Cùng với lực lượng của các quân chủng và nhân dân trên huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), những người lính Phòng không - Không quân đang từng phút, từng giờ tham gia thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, quản lý vùng trời biển đảo Tổ quốc; đồng thời bảo đảm mọi mặt để các chuyến bay đến và đi diễn ra an toàn…
Trên đảo Trường Sa Lớn của huyện đảo Trường Sa, bên cạnh các lực lượng khác, còn có màu áo xanh của những người lính thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân. Đó là các cán bộ, chiến sĩ Trạm ra đa 11 (Trung đoàn 292, Sư đoàn 377) và Đội Bảo đảm kỹ thuật sân bay Trường Sa thuộc Sư đoàn 370. Họ là những người quan sát và phát hiện kịp thời các mục tiêu trên không từ xa, góp phần quản lý và bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển của Tổ quốc thân yêu.
Không chỉ những cán bộ chiến sĩ của Trạm ra đa 11 luôn là “mắt thần” phát hiện mục tiêu mà cán bộ, chiến sĩ Đội Bảo đảm Kỹ thuật sân bay Trường Sa cũng có nhiệm vụ khá nặng nề. Đó là đảm bảo chỉ huy dẫn dắt cho Không quân của ta thực hiện các nhiệm vụ ở huyện đảo, đảm bảo mọi mặt cho việc tiếp thu cũng như phóng hành các loại máy bay đến và đi tại sân bay này. Đồng thời, họ còn phối hợp với các lực lượng trên đảo đẩy mạnh canh gác, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu khi có tình huống xảy ra..
Trung tá Nguyễn Huy Lương, Đội trưởng Đội Bảo đảm kỹ thuật sân bay Trường Sa, cho biết, nhiệm vụ của đội là điều hành hoạt động bay tại sân bay đảo Trường Sa Lớn, thông tin đảm bảo bay, tiếp nhiên liệu cho trực thăng. Ngoài ra, đội còn quản lý không lưu, giám sát hoạt động và chỉ dẫn bay (cả quân sự và dân sự) trên vùng trời quần đảo. Cũng theo trung tá Lương, đơn vị còn tham gia hỗ trợ, cấp cứu ngư dân mỗi khi bà con gặp tai nạn, ốm đau khi đang hoạt động nghề cá tại ngư trường truyền thống này. Cụ thể, vào tháng 10/2013, đội phối hợp điều trực thăng đưa ngư dân Bùi Tấn Việt (quê Bình Định) bị nhiễm trùng uốn ván về đất liền kịp thời cấp cứu; tháng 3/2014, phối hợp đưa trực thăng cấp cứu ngư dân Nguyễn Văn Phong (quê Khánh Hòa) bị tai biến vượt qua cơn sinh tử; tháng 10/2014, phối hợp đưa trực thăng của Sư đoàn 370 chuyển ngư dân Lê Quang Minh (quê Bình Định) bị tràn dịch phổi về đất liền cấp cứu… “Trong những năm qua, cán bộ, chiến sĩ chúng tôi luôn đoàn kết gắn bó, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao và xây dựng đơn vị vững mạnh. Vì thế, mỗi chuyến bay đều được tập trung tổ chức chặt chẽ, hiệp đồng bay, dự báo thông báo bay, chuẩn bị đường bay được thực hiện với số liệu chính xác; thông tin, ra đa luôn được chuẩn bị tốt, đảm bảo thông suốt”, trung tá Lương chia sẻ thêm.
Trong khi đó, trung tá Nguyễn Mậu Thông, Trạm trưởng Trạm ra đa 11, cho hay: “Ở giữa biển khơi, thời tiết khắc nghiệt với nắng to, gió dữ, hơi mặn ảnh hưởng rất lớn đến tuổi thọ và hoạt động của khí tài. Do đó, cán bộ chiến sĩ trong trạm phải thường xuyên chăm lo, tích cực thực hiện tốt công tác bảo dưỡng mọi mặt. Đồng thời chủ động phát hiện và tự sửa chữa hỏng hóc để đảm bảo khí tài luôn trong tình trạng kỹ thuật tốt nhất. Muốn vậy, mỗi kỹ thuật viên nói riêng và cán bộ, chiến sĩ của trạm nói chung ai cũng phải “đa năng” để có thể góp phần cùng hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, phải chú ý làm tốt công tác phối hợp với các lực lượng khác trong bảo vệ vùng trời, vùng biển quản lý theo quy định”.
Có thể nói rằng, sự có mặt của những người lính Phòng không - Không quân ở huyện đảo Trường Sa đã góp phần cùng với quân dân nơi đây tạo thành lá chắn vững chắc để cùng ra sức gìn giữ chủ quyền biển đảo thiêng liêng, góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ toàn vẹn biên giới lãnh hải quốc gia trong tình hình biển Đông ngày càng diễn biến phức tạp như hiện nay.
VĂN TÀI