Trong suốt 10 năm qua