Tên thường gọi của già làng Nay Thô là Oi Ly, nay đã 74 tuổi. Không những biết làm ăn, ông còn là già làng có uy tín ở buôn Học (xã Krông Pa, Sơn Hòa) vì luôn hết lòng vì buôn làng.
Già làng Nay Thô - Ảnh: T.L.KHA
Năm 25 tuổi, ông chia tay với mẹ cha, buôn làng tham gia bộ đội, được biên chế vào đơn vị E3-03 thuộc tỉnh Đắk Lắk. Tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên, bị thương 2 lần vào năm 1965 và 1967, đến cuối năm 1973 thì ông phục viên về lại buôn làng.
Trong những năm đầu quê hương mới giải phóng, với bản chất người lính Cụ Hồ, ông không cam chịu khó khăn, cần mẫn ra sức sản xuất, chăn nuôi, cuộc sống gia đình khá dần. Nay Thô bộc bạch: Gia đình tôi hiện nay lúa, bắp trồng đủ ăn quanh năm. Nhà cửa xây cất đàng hoàng và đồ dùng trong gia đình như ti vi đến xe máy… cũng từ tiền bán bò mà có được”. Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó trưởng buôn Học cho biết, ở buôn này, nhà già làng Nay Thô là nuôi bò nhiều nhất, hiện có gần 30 con. Cũng theo lời phó trưởng buôn, Nay Thô chăn nuôi bò ngày càng phát triển là do biết chăm sóc, phòng bệnh tốt, có chuồng trại che mưa gió vào mùa đông, che nắng rát vào mùa hè. Bà con trong buôn Học, ai cũng học tập cách nuôi của ông, nhờ vậy mà 72 hộ trong buôn có tổng đàn bò 425 con. Vài năm trước đây, các hộ Ma Ngót, Ma Pốt, Ma Lép… mỗi người chỉ có một đôi bò cày. Làm theo cách của Nay Thô, nay họ đã có hàng chục con. Ma Pốt phân bua: “Là bộ đội giải phóng nên Nay Thô tốt lắm. Ông hướng dẫn cho bọn tôi cách phòng bệnh lở mồm long móng, luôn giữ chuồng trại sạch sẽ, tiêm phòng dịch bệnh phải đúng theo định kỳ. Nhờ vậy mà đàn bò của nhà tôi nay đã có 20 con. Còn Ma Dàn, Trưởng ban Công tác Mặt trận buôn Học cho biết: “Nay Thô là thành viên tích cực của tổ hòa giải ở địa phương. Mỗi khi trong buôn xảy ra các vụ việc như tranh chấp đất đai, mâu thuẫn gia đình, thanh niên uống rượu say gây mất trật tự…, chúng tôi thông báo là ông tới liền. Nhờ cách ăn nói mộc mạc, gần gũi, có lý có tình nên hầu hết các vụ mâu thuẫn đều được giải quyết thỏa đáng”.
Bí thư Chi bộ buôn Học Ma Uy nhận xét: Già làng Nay Thô không chỉ làm ăn giỏi mà còn có tinh thần tương thân tương trợ trong cộng đồng dân cư. Cụ thể, lúc thời vụ khẩn trương, hộ nào thiếu bò cày kéo là ông sẵn sàng giúp đỡ. Nay Thô là chiếc cầu nối giữa bà con buôn làng với chính quyền các cấp, tích cực vận động người dân đoàn kết chung tay xây dựng nông thôn mới.
TRẦN LÊ KHA