Trước tình hình nhiều tàu thuyền nước ngoài xâm phạm vùng biển nước ta, cậy thế tàu lớn uy hiếp, một số ngư dân Phú Yên đã mạnh dạn vay vốn đầu tư đóng tàu công suất lớn, quyết chí vươn khơi bám biển.
Chiếc tàu có công suất 420CV của ông Phạm Phong Trọng sắp hoàn thành - Ảnh: X.HIẾU
ĐÓNG TÀU LỚN, CẦN TIỀN TỈ
Hơn một tháng qua, mặc dù thời tiết nắng nóng, nhưng ngày nào ông Phạm Phong Trọng (44 tuổi, khu phố Lê Duẩn, TP Tuy Hòa) cũng bám xưởng đóng tàu để đôn đốc anh em thợ thi công, sớm đưa con tàu hạ thủy. Đưa tay quệt dòng mồ hôi đang lăn dài trên trán, ông Trọng kể: “Trước đây tôi hành nghề câu cá ngừ đại dương với chiếc tàu công suất 110CV. Mỗi năm bám biển hơn 10 tháng, thời gian ở trên đất liền chủ yếu là “đổi cá lấy vật tư, sắm tổn để đi chuyến biển tiếp theo”. Ngư trường mà ông cùng các bạn thuyền đánh bắt chủ yếu là Trường Sa (khoảng từ tháng 2 đến tháng 8) và Hoàng Sa (từ tháng 8 đến tháng 12 âm lịch). Theo ông Trọng, chiếc tàu PY 92368 TS của ông cũng được xếp vào “tàu có công suất lớn” (từ 90CV trở lên - PV), nhưng so với yêu cầu đánh bắt khơi, chiếc tàu này không thể đi biển dài ngày (quá 1 tháng) và không chịu nổi sóng gió cấp 5 trở lên. “Một lần đang theo luồng cá ở vùng biển Trường Sa, bất ngờ nghe đài báo có áp thấp nhiệt đới tôi vội thu giàn câu, “kéo ga” cho tàu chạy hết cỡ để tìm nơi trú tránh. Nhưng sức con tàu có hạn, mình muốn nhanh mà nó cứ ì à, ì ạch trong khi sóng gió mỗi lúc mỗi lớn dần. May mà lần đó tất cả 9 anh em bạn thuyền đều an toàn”, ông Trọng nhớ lại. Cũng vì tàu bé nên nhiều lần gặp tàu của nước ngoài lớn hơn nhiều lần, họ cứ chạy lòng vòng làm dậy sóng, uy hiếp. Nếu không muốn tàu mình bị chìm, ông chỉ còn có cách bỏ đi nơi khác dù đang gặp luồng cá.
Chính sau lần thoát hiểm trong gang tấc đó, cộng với việc nhiều lần bị tàu lạ uy hiếp, ông Trọng quyết định bán lại chiếc tàu PY 92368 TS 110CV gần 500 triệu đồng và vay, mượn thêm của người thân, vay “nóng” bên ngoài để đóng mới chiếc tàu có công suất 420CV. Nhờ tự lo vật tư, trực tiếp hợp đồng công thợ (5-10 người làm việc mỗi ngày) nên chi phí đóng tàu không phát sinh, thời gian thi công khoảng trong hai tháng. “Vào cuối tháng 8, đầu tháng 9 này tàu sẽ hạ thủy. Tàu gắn máy 420CV và một máy phụ 370CV, lượng dầu dự trữ tối thiểu 5 tấn nên thời gian đi biển có thể kéo dài đến 2 tháng. Tàu cũng có thể chịu được sóng, gió đến cấp 8 và không sợ tàu Trung Quốc ỷ lớn uy hiếp”, ông Trọng tự tin cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Trọng, để con tàu hạ thủy, kịp ra khơi đánh bắt trước khi mùa đông đến, ngoài 1,6 tỉ đồng phần “cứng”, ông còn phải đầu tư thêm khoảng 300 triệu đồng nữa để trang bị ngư cụ và các trang thiết bị cần thiết khác như máy định vị, hệ thống thông tin liên lạc, máy tầm ngư… Phần lớn kinh phí để đóng mới con tàu vừa để mưu sinh, tạo công việc làm thường xuyên cho khoảng 10 lao động, vừa để tham gia giữ biển này ông đều phải vay bên ngoài với lãi suất cao.
