Cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững, thời gian qua các địa phương ven biển của tỉnh đã có nhiều chủ trương, biện pháp xây dựng, phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động của “Sao vuông” - dân quân tự vệ (DQTV) nói chung và dân quân biển nói riêng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Dân quân biển xã Hòa Hiệp Nam (huyện Đông Hòa) đang làm nhiệm vụ - Ảnh: L.Vũ
GẮN VỚI TỔ TÀU THUYỀN AN TOÀN
Huyện Đông Hòa có 10 xã thì phân nửa là xã ven biển, gồm: Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Nam, Hòa Hiệp Trung, Hòa Tâm và Hòa Xuân Nam. Xác định vị trí vai trò và tầm quan trọng đặc biệt của lực lượng dân quân biển trong việc tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, thời gian qua Ban CHQS huyện đã tích cực làm tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo, các xã ven biển xây dựng lực lượng dân quân biển theo đúng Luật DQTV. Theo đó, dân quân biển được biên chế thành các trung đội, tiểu đội và hoạt động gắn với các tổ Tàu thuyền an toàn (TTAT), sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau trong khai thác đánh bắt hải sản thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới biển đảo; hàng năm, tổ chức luân phiên thay thế theo quy định, bảo đảm chất lượng, tỉ lệ ở mức hợp lý.
Hòa Hiệp Nam - xã có chiều dài tuyến biển 7km, có trên 1.000 lao động trực tiếp hành nghề đánh bắt hải sản trên biển với đội tàu thuyền trên 250 chiếc - là một điển hình. Xác định những “sao vuông” có vị trí vai trò đặc biệt trong việc xây dựng thế trận an ninh quốc phòng trên biển, xã đã đặc biệt chú trọng xây dựng lực lượng dân quân biển. Ban CHQS xã chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động chiến đấu bảo vệ vùng biển; dân quân biển kết hợp với bộ đội biên phòng thường xuyên tổ chức tuần tra dọc tuyến biển; hàng tháng thực hiện đúng quy chế phối hợp giữa ba lực lượng: dân quân biển, công an và biên phòng để trao đổi thông tin và hoạt động của ngư dân trên biển. Vì vậy, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn luôn giữ vững ổn định. Cũng nhờ phát huy tốt vai trò của dân quân biển gắn với hoạt động của các tổ TTAT, tình trạng ngư dân từ nơi khác đến dùng thuốc nổ đánh bắt hải sản trái phép ở vùng biển Hòn Khô (xã Hòa Tâm) đã được ngăn chặn, xử lý kịp thời.
CÙNG NGƯ DÂN BÁM BIỂN
Cùng với Đông Hòa, việc xây dựng lực lượng “sao vuông” biển gắn với hoạt động của các tổ TTAT cũng được cấp ủy, chính quyền các địa phương ven biển: Tuy An, TX Sông Cầu và TP Tuy Hòa đặc biệt chú trọng. Ông Phạm Hiểu, Chủ tịch UBND phường 6 (TP Tuy Hòa) cho biết: Hàng năm, sau khi thành phố giao chỉ tiêu, Đảng ủy, UBND phường đã chỉ đạo Ban CHQS phường lập kế hoạch phối hợp với công an, cấp ủy chi bộ, trưởng phó các khu phố rà soát thanh niên trong độ tuổi, có lý lịch rõ ràng, phẩm chất đạo đức tốt, trình độ học vấn đảm bảo, nhiệt tình, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ để kết nạp vào lực lượng dân quân biển. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhiều thanh niên có sức khỏe, kinh nghiệm đi biển dài ngày đã tình nguyện đăng ký tham gia. Lực lượng này được tổ chức huấn luyện đầy đủ nội dung chương trình và luân phiên đúng quy định của Luật Dân quân tự vệ. Quá trình hoạt động, những “sao vuông” biển thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các đồn, trạm biên phòng và các lực lượng chức năng trên biển. Vì vậy, các vấn đề xảy ra trên vùng biển thuộc chủ quyền của ta đều được các “sao vuông” nắm bắt kịp thời, thông tin đầy đủ cho lực lượng chức năng. Để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ chính trị và không ảnh hưởng đến thu nhập của ngư dân đồng thời là dân quân biển, hằng năm, Đảng ủy, UBND phường tham mưu Ban Chỉ huy Quân sự TP tổ chức huấn luyện dân quân vào thời điểm thích hợp. Đồng thời phối hợp với bộ đội biên phòng bồi dưỡng công tác nắm tình hình biển đảo, truyền tin theo phân cấp bằng máy Icom, huấn luyện chiến thuật, hỗ trợ nhau xử trí tình huống trên biển.
“Không chỉ bám biển vừa khai thác đánh bắt hải sản, vừa tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới biển đảo, lực lượng dân quân biển còn tích cực tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, tham gia cứu hộ, cứu nạn trên biển, bảo vệ ngư trường, hạn chế hành vi gây mất trật tự trị an, phá hoại môi trường biển… Vì vậy, bà con ngư dân thêm yên tâm bám biển” ông Mười Thành (thôn Phú Thọ 3, xã Hòa Hiệp Trung, Đông Hòa) cho biết.
LÊ VŨ