Đảo Trường Sa Lớn (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) là một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam. Ở nơi ấy có sự gắn bó, đoàn kết, chung sức vượt qua gian khó của các lực lượng đóng quân trên đảo và người dân. Từ lâu, mối quan hệ mật thiết ấy đã là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho những người đang ngày đêm chắc tay súng giữa trùng dương bao la, bảo vệ chủ quyền đất mẹ…
Trong chuyến công tác mới đây trên tàu HQ 561, tôi may mắn đặt chân đến đảo Trường Sa Lớn. Cảm nhận đầu tiên khi đến đây chính là sự gắn bó, đoàn kết, chung sức vượt qua gian khó của các lực lượng đóng quân trên đảo và người dân, cũng như tình cảm thân thiết họ đã dành cho chúng tôi, những người khách từ đất liền.
Gặp chiến sĩ trẻ Phạm Văn Chiến ở cụm chiến đấu 1, anh cho biết, được công tác ở Trường Sa Lớn là niềm vinh dự lớn bởi được góp chút sức trẻ để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. “Biển đảo là một phần máu thịt của Tổ quốc nên phải ra sức bảo vệ. Vì vậy, mình và đồng đội chấp nhận hy sinh để giữ gìn”, Chiến giãi bày.
Giống như Chiến, chiến sĩ Hoàng Văn Linh viết đơn tình nguyện ra đảo Trường Sa Lớn công tác. Với anh, đây là môi trường rèn luyện tốt để trưởng thành. Linh tâm sự: “Những ngày đầu xa nhà ra đảo, tôi rất nhớ người thân và đất liền. Nhưng nhờ sự quan tâm, động viên, chia sẻ của đồng đội và chỉ huy, tôi đã sớm hòa nhập, thích nghi với cuộc sống nơi đây. Những tháng ngày rèn luyện trong quân ngũ, tôi thấy mình trưởng thành hơn, không còn ỷ lại, biết sống hòa đồng và chia sẻ với mọi người”.
Tương tự, anh Nguyễn Phi Ý Hoài, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thị trấn Trường Sa, cũng xung phong tình nguyện ra công tác tại đảo. Hoài nói: “Biết bao thế hệ đã hy sinh xương máu ở Trường Sa để canh giữ từng tấc đất, sải nước của Tổ quốc. Tôi luôn tự nhủ phải vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
Khác với các chiến sĩ, vợ chồng anh Nguyễn Thành Hưng và chị Lê Thị Trúc Hà cùng hai con tình nguyện ra đảo sinh sống được vài năm nay. Anh Hưng nhớ lại, khi biết thông tin tỉnh Khánh Hòa đưa người ra định cư tại các đảo ở Trường Sa, vợ chồng đã bàn bạc và quyết định đăng ký tình nguyện ra đảo. Cuộc sống ở đây cũng tốt, không khí trong lành, có rau xanh, thịt cá. Cán bộ, công chức UBND thị trấn Trường Sa và các chiến sĩ trên đảo giúp đỡ hai vợ chồng rất nhiều.
Khi đến thăm vợ chồng anh Nguyễn Phong Danh, một hộ dân trên đảo, tôi mới cảm nhận được không khí bình yên, đầm ấm của những gia đình nơi đây, dù cuộc sống của họ vẫn còn nhiều khó khăn so với ở đất liền. Chị Phạm Thị Như Trinh, vợ anh Danh, chia sẻ: “Các gia đình ở đây đều chung tay cùng bộ đội phụ lo từ việc tăng gia trồng trọt, xếp dỡ hàng hóa, sửa chữa máy móc, doanh trại… cho đến công tác hậu cần, trang trí, tiếp khách mỗi khi có tàu từ đất liền ra. Ngược lại, mỗi khi dân có việc thì cán bộ, chiến sĩ cũng đều chung vai, góp sức giải quyết”.
Vì vậy, có thể khẳng định rằng, những năm gần đây, quần đảo Trường Sa nói chung và Trường Sa Lớn nói riêng phát triển không ngừng, tạo ra một diện mạo mới và thế đứng vững vàng giữa biển khơi. Với sự giúp sức từ đất liền, quân và dân ngoài đảo xa ngày nay đã có cuộc sống khá hơn. Cụ thể như đã có nguồn rau xanh, nước sạch, vật liệu xây dựng nhà cửa… Mối quan hệ mật thiết giữa quân và dân trên đảo chính là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho những con người đang ngày đêm kề vai sát cánh để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng…
VĂN TÀI