Ngư dân Phú Yên đang sử dụng tàu đánh bắt xa bờ còn nhỏ bé, cần được hỗ trợ đóng mới tàu có công suất lớn - Ảnh: N.TRƯỜNG
ƯỚC MƠ CỦA NHIỀU NGƯ DÂN
Cùng với ông Trọng, ông Phan Tấn Mỹ (cùng ở phường 6, TP Tuy Hòa) cũng đang đầu tư đóng mới chiếc tàu công suất 420CV, nhưng dốc hết vốn mới chỉ hơn 1 tỉ đồng. “Nếu Nhà nước có chính sách hỗ trợ, ngân hàng ưu tiên cho vay với lãi suất ưu đãi, thủ tục đơn giản thì tôi sẽ xin vay, chứ vay ngoài lãi suất cao, “rát” quá, rất khó trả hết nợ và hoàn được vốn”, ông Mỹ bộc bạch.
Theo bà con ngư dân, thời gian gần đây, tàu đánh cá của Trung Quốc với số lượng đông thường xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của ta, lấn át ngư trường. Có thời điểm họ đi thành từng đoàn hàng trăm chiếc, gây áp lực không cho ngư dân ta đánh bắt, tác động ảnh hưởng đến tâm lý của ngư dân. Vì vậy, không chỉ ông Trọng, ông Mỹ mà nhiều bà con ngư dân của phường 6, phường Phú Đông (TP Tuy Hòa) và các làng biển khác của tỉnh cũng muốn đóng mới tàu công suất lớn cùng vươn ra khơi xa khai thác hải sản, tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, nhưng ngặt nỗi không có vốn nên… loay hoay với những chiếc tàu cũ. Mà tàu cũ thì thường hỏng hóc, dễ bị phá nước, phải sửa chữa thường xuyên, rất tốn kém.
Theo ông Phan Thuẫn, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường 6 (TP Tuy Hòa), trong điều kiện nguồn lợi thủy sản ven bờ ngày càng cạn kiệt, vươn ra đánh bắt khơi thường hay bị tàu thuyền của nước ngoài cậy lớn uy hiếp, đoàn viên Nghiệp đoàn Nghề cá phường 6 nói riêng, ngư dân trong tỉnh Phú Yên nói chung đều mong muốn có được chiếc tàu lớn ba, bốn trăm mã lực trở lên để vươn khơi xa, bám biển giữ ngư trường. Tàu hiện đại có thể hoạt động dài ngày trên biển, tiết kiệm được chi phí; hải sản được bảo quản bằng công nghệ cấp đông, chất lượng cũng đảm bảo hơn. Nhưng để có hàng tỉ đồng để đóng tàu mới, đây là bài toán quá khó, ngư dân khó tự giải được. “Nếu ta có những đội tàu thuyền an toàn công suất lớn cùng đi đánh bắt, bà con ngư dân sẽ yên tâm hơn khi ra khơi bám biển, không sợ cảnh bị tàu Trung Quốc uy hiếp”, ông Thuẫn quả quyết.
Để giữ vững an ninh biên giới biển của quốc gia, góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bên cạnh tăng cường đầu tư tiềm lực cho Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng cần đủ mạnh, có đủ khả năng tuần tra, kiểm soát bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc và tham gia công tác tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn trong mọi tình huống; Nhà nước, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ cho ngư dân hoạt động đánh bắt xa bờ; ngân hàng cho ngư dân vay với lãi suất ưu đãi, thủ tục đơn giản để đóng tàu thuyền công suất lớn, có thể sánh với tàu thuyền của ngư dân Trung Quốc và các nước có tranh chấp trên biển Đông.
Theo Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Phú Yên, tổng số tàu thuyền đánh bắt thủy sản của ngư dân các xã, phường ven biển của tỉnh đến cuối năm 2011 là 7.465 chiếc, trong đó có 842 chiếc công suất trên 90CV. Riêng tàu có công suất 300CV trở lên (đã đăng ký) có 50 chiếc, trong đó có 10 chiếc từ 400CV trở lên.
XUÂN HIẾU