỗ lực của cả Nhật Bản và Trung Quốc nhằm duy trì "ảnh hưởng" và "vai trò lãnh đạo" của mỗi nước trong cấu trúc chính trị-kinh tế và an ninh khu vực Đông Á đang định hình mà ASEAN giữ vai trò trung tâm.
Vì vậy, theo tác giả, ASEAN là một tổ chức khu vực có giá trị chiến lược đối với cả Nhật Bản và Trung Quốc, có thể đóng vai trò trung gian hòa giải nhằm giảm bớt căng thẳng giữa hai "gã khổng lồ" châu Á này.
Theo Vietnam+