Thứ Hai, 28/10/2024 18:19 CH
Đổi thay từ nghị quyết của Đảng
Thứ Ba, 10/02/2015 07:11 SA

Nhiều nông dân ở huyện Sông Hinh có thu nhập cao từ cây mía - Ảnh: P.NAM

Từ vùng đất hoang sơ, sau 30 năm xây dựng và phát triển (1985-2015), huyện Sông Hinh đã khoác lên mình một diện mạo mới. Sự thay đổi được ví như giấc mơ kỳ diệu của những người dân nơi đây.

 

Đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Sông Hinh sống theo dòng họ, hình thành nên các buôn, làng và cũng có sự đan xen với người Kinh ở tất cả các xã, thị trấn. Toàn huyện có 20 dân tộc, trong đó có 19 dân tộc thiểu số với dân số 21.274 người, chiếm 41,5% dân số toàn huyện. Trong đó nhiều nhất là Ê Đê với 14.451 người, chiếm 27,73%. Mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng, góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. 

 

Ngày 30/5/1983, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Khánh (cũ) ra Nghị quyết 03 về xây dựng vùng kinh tế Sông Hinh; ngày 27/2/1984 Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định 179 chia huyện Tây Sơn thành huyện Sông Hinh và Sơn Hòa. Ngày 25/2/1985, cán bộ và nhân dân huyện Sông Hinh vui mừng, phấn khởi tổ chức lễ công bố thành lập huyện, mở ra trang mới cho sự phát triển một vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Ông Trần Thanh Định, Phó chủ tịch UBND huyện, người có mặt từ những ngày đầu thành lập huyện, cho biết: “Thời điểm đó, đồng bào các dân tộc vùng đất Sông Hinh gặp vô vàn khó khăn bởi sau nhiều năm chiến tranh, làng mạc bị tàn phá, đất đai bị hoang hóa. Tình trạng mù chữ, hủ tục lạc hậu còn tồn tại nhiều trong dân”.

  

Để sớm thoát khỏi tình trạng đói nghèo và lạc hậu, ngay sau thành lập, Đảng bộ lâm thời huyện ra Nghị quyết 01 tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách trước mắt, định hướng phát triển lâu dài trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Kể từ đó, tinh thần của Nghị quyết 01 được thể hiện xuyên suốt trong tất cả các kỳ đại hội Đảng bộ huyện. Với tinh thần quyết tâm, nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, tinh thần của nghị quyết dần hiện thực hóa vào cuộc sống. Trong sản xuất nông nghiệp, dần hình thành các vùng chuyên canh cây lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày có giá trị kinh tế cao, gắn với các nhà máy chế biến. Từ chỗ đất đai hoang hóa, đến nay tổng diện tích gieo trồng tăng lên 21.861ha, trong đó lúa nước 3.509ha; với năng suất ổn định 50 tạ/ha/vụ cao hơn năng suất lúa rẫy 4 lần. 

 

Cùng với đó, các chương trình, dự án được đầu tư với tổng giá trị hàng ngàn tỉ đồng; đường giao thông về các trung tâm xã được nhựa hóa, mạng lưới điện quốc gia về từng hộ gia đình; trường học, trạm y tế được kiên cố; 7 công trình hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung đã giúp cho 92% dân số được sử dụng nước hợp vệ sinh. Các công trình thủy lợi tưới tiêu cho hàng nghìn diện tích cây trồng mỗi vụ. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay xã Đức Bình Tây đạt 14/19 tiêu chí; xã Sơn Giang và Ea Ly đạt 13 tiêu chí; xã Đức Bình Đông và Ea Bar đạt 8 tiêu chí... Tỉ lệ hộ nghèo của huyện đến cuối năm 2014 giảm 9,29% so với năm 2013, vượt 54% kế hoạch đề ra.

  

Bộ mặt thị trấn Hai Riêng, trung tâm huyện lỵ Sông Hinh ngày càng khang trang - Ảnh: V.THÙY

 

Hiện hầu hết thôn, buôn và trường học trên địa bàn có chi bộ đảng, tổng số đảng viên là người dân tộc thiểu số tăng lên 676 người, chiếm hơn 34%. 116 người đồng bào dân tộc thiểu số công tác ở các cơ quan Đảng, Nhà nước và các đoàn thể từ huyện đến xã, chiếm gần 30% tổng số cán bộ của huyện; có 12/25 bác sĩ là người đồng bào dân tộc thiểu số... 

 

Sau 30 năm xây dựng, cuộc sống của đồng bào các dân tộc huyện Sông Hinh có nhiều đổi thay. Già làng Ma Vi, dân tộc Ê Đê ở buôn Hai K’Rông (xã Ea Bia) nói: “Từ khi có Đảng, đồng bào dân tộc Ê Đê nói riêng và đồng bào các dân tộc ở Sông Hinh nói chung đã có cuộc sống ấm no, hạnh phúc; ai cũng có cái ăn, áo ấm để mặc. Bây giờ hơn thế, có cây sắn, cây mía, lúa nước, người chịu khó làm thì giàu có; nhà nào cũng có ti vi, xe máy; cuộc sống của bà con rất phấn khởi”. Còn già làng Bá Văn Đàn, dân tộc Bana ở thôn Bình Giang (xã Đức Bình Đông) bày tỏ: “Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến bà con dân tộc chúng tôi, bây giờ ai cũng được học hành, khám chữa bệnh miễn phí; đường sá đi lại thuận tiện, có điện thắp sáng, có điện thoại để liên lạc chứ không còn đi lại mỏi chân như trước. Ở thôn tôi có 7 dân tộc anh em cùng sinh sống, bà con buôn làng làm theo Di chúc Bác Hồ rất đoàn kết, đồng lòng xây dựng buôn làng, bảo vệ Đảng, bảo vệ và xây dựng chính quyền ngày càng vững mạnh”. 

 

Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh Đặng Đình Toại bày tỏ: “Với truyền thống anh hùng của đồng bào các dân tộc, cùng với những thành quả qua 30 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ và nhân dân huyện càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, con đường mà Bác Hồ đã lựa chọn, xây dựng Sông Hinh ngày càng phát triển bền vững”.

 

VĂN THÙY

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek