Thứ Tư, 01/01/2025 15:50 CH
Rèn luyện, nêu cao bản lĩnh của người cán bộ kiểm tra
Thứ Ba, 08/10/2013 09:10 SA

Bản lĩnh được hiểu là tính tự quyết một cách độc lập về thái độ, hành động của một con người hay một tổ chức, không vì hoặc chịu áp lực từ bên ngoài mà thay đổi quan điểm. Bản lĩnh thể hiện sự trưởng thành, sự vững vàng, nhất là đứng trước khó khăn, thử thách thì bản lĩnh càng bộc lộ rõ, càng được tôi luyện, kiên định hơn. Có bản lĩnh là có được phẩm chất quyết định sự sống còn và thành công của mỗi cá nhân, tổ chức và ngược lại, thiếu bản lĩnh thì dễ bị sai lầm, thất bại, gặp khó khăn gian khổ thì hoang mang, khó vượt qua thử thách để đi đến thành công.

 

akt131008.jpg

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh - Ảnh: T.BÍCH

Bản lĩnh của con người không phải tự nhiên mà có. Đó là một quá trình rèn luyện và tổng hợp những phẩm chất, nhân cách đã phát triển chín muồi, đạt đến trình độ tự giác, tạo nên năng lực làm chủ hoàn cảnh và làm chủ bản thân, thể hiện tập trung ở trách nhiệm được giao và trong tự hoàn thiện mình. Bản lĩnh của người cán bộ kiểm tra trước hết phải được thể hiện sâu sắc ở sự rèn luyện tư cách, phẩm chất đạo đức, hết sức giữ mình để không bị tha hóa; không chỉ trang bị cho mình một kháng thể để có sức đề kháng mạnh mà còn có khả năng miễn dịch tốt nhằm ngăn chặn sự xâm nhập lây lan của những hiện tượng tiêu cực trong đời sống xã hội hiện nay; không bị cuốn hút vào vòng xoáy của ma lực đồng tiền, của chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng…

 

Nếu người cán bộ kiểm tra không giữ được mình, không gương mẫu thì không thể là người có bản lĩnh kiểm tra. Đây cũng là vấn đề cấp thiết, nhạy cảm nhất hiện nay trong “đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp; để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và nhân dân đối với Đảng”. Điều đáng lo ngại hiện nay là có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên không trong sáng về đạo đức, biến chất; sự chi phối đầy ma lực của đồng tiền có chiều hướng gia tăng; sự liên kết giữa tiền bạc và quyền lực trở thành sức mạnh phi nghĩa, làm cho tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy tuổi, chạy bằng cấp,… diễn ra nghiêm trọng và ngày càng phức tạp, gây bất bình trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tình hình đó đặt ra cho ủy ban kiểm tra các cấp và đội ngũ làm công tác kiểm tra hiện nay nhiệm vụ hết sức nặng nề; cán bộ kiểm tra phải là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong việc đấu tranh, chống lại các biểu hiện tiêu cực, nhất là tiêu cực trong đội ngũ cán bộ có chức, có quyền.

 

Trong cuộc đấu tranh này, đòi hỏi mỗi cán bộ kiểm tra phải biết dựa vào sức mạnh chính nghĩa của tập thể, của tổ chức, của lực lượng quần chúng cốt cán để đấu tranh, loại bỏ những phần tử tha hóa, biến chất ra khỏi Đảng, giữ gìn sự trong sạch, uy tín của Đảng. Xét cho cùng công tác kiểm tra, giám sát không có mục tiêu nào khác là vì con người, cho con người. Khi gặp đối tượng vi phạm, cán bộ kiểm tra cần nghiêm minh với những trường hợp có biểu hiện tiêu cực, biến chất, cố ý lợi dụng chức quyền tham nhũng để giữ gìn kỷ cương, kỷ luật của Đảng. Đồng thời, cán bộ kiểm tra phải hết sức cẩn trọng xem xét những trường hợp vô tình, khách quan dẫn đến vi phạm, phân tích để họ thấy được sai lầm, khuyết điểm. Đấu tranh chỉ ra được khuyết điểm để họ thấy và sửa chữa là một quá trình để hoàn thiện các bước về quy trình kiểm tra, giám sát hết sức gian khổ. Qua đó thể hiện khả năng xem xét sự việc một cách toàn diện, trung thực, khách quan, có bản lĩnh vững vàng của cán bộ kiểm tra.

 

Việc xem xét xử lý kỷ luật, làm rõ sai phạm, xử lý nghiêm minh là cuộc đấu tranh không kém phần gay go trong nội bộ tổ chức Đảng, giữa ủy ban kiểm tra các cấp với đối tượng kiểm tra. Cán bộ kiểm tra càng phải thể hiện bản lĩnh vững vàng, cứng rắn, nhưng không cực đoan máy móc mà phải có phương pháp tốt và thái độ ứng xử đúng mực, bằng tài liệu xác thực đã qua thẩm tra, xác minh và phân tích chuẩn xác về hành vi vi phạm, đấu tranh nhằm bảo vệ cho được cái đúng, cái tốt, chỉ rõ cái sai, cái xấu; không được khuất phục bởi quyền uy vật chất hay quyền lực cá nhân nào, thậm chí phải chấp nhận những thiệt thòi nhiều mặt của cá nhân. Trong thực tế, tuy không nhiều nhưng vẫn còn xảy ra tình trạng né tránh, bao che, nể nang, ngại va chạm mà xí xóa, bỏ qua khuyết điểm, xử lý thiếu nghiêm minh “nhẹ trên, nặng dưới”. Ủy ban kiểm tra các cấp phải đấu tranh để khắc phục tình trạng này nhằm đảm bảo sự công bằng trong xử lý kỷ luật của Đảng là “công minh, chính xác và kịp thời”.

 

Thực tiễn hiện nay có nhiều diễn biến phức tạp; chủ trương và chính sách cụ thể cũng theo đó mà điều chỉnh cho kịp thời và phù hợp. Vì vậy, người cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát cần có những kiến thức mới, thường xuyên cập nhật thông tin, nâng cao tầm nhìn, am hiểu ở nhiều lĩnh vực, địa bàn; đề xuất kiến nghị nhất là lĩnh vực nhạy cảm như: đất đai, tài chính, cán bộ, tư pháp… giải quyết kịp thời có hiệu quả các nhiệm vụ khác phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị ở địa phương, đơn vị.

 

LƯƠNG MINH SƠN

Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek