Điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội là một kênh quan trọng để Đảng và Nhà nước nắm bắt tâm trạng, tư tưởng, thái độ, nguyện vọng, những ý kiến phản biện của các tầng lớp nhân dân về các vấn đề thời sự, chính trị, xã hội trong nước và quốc tế; đối với việc ban hành, tổ chức thực hiện, hiệu quả thực tiễn của các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Qua đó nhằm góp phần làm cho việc ban hành, triển khai chính sách sát với thực tiễn, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân và sự phát triển của đất nước. Do đó cần đẩy mạnh hơn nữa công tác này trong thời gian tới…
Kênh thông tin quan trọng và rất cần thiết
Dư luận xã hội là tập hợp các luồng ý kiến cá nhân trước các vấn đề, sự kiện, hiện tượng có tính thời sự, có liên quan đến lợi ích, các mối quan tâm của công chúng. Hình thức nắm bắt dư luận xã hội rất đa dạng, bao gồm nắm bắt thông tin qua mạng lưới cộng tác viên, qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua việc lấy ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân đối với dự thảo các văn kiện, văn bản pháp luật…
Trong những năm qua, tầm quan trọng của công tác điều tra, nắm bắt dư luận xã hội đã được khẳng định trong nhiều văn kiện của Đảng. Văn kiện Hội nghị Trung ương 3 (khóa VII) có nêu nhiệm vụ: “Nâng cao chất lượng thông tin nội bộ và công tác tuyên truyền, coi trọng biện pháp điều tra dư luận xã hội”. Hội nghị Trung ương 8 (khóa VII) yêu cầu: “Tổ chức điều tra dư luận xã hội về những vấn đề cần thiết cho công tác lãnh đạo, quản lý nhà nước”. Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới, tiếp tục nhấn mạnh: “Chú trọng công tác nghiên cứu, điều tra dư luận xã hội, nắm bắt dư luận xã hội phục vụ công tác tư tưởng”. Ngày 18/8/2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) đã ban hành Kết luận 100-KL/TW về việc đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội. Kết luận nêu rõ: “Điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội là công việc quan trọng và rất cần thiết nhằm nắm bắt, tập hợp kịp thời, sát thực tâm tư, tình cảm, ý chí, nguyện vọng của nhân dân về những vấn đề, sự kiện có tính thời sự trong nước và thế giới, đặc biệt là đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; giúp các cơ quan lãnh đạo, quản lý có thêm thông tin tham khảo trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; là một khâu quan trọng, cần thiết trong xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện, đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước”.
Có thể khẳng định rằng, dư luận xã hội là nguồn thông tin phản hồi đa chiều, có ý nghĩa rất quan trọng đối với quá trình ban hành, tổ chức thực hiện, bổ sung, sửa đổi các quyết định, kế hoạch lãnh đạo, quản lý xã hội của các cấp trách nhiệm. Vì thế, để có được những quyết sách đúng đắn, hài hòa ý Đảng, lòng dân, cấp ủy, chính quyền các cấp cần nắm chắc được tâm trạng, suy nghĩ, nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân, là đối tượng chủ yếu mà các quyết sách này hướng đến. Vì thế, nếu triển khai thực hiện chu đáo, đồng bộ, kịp thời, việc điều tra, nắm bắt dư luận xã hội sẽ góp phần không nhỏ trong giữ vững sự ổn định chính trị - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận trong cộng đồng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị. Cho nên, công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng trên mặt trận chính trị tư tưởng của Đảng.
Theo Viện Nghiên cứu dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương), thời gian qua, qua triển khai thực hiện, nhiều công trình nghiên cứu, báo cáo nhanh, báo cáo điều tra dư luận xã hội có chất lượng tốt đã giúp các cấp ủy đảng và chính quyền nắm đúng, kịp thời tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của các tầng lớp nhân dân, sớm đưa ra được các chủ trương, quyết sách sát thực, phù hợp lòng dân; đặc biệt là trong việc giải quyết, xử lý các “điểm nóng”, những bức xúc của nhân dân. Tuy vậy, kết quả điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội chưa đảm bảo về số lượng, chất lượng theo yêu cầu mà cấp ủy, chính quyền các cấp đặt ra. Cách tiến hành điều tra dư luận xã hội chưa thực sự khoa học, thiếu bề rộng và chiều sâu cần thiết. Do đó, chất lượng thông tin thu được đôi khi còn thấp. Nguyên nhân là do các cấp ủy đảng nhận thức chưa sâu sắc, chưa đầy đủ về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận của các tầng lớp nhân dân trong công tác lãnh đạo, quản lý. Vì thế, chưa quan tâm đến việc xây dựng thiết chế và phân công cán bộ làm công tác này. Cho đến nay vẫn chưa có một quy định chung có tính chỉ đạo, làm cơ sở pháp lý cho toàn hệ thống chính trị về công tác điều tra, nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội. Bên cạnh đó, bộ máy tổ chức cán bộ, cơ chế, điều kiện, phương thức hoạt động của tổ chức làm công tác này chưa hợp lý; chưa có sự cộng tác, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị có chức năng, nghiệp vụ điều tra dư luận xã hội, tập hợp ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Nâng chất để hoạt động tốt hơn
Ở Phú Yên, cách đây hơn một năm, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã thành lập và ra mắt đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội cấp tỉnh với số lượng 19 thành viên. Sau đó, Ban Tuyên giáo các huyện, thị, thành ủy tiếp tục thành lập đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội cấp mình. Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Tuy Hòa Dương Phú Hùng cho biết: Thành phố có 15 cộng tác viên dư luận xã hội, là nhữngngười chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có năng lực nắm bắt, tổng hợp và phản ánh khách quan, kịp thời, trung thực các luồng ý kiến trong xã hội. Qua đó cung cấp thông tin, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả việc ban hành và thực hiện các chính sách sát với thực tiễn, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Việc thành lập, đưa vào hoạt động đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội các cấp có ý nghĩa rất quan trọng và thiết thực về nhiều mặt. Song song với nắm bắt, ghi nhận, phản hồi tâm tư, nguyện vọng, các ý kiến, kiến nghị chính đáng của các tầng lớp nhân dân cho cấp ủy đảng, chính quyền để tạo sự đồng thuận cao nhằm thực hiện ngày càng hiệu quả hơn các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh, lực lượng này còn góp phần đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, thiếu thiện ý của các thế lực thù địch, các đối tượng xấu trên mặt trận tư tưởng, văn hóa hiện nay.
Để nâng cao chất lượng hoạt động, ngày 7/12 vừa rồi, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác dư luận xã hội cho hơn 200 báo cáo viên, cộng tác viên dư luận xã hội các cấp trong tỉnh. Các nội dung tập huấn bao gồm một số vấn đề chung về công tác dư luận xã hội; xử lý “điểm nóng” ở cơ sở; phương pháp nắm bắt và điều tra dư luận xã hội; xây dựng và tổ chức hoạt động đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội. Nhà văn Huỳnh Thạch Thảo, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên, thành viên của đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội cấp tỉnh, cho biết: Điều tra dư luận xã hội là hình thức nắm thông tin dư luận xã hội bằng phương pháp điều tra xã hội học, tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu có tính khoa học. Qua tập huấn, tôi được cung cấp nhiều kiến thức và kỹ năng bổ ích, càng thấy mình cần phải cố gắng rất nhiều để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”. Còn Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trương Văn Phương tin tưởng rằng sau khi được tập huấn, hoạt động của đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội trên địa bàn tỉnh sẽ có những chuyển biến mạnh mẽ, tích cực và đạt nhiều kết quả tốt hơn trong thời gian tới.
BÍCH THẠCH