Nói về chiến lược Quốc phòng toàn dân thì đầu tiên là phải độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ và toàn dân phải tự bảo vệ độc, lập tự do của mình.
Phóng viên VOV phỏng vấn thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
* Thưa thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, chính sách đối ngoại quốc phòng của Quân đội nhân dân Việt Nam trong thời gian gần đây đã có những bước tiến đột phá như thế nào nhằm nâng cao năng lực bảo vệ Tổ quốc?
- Ngay từ năm đầu xây dựng Quân đội và tiến hành cuộc chiến tranh bảo vệ, giải phóng Tổ quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, bên cạnh nhiệm vụ xây dựng, chiến đấu thì rất quan tâm, chú trọng đến quan hệ hợp tác quốc phòng. Tuy nhiên bước sang thời kỳ đổi mới, chúng ta có những đặc điểm mới. Chủ trương của chúng ta là phải làm sao bảo vệ được Tổ quốc và bảo vệ bằng biện pháp hòa bình.
Muốn như vậy, chúng ta phải quan hệ với các nước trên thế giới để “thêm bạn, bớt thù”, giảm thiểu khả năng sử dụng vũ lực của các quốc gia khác đối với chúng ta. Một điểm nữa là trong giai đoạn hiện nay, chúng ta đang rất cần hiện đại hóa Quân đội. Bên cạnh việc tự nỗ lực vươn lên, chúng ta cần phải hợp tác, học hỏi, đặc biệt là vấn đề xây dựng con người, xây dựng khả năng trình độ khoa học công nghệ của Quân đội. Đây là cơ sở đó để chúng ta hiện đại hóa Quân đội.
Trong giai đoạn hiện nay có nhiều vấn đề mới trong thách thức quốc phòng an ninh, đặc biệt là các thách thức an ninh phi truyền thống, như cướp biển, biến đổi khi hậu, bão lụt, tìm kiếm cứu nạn... Trước đây không thuộc lĩnh vực quốc phòng, nhưng đến nay được xác định là những nguy cơ xuyên quốc gia, cần có sự hợp tác quốc tế và có khía cạnh liên quan trực tiếp đến quốc phòng. Trong những năm vừa qua, chúng ta đã làm tốt được những nhiệm vụ này.
Chúng ta đã cố gắng để xây dựng lòng tin với nhiều quốc gia trên thế giới; tích cực đấu tranh và hợp tác để bảo những quyền lợi, lợi ích quốc gia dân tộc; tăng cường hợp tác quốc tế để nâng cao trình độ khoa học công nghệ; đồng thời tham gia vào các hợp tác để đối phó với các thách thức.
Một khía cạnh nữa cần nhắc tới về mặt quốc phòng, không chỉ bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc mình, chúng ta đã bắt đầu thực hiện nghĩa vụ quốc tế. Điển hình bằng việc chúng ta đã tham gia các diễn đàn khu vực và quốc tế về quốc phòng. Thậm chí có những cấu trúc quốc phòng - an ninh được hình thành ở thành phố Hà Nội năm 2010 – đó là cấu trúc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng các nước ASCEAN mở rộng của 10 nước trong khu vực và 8 nước trên thế giới. 2 năm gần đây, chúng ta đã bắt đầu chính thức cử lực lượng quốc phòng quân sự tham gia gìn giữ hòa bình của LHQ. Đây là bước đi ban đầu nhưng đã tạo dấu ấn sâu sắc về việc Việt Nam ngày càng tích cực hơn trong việc đóng góp hòa bình ổn định của thế giới.
* Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Việt Nam củng cố tiềm lực quốc phòng là để tự vệ. Thượng tướng cho biết cụ thể hơn về việc Bộ Quốc phòng sẽ thực hiện điều này?
- Điều này phải nói rộng hơn là chính sách của Đảng, Nhà nước chứ không phải chỉ là của Bộ quốc phòng. Chính sách quốc phòng của Việt Nam chỉ để tự vệ, bảo vệ Tổ quốc, thể hiện trước hết ở chiến lược quân sự và chích sách quốc phòng. Trong chiến lược quân sự của chúng ta không có khái niệm dùng vũ lực để mà xâm hại đến bất kỳ quốc gia nào. Về chính sách quốc phòng có thể có những va chạm, tranh chấp, có những khác biệt nhưng chúng ta chủ trương giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Một điểm nữa là chính sách hòa bình và tự vệ đó thể hiện ở xây dựng Quân đội, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân; thể hiện ở chỗ chúng ta mua vũ khí trang bị. Tôi lấy ví dụ như khi chúng ta mua 6 tàu ngầm Kilo của Nga thì rất nhiều người hỏi chúng ta mua về để làm gì? Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã trả lời tại Shangri – La là chúng tôi mua tàu ngầm chỉ để bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Điều này rất khác so với các quốc gia khác. Như vậy, từ trang bị, con người, tổ chức lực lượng và cao hơn là chính sách, chiến lược quốc phòng chúng ta đều thể hiện nhất quán đường lối của Đảng, Nhà nước.
* Một trong những nhiệm vụ được Bộ Quốc phòng đặt lên hàng đầu trong thời kỳ hiện nay chính là xây dựng đội ngũ con người. Vậy chúng ta đã và đang tiếp tục xây dựng đội ngũ này như thế nào?
- Quân đội ta từ khi thành lập đến nay trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh, khẳng định nhân tố của chiến thắng đều xuất phát từ con người. Tuy nhiên trong tình hình mới hiện nay, câu hỏi đặt ra là nhân tố con người, cái gì là chủ yếu để đảm bảo xây dựng Quân đội luôn luôn vững mạnh, đảm bảo có thể hoàn thành bất kỳ nhiệm vụ Đảng và Nhà nước, nhân dân giao phó.
Đối với con người trong xây dựng Quân đội thì có 3 nhân tố quyết định. Trước hết là tư tưởng của toàn dân thấm nhuần đường lối của Đảng, Nhà nước trong việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và toàn dân phải coi quốc phòng là nhiệm vụ của mình. Thứ 2 về nhân tố con người, tôi muốn nói đến đó là tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội. Quốc phòng là của toàn dân nhưng Quân đội là nòng cốt thì làm sao từ người lãnh đạo cao nhất đến đồng chí binh nhì đều phải có một lập trường tư tưởng vững vàng, trước hết là lòng yêu nước; nhận thức được vai trò lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định để Quân đội đi đúng hướng và thực hiện được nhiệm vụ; sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội như lời Bác Hồ dạy.
Thứ 3, trong thời kỳ hội nhập, thế giới phẳng, thời kỳ kinh tế thị trường và đặc biệt trong bùng nổ về khoa học công nghệ thì con người thì phải có trình độ khoa học công nghệ cao, sử đụng được trang bị, thiết bị một cách hiệu quả và có một tầm nhìn để đảm bảo rằng trong thời đại bùng nổ thông tin thì phải có một lập trường, quan điểm rõ ràng, vững vàng và phục vụ cho mục tiêu của Quân đội ta.
* Được biết Bộ Quốc phòng trong thời gian gần đây đã có những đầu tư mang tính chiến thuật và chiến lược trong việc đảm bảo và hiện đại hóa những trang thiết bị, vũ khí cho lực lượng vũ trang. Trong tình hình biển Đông phức tạp như hiện nay và việc Trung Quốc ngang nhiên xây dựng, mở rộng trái phép một số điểm đảo ở Trường Sa, Quân đội Việt Nam sẽ làm những gì để bảo vệ vững chắc chủ quyền?
- Trước hết tôi muốn nói về việc chúng ta mua sắm vũ khí trang bị. Rất nhiều người hỏi tôi về việc Quân đội chúng ta đã mua sắm những loại vũ khí trang bị. Theo tôi, đấy là chúng ta so sánh với trước đây; nhưng so với mặt bằng chung của thế giới thì chúng ta còn khiêm tốn lắm. Đối với tình hình trên biển Đông, trước hết chúng ta phải khẳng định là chủ quyền của Việt Nam. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quân đội đã nói rất nhiều lần. Ở biển Đông của chúng ta là Hoàng Sa và Trường Sa. Chỗ nào nước khác đang chiếm đóng thì chúng ta kiên trì đấu tranh bằng biện pháp hòa bình, nhưng không bao giờ từ bỏ quan điểm chủ quyền cả.
Thứ 2 là bên cạnh luật pháp quốc tế chúng ta tuân thủ triệt để và yêu cầu các nước cũng phải tuân thủ, thì cũng có các thỏa thuận khu vực, đối với biển Đông là DOC mà ASEAN đã ký với Trung Quốc là giữ nguyên hiện trạng. Rõ ràng là Trung Quốc xây dựng các bãi đá ở Hoàng Sa và Trường Sa là vi phạm DOC. Chúng ta phải kiên trì đấu tranh bằng biện pháp hòa bình và đấu tranh bằng tiếng nói của nhân dân, của Đảng, của Chính phủ và bằng sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Tôi tin cuộc đấu tranh đó mặc dù còn rất lâu dài, rất kiên trì nhưng chân lý sẽ thuộc về người có quyền, lợi ích mà được luật pháp quốc tế bảo vệ.
* Việc tăng cường hợp tác quốc phòng với các nước như Mỹ, Nga, Nhật, Ấn Độ được thể hiện qua nhiều chuyến thăm và cam kết quan trọng trong năm qua có ý nghĩa thế nào đối với việc đảm bảo tiềm lực quốc phòng nước ta, thưa thượng tướng?
- Quan hệ quốc phòng trước hết là tạo lòng tin và tạo sự ủng hộ của quốc tế đối với chính sách xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta. Có người hỏi tôi rằng Bộ Quốc phòng ký với nước này, nước kia với mục đích gì. Lợi ích đầu tiên là khẳng định độc lập tự chủ của Việt Nam. Chúng ta độc lập tự chủ, quan hệ với tất cả các nước trên thế giới miễn là nước ấy tôn trọng chế độ chính trị của chúng ta, tôn trọng lợi ích quốc gia dân tộc của chúng ta. Chúng ta không đứng về bên nào trong quan hệ quốc tế cả.
Thứ hai, thể hiện tính chủ động trong quan hệ quốc phòng của Việt Nam. Khi chúng ta có những cam kết với các nước, có nghĩa rằng đã đặt ra khuôn khổ hợp tác với từng nước khác nhau mà hai bên đều có lợi, chấp nhận được, không phương hại đến quốc gia dân tộc.
* Thượng tướng từng nói ‘Việt Nam không chấp nhận nền hòa bình lệ thuộc’. Trong khi thế giới đang trong xu hướng toàn cầu hóa, nền quốc phòng toàn dân của Việt Nam sẽ đi theo hướng nào để bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc?
- Có nhiều cách định nghĩa về hòa bình và một định nghĩa đơn giản nhất là hòa bình không có tiếng súng, không có chiến tranh. Nhưng ta thấy trong lịch sử thế giới, nhất là vào thế kỷ 20, rất nhiều nền hòa bình mà những quốc gia dân tộc ấy không có nhân tố cơ bản để tồn tại một quốc gia là độc lập, tự do. Như Bác Hồ từng nói “không có gì quý hơn độc lập, tự do”, những nền hòa bình không đảm bảo độc lập không đảm bảo tự do đấy là nền hòa bình lệ thuộc. Cho nên nếu nói về chiến lược Quốc phòng toàn dân thì đầu tiên là phải độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước và muốn có nền hòa bình không lệ thuộc thì toàn dân phải tự bảo vệ độc, lập tự do của mình.
* Xin cảm ơn thượng tướng!.
Theo VOV