Nói đi đôi với làm” là nét nổi bật trong tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhìn lại cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên những chặng đường cách mạng, cho đến cuối cuộc đời, Người luôn nêu tấm gương sáng “nói đi đôi với làm”.
Ngay từ những năm 1926-1927, tại lớp huấn luyện cán bộ ở Quảng Châu (Trung Quốc), Người đã nhấn mạnh trong điều thứ 10 của Tư cách người cách mệnh: “Nói thì phải làm”.
Năm 1945, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nhiều nơi, đồng bào phải đương đầu với “giặc đói”, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi mọi người nhường cơm sẻ áo, lập hũ gạo cứu đói và Người đã gương mẫu thực hành trước: “Cứ 10 ngày nhịn ăn 1 bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa, đem gạo đó (mỗi bữa 1 bơ) để cứu dân nghèo”.
Năm 1946, Bác Hồ kêu gọi đồng bào cả nước rèn luyện sức khỏe để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và riêng Người, “Tự tôi ngày nào cũng tập thể dục”.
Mùa xuân năm 1959, Bác Hồ kêu gọi thực hiện Tết trồng cây “để cho đất nước càng ngày càng xuân”. Từ năm đó cho đến trước khi qua đời, 10 năm liền, Người đều gương mẫu đi đầu, tham gia Tết trồng cây.
Cũng trong năm 1959, Bác Hồ về thăm, kiểm tra công tác chống hạn và chăm sóc lúa chiêm xuân tại cánh đồng Chằm (xã Khánh Cư, huyện Yên Khánh, Ninh Bình) đúng vào dịp sản xuất nông nghiệp của nước ta gặp khó khăn, hạn hán xảy ra trên diện rộng. Giữa lúc nhân dân cùng bộ đội đang đào ngòi Chùa Cao để lấy nước từ sông Đáy dẫn vào cánh đồng Chằm, dù là Chủ tịch nước, Người đã xắn quần lội ruộng, cùng tát nước, cấy lúa với bà con nông dân.
Với cán bộ, đảng viên, Người khuyên “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” và mọi điều toát lên từ những nét nhân cách, từ mỗi lời nói, mỗi công việc của Người, dù lớn dù nhỏ, đều là hình mẫu thuyết phục của những phẩm chất tốt đẹp đó. “Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”, Người căn dặn trong Di chúc. (*)
Chuyên đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm nay, theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương là “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm”. Vì vậy, học tập tác phong, tấm gương “nói đi đôi với làm” của Bác Hồ hiện nay cũng đồng nghĩa với việc quán triệt, thực hiện có kết quả của chuyên đề này.
Trước tiên, “nói đi đôi với làm” đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, làm đúng những gì đã nói, đồng thời làm tốt những việc cần làm, đáng làm và không vi phạm những điều đảng viên không được làm. Từng cán bộ, đảng viên thường xuyên liên hệ với công việc thường ngày để càng thêm tận tụy, tâm huyết, nêu cao tinh thần trách nhiệm; xây dựng lối sống thẳng thắn, trung thực, đặt lợi ích của tập thể, của Nhà nước lên trên lợi ích cá nhân; chống quan liêu, mệnh lệnh, chủ quan và các biểu hiện cục bộ, lợi ích nhóm, lợi dụng chức trách, quyền hạn; đấu tranh quyết liệt với những “bệnh” tham ô, lười biếng, háo danh, cửa quyền, “nói một đằng làm một nẻo” hoặc nói không đi đôi với làm; bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng; tôn trọng, thực hiện nghiêm chính sách, pháp luật của Nhà nước; hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân...
Đồng thời, để việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về “nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm” đạt kết quả như mong muốn, từng đảng viên cùng với sự trung thực, rất cần một ý chí phấn đấu cao; gương mẫu thực hiện những gì mình tuyên truyền cho nhân dân. Với mỗi tổ chức đảng thì “chủ trương một, biện pháp mười, quyết tâm hai mươi” - như lời Bác Hồ đã dạy.
(*) Theo Hồ Chí Minh toàn tập
LẠC HỒNG