Trước đây, ở đảng bộ X, hiện tượng một số cán bộ, đảng viên nói không đi đôi với làm, đi muộn về sớm, vi phạm quy định về an toàn giao thông, gây mất đoàn kết nội bộ, sinh con thứ 3… vẫn thường xảy ra. Tuy nhiên, các vi phạm này chưa được giải quyết triệt để. Nguyên nhân cơ bản là do một số cấp ủy, người đứng đầu đơn vị còn có biểu hiện che giấu khuyết điểm, chạy theo thành tích... Do “có bệnh” mà không “chữa trị” hoặc “bốc không đúng thuốc” nên người vi phạm có biểu hiện “lờn thuốc”; có khuyết điểm nhưng không nhận thức, chậm sửa chữa khắc phục dẫn đến khuyết điểm nhỏ thành khuyết điểm lớn, ngày càng trầm trọng. Mặt khác, việc xử lý thiếu kiên quyết chưa tạo được sự răn đe, giáo dục đối với cán bộ, đảng viên và quần chúng trong đơn vị.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, qua nghiêm túc kiểm điểm tự phê bình và phê bình, các nhóm giải pháp khắc phục hạn chế, sửa chữa khuyết điểm đã được cấp ủy các cấp trong đảng bộ đề ra cụ thể. Trong đó, những trường hợp cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật mà không tự giác nhìn nhận để sửa chữa, khắc phục được xử lý kỷ luật bằng hình thức tương xứng về đảng và chính quyền. Việc xét kỷ luật các trường hợp vi phạm được tiến hành đúng nguyên tắc, quy định, bảo đảm tính nghiêm minh trong mỗi tổ chức đảng, đúng người, đúng lỗi. Liệu pháp mạnh đó là “hành lang cứng” để ngăn chặn các trường hợp vi phạm đã được sự đồng tình của đại đa số đảng viên và quần chúng. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 không phải là “xử lý kỷ luật” mà chính là đảng bộ đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, tạo “hành lang mềm” để cán bộ, đảng viên nâng cao nhận thức, tránh xa thói hư, tật xấu, không che giấu khuyết điểm, tự giác nhận ra sai sót để kịp thời sửa chữa.
Cùng với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, đảng bộ cũng đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Kế hoạch thực hiện được các cấp ủy cụ thể hóa vào nghị quyết cấp mình; từng đảng viên viết bản đăng ký cam kết thực hiện gắn với chức năng nhiệm vụ được giao. Trong đó, cán bộ, đảng viên giữ vị trí lãnh đạo đề cao vai trò tiên phong, gương mẫu trong công tác, lối sống, sinh hoạt, đồng thời gương mẫu sửa chữa khuyết điểm làm gương cho cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên cấp dưới.
Việc “bốc đúng thuốc” đã tạo chuyển biến toàn diện trong từng cơ quan, đơn vị, tổ chức đảng. Những hạn chế của cán bộ, đảng viên trong đảng bộ cơ bản được khắc phục, tạo động lực để đơn vị hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Bài học kinh nghiệm đảng bộ rút ra, đó là: Để thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 đạt kết quả thực chất, tạo sự chuyển biến thật sự, đòi hỏi mỗi cấp ủy, tổ chức đảng phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục kết hợp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; đặc biệt phải loại bỏ tư tưởng sợ mất thành tích thi đua mà thiếu các biện pháp xử lý kiên quyết. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 không nhất thiết phải là những vấn đề “đao to, búa lớn”, cũng không đơn thuần là số lượng đảng viên vi phạm phải xử lý, mà điều quan trọng nhất là mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên phải nghiêm túc, cầu thị, nhận rõ khuyết điểm, quy trách nhiệm rõ và xử lý đúng người, đúng lỗi. Đặc biệt, từng cấp ủy, cán bộ chủ chốt, nhất là người đứng đầu phải nghiêm túc kiểm điểm, khắc phục những hạn chế, kịp thời sửa chữa khuyết điểm để làm gương cho cấp dưới. Có như vậy mới tạo được lòng tin cán bộ, đảng viên và quần chúng; Đảng mới thực sự trong sạch, vững mạnh.
LẠC HỒNG