Gắn bó với chương trình tín dụng học sinh sinh viên của Ngân hàng Chính sách xã hội (VBSP) huyện Phú Hòa từ những ngày đầu, trong những năm qua, chị Đặng Thị Nhẹ, tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn (TKVV) thôn Đông Phước, xã Hòa An (Phú Hòa) đã giúp hàng trăm sinh viên trong thôn được vay vốn, tiếp tục đi học…
Chị Đặng Thị Nhẹ - Ảnh: V.AN
Những ngày đầu được phân công làm tổ trưởng Tổ TKVV, chị Nhẹ chưa hình dung được công việc ra sao. Nhờ được các cấp động viên, chị bắt đầu tìm hiểu cách thức tuyên truyền các chính sách liên quan, việc quản lý vốn vay, vận động người dân gửi tiết kiệm hàng tháng… Khi Nhà nước có chủ trương cho học sinh, sinh viên vay vốn đi học, ngoài việc tổ chức họp thôn, thông báo cho người dân thuộc diện được vay vốn biết về chính sách này, chị Nhẹ còn đến từng gia đình khó khăn, có con đến tuổi thi đại học để vận động họ vay vốn cho con tiếp tục đến trường. Chị Nhẹ cho biết: Những hộ có học sinh, sinh viên đậu vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, dạy nghề muốn vay vốn này thì mỗi năm một lần phải xin giấy xác nhận có con dấu của trường. Khi có giấy xác nhận, tổ trưởng có nhiệm vụ hướng dẫn bà con làm hồ sơ vay vốn gồm biên bản họp tổ, giấy xác nhận của nhà trường, giấy đề nghị vay vốn. Sau khi tổ trưởng ký và đóng dấu xác nhận của chính quyền địa phương, gửi hồ sơ đến ngân hàng, trong vòng 7 ngày, ngân hàng sẽ thông báo danh sách những hộ vay đã duyệt, hẹn ngày chính thức giải ngân. Lúc này, tổ trưởng có nhiệm vụ báo lại hộ vay đi nhận tiền. “Lúc đầu, nhiều người dân chưa hiểu rõ về chính sách cũng như cách làm hồ sơ, thủ tục vay vốn nên thường xuyên đến nhà tôi hỏi thăm. Vào mùa giải ngân, có những đêm, bà con đến chật nhà, người hỏi cái này, người thắc mắc cái kia rất rôm rả. Khi đó, tuy công việc vất vả nhưng tôi cảm thấy rất vui vì biết mình làm được việc có ích”, chị Nhẹ chia sẻ.
Để quản lý tốt vốn vay, chị Nhẹ làm hẳn một quyển sổ ghi đầy đủ thông tin, hoàn cảnh gia đình của người vay vốn. Hàng tháng, chị phối hợp với các đoàn thể trong thôn, Tổ TKVV họp định kỳ với hộ vay nhằm tuyên truyền việc thu hồi vốn đến hạn, vận động thu lãi, thu tiết kiệm, giải đáp những thắc mắc của bà con... Ngoài ra, trước thời gian giao dịch định kỳ tại xã khoảng 1 tuần, chị Nhẹ đều gọi điện đến từng hộ vay hỏi thăm tình hình và động viên hộ vay trả nợ. Hiện thôn Đông Phước có rất nhiều hộ vay vốn cho 2, 3 con đi học như hộ Đặng Khương, Lê Văn Thuần, Huỳnh Thị Tân, Nguyễn Thị Sáng, Huỳnh Văn Đức… Đối với những hộ này, ngoài việc động viên họ trả lãi hàng tháng, chị Nhẹ còn vận động đóng tiết kiệm để giảm bớt áp lực trả một lần sau này.
Dưới sự theo dõi, đôn đốc của chị Nhẹ, số hộ gia đình và số lượng học sinh, sinh viên thôn Đông Phước được vay vốn tăng đều qua hàng năm. Tính đến cuối năm 2012, Tổ TKVV thôn Đông Phước do chị Nhẹ quản lý có 50 hộ vay vốn các chương trình tín dụng hộ nghèo, học sinh, sinh viên, giải quyết việc làm, nước sạch và vệ sinh môi trường với dư nợ hơn 1,4 tỉ đồng; riêng chương trình tín dụng học sinh, sinh viên chiếm gần 90% số vốn này. Nhiều học sinh, sinh viên ra trường đã có việc làm và đang phụ gia đình trả nợ cho ngân hàng.
Theo ông Bùi Ngọc Khiết, Giám đốc VBSP Phú Hòa, gần 10 năm làm tổ trưởng Tổ TKVV, chị Nhẹ rất tâm huyết với hộ nghèo và các đối tượng chính sách, nhất là học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh việc trực tiếp tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với hộ vay, tận tình hướng dẫn, giúp đỡ bà con làm hồ sơ, thủ tục vay vốn của VBSP, chị Nhẹ luôn niềm nở, đi đến từng hộ vay vận động bà con gửi tiền tiết kiệm, đôn đốc thu nợ, lãi; kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay; đảm bảo nguồn vốn của VBSP đến đúng địa chỉ, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định an sinh xã hội trên địa bàn. 5 năm liền (2008-2012), chị Đặng Thị Nhẹ nhận được giấy khen của VBSP Phú Hòa. Năm 2011, chị được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong 3 năm thực hiện chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên theo Quyết định 157/2007 của Thủ tướng Chính phủ.
VIỆT AN