Thời gian qua, Hội Người cao tuổi (NCT) tỉnh Phú Yên đã tích cực vận động hội viên làm kinh tế, đẩy mạnh công tác khuyến học, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phóng viên Báo Phú Yên phỏng vấn ông Đặng Phi Khanh, Phó trưởng ban đại diện Hội NCT tỉnh xoay quanh nội dung này. Trước hết, nói về Ngày Quốc tế NCT 1/10, ông Khanh cho biết:
Khám bệnh cho người cao tuổi tại huyện Đồng Xuân - Ảnh: CTV
Nhận thức được tầm quan trọng của NCT, năm 1982, lần đầu tiên, Liên Hợp Quốc đã tiến hành Đại hội thế giới về tuổi già tại Áo, hơn 3.000 đại biểu của hầu hết các nước trên thế giới tham dự. Đại biểu của Việt Nam là giáo sư Phạm Khuê, Viện trưởng Viện Lão khoa Việt Nam. Hội nghị đã thông qua chương trình hoạt động quốc tế về tuổi già và kiến nghị Chính phủ, nhân dân các nước căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể của nước mình mà có sự quan tâm đúng mức đến những vấn đề về NCT. Đến năm 1990, để tập trung sự chú ý của thế giới về vấn đề NCT, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc quyết định lấy ngày 1/10 hàng năm làm Ngày Quốc tế NCT, bắt đầu từ 1/10/1991. Quyết định này phù hợp với truyền thống “Kính lão trọng thọ” của dân tộc Việt Nam, với tư tưởng của Bác Hồ và quan điểm của Đảng ta. Do đó, sau khi nhận được thông báo của Liên Hợp Quốc, ngày 1/10/1991, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (nay là Chủ tịch nước) Võ Chí Công đã ra lời kêu gọi đồng bào cả nước nhiệt liệt hưởng ứng quyết định này và khẳng định “Chăm sóc và phát huy vai trò NCT là một chính sách rất quan trọng và nhất quán của Đảng, Nhà nước ta”.
Ngày 17/9/1992, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) ra Chỉ thị số 332 về việc tổ chức Ngày Quốc tế NCT và chỉ rõ những việc các ngành, các cấp, các cơ quan đoàn thể phải làm trong dịp Ngày Quốc tế NCT hàng năm.
* Lâu nay, NCT tham gia phát triển kinh tế như thế nào, thưa ông?
- Hiện nay, trên 65% NCT của tỉnh còn tham gia lao động sản xuất; trong đó có khoảng 30% là chủ trang trại, cơ sở sản xuất kinh doanh trong tỉnh. Các cụ đã mạnh dạn bỏ vốn mua sắm tư liệu sản xuất, xây dựng các loại hình hợp tác, truyền đạt những kinh nghiệm cho con cháu, bà con hàng xóm. Học tập và áp dụng khoa học, công nghệ mới vào sản xuất, thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế, vật nuôi, cây trồng thích hợp thời tiết, mùa vụ, chăn nuôi gia súc, gia cầm, làm nghề thủ công… giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động.
Tiêu biểu như trước đây có cụ Ama Xanh (đã qua đời), hội viên NCT xã Ea Bá (Sông Hinh) là người dân tộc thiểu số đầu tiên trong tỉnh đã khai hoang 10ha trồng lúa nước 2 vụ; 10ha cà phê, sắn, bắp; lập trang trại chăn nuôi hàng trăm con bò thu hút từ 30 đến 50 lao động, lợi nhuận từ 80 đến 100 triệu đồng/năm. Hoặc như cụ Nguyễn Nè trên 69 tuổi, cán bộ Hội NCT xã Hòa Hiệp Nam (Đông Hòa) đã khai thác 1ha mặt nước nuôi tôm, mở dịch vụ bán thức ăn cho tôm, giải quyết lao động nhàn rỗi trong gia đình, thu lãi trên 50 triệu đồng/năm, giúp vốn cho 10 hộ nghèo mượn không lấy lãi và hướng dẫn cách làm ăn. Những năm sau này có các cụ như: Nguyễn Thông, 70 tuổi, hội viên NCT xã An Phú (Tuy Hòa) lập trang trại chăn nuôi bò, vịt, cải tạo vườn tạp trồng cây ăn trái có chất lượng cao, giải quyết lao động gia đình, thu lãi trên 60 triệu đồng/năm. Cụ Đỗ Năm, 64 tuổi, phường 6 (Tuy Hòa), ngư dân chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương và nuôi tôm hùm, tạo việc làm cho 20 đến 25 lao động, hằng năm lãi hơn 200 triệu đồng, đồng thời giúp vốn cho 10 hộ ngư dân nghèo. Hoặc như ở huyện Phú Hòa, có thể kể đến các cụ: Trần Bút, Nguyễn Thạnh, Vũ Un (xã Hòa Thắng), Hà Thúc Nguyên, Lê Hiến (xã Hòa Quang Nam), Đặng Đà Nẵng, Y Chữ (xã Hòa Hội)…
* Còn trong phong trào khuyến học, khuyến tài, hoạt động của Hội NCT có gì nổi bật?
- Đây là một trong những nội dung xây dựng con người, được các cấp Hội NCT trong tỉnh quan tâm, làm nòng cốt trong việc phối hợp cùng Mặt trận, các ban, ngành, đoàn thể, vận động nhân dân đóng góp hàng chục tỉ đồng xây dựng trường học 2, 3 tầng khang trang, sạch đẹp, mở rộng và đa dạng hóa các loại hình giáo dục.
Nhiều tổ chức, cá nhân đã đóng góp xây dựng quỹ khuyến học để hỗ trợ khen thưởng, cấp học bổng cho học sinh nghèo vượt khó… Tiêu biểu như các cụ Nguyễn Đông Anh đóng góp 10 triệu đồng, Trần Văn Sum, Hội Phụ huynh học sinh Trường tiểu học Xuân Lộc 1 (TX Sông Cầu) vận động xây dựng quỹ khuyến học của trường trên 30 triệu đồng…
Nhiều gia đình hội viên NCT không chỉ chăm lo việc học tập cho con cháu mà bản thân mình luôn có ý thức học tập để nâng cao trình độ, nâng cao tay nghề, góp phần cải thiện nâng cao thu nhập đời sống. Theo báo cáo ban đầu của Ban đại diện NCT các huyện, thị xã, thành phố, đến nay, đã có gần 5.000 gia đình hiếu học. Đó là gia đình các cụ Minh Văn Thâu, dân tộc Chăm, Nguyễn Minh Đức (Đồng Xuân); Lưu Thị Kim Ngọc, Đoàn Minh Tư (Phú Hòa); Hồ Mới, Nguyễn Chỗ, Nguyễn Hồng Chủng (Đông Hòa)…Qua đó, Hội NCT góp phần đẩy mạnh việc khuyến học, khuyến tài trong cộng đồng, góp phần nâng cao dân trí, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
* Xin cảm ơn ông!
THÙY THẢO (thực hiện)