* Hỏi:
- Một đảng viên vi phạm tới mức phải xử lý kỷ luật, cấp ủy nhiều lần yêu cầu kiểm điểm nhưng đảng viên không chịu kiểm điểm. Trường hợp này tổ chức đảng có quyết định kỷ luật được không?
* Trả lời:
- Khoản 4, Điều 39, Điều lệ Đảng (khóa XI) quy định: “Đảng viên vi phạm phải kiểm điểm trước chi bộ, tự nhận hình thức kỷ luật; nếu từ chối kiểm điểm hoặc bị tạm giam, tổ chức đảng vẫn tiến hành xem xét kỷ luật. Trường hợp cần thiết, cấp ủy và ủy ban kiểm tra cấp có thẩm quyền trực tiếp xem xét kỷ luật”.
Điểm 1.1 và Điểm 1.2, Khoản 1, Điều 39 trong Hướng dẫn thực hiện các quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng trong Chương VII và Chương VIII, Điều lệ Đảng (khóa XI) ban hành kèm theo Quyết định số 46-QĐ/TW ngày 1/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương quy định:
“Cấp ủy hướng dẫn đảng viên vi phạm chuẩn bị tốt bản tự kiểm điểm. Hội nghị chi bộ thảo luận, góp ý kiến và kết luận rõ nội dung, tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân vi phạm và biểu quyết (đề nghị hoặc quyết định) kỷ luật. Đại diện cấp ủy tham dự hội nghị chi bộ xem xét kỷ luật đảng viên là cấp ủy viên hoặc cán bộ thuộc diện cấp ủy quản lý. Trường hợp có đầy đủ bằng chứng, nếu đảng viên vi phạm từ chối kiểm điểm hoặc bị tạm giam thì tổ chức đảng vẫn tiến hành xem xét kỷ luật.
Đảng viên vi phạm là cấp ủy viên hoặc cán bộ thuộc diện cấp ủy quản lý cùng với việc kiểm điểm ở chi bộ còn phải kiểm điểm ở những tổ chức đảng nào nữa thì do cấp ủy hoặc ủy ban kiểm tra của cấp ủy quản lý đảng viên đó quyết định…”.
Như vậy, theo quy định trên thì đảng viên vi phạm tới mức phải xử lý kỷ luật, cấp ủy nhiều lần yêu cầu kiểm điểm, nhưng đảng viên không chịu kiểm điểm mà không có lý do chính đáng, tổ chức đảng có thẩm quyền vẫn tiến hành xem xét, xử lý kỷ luật đối với đảng viên đó.
BÍCH THẠCH (giới thiệu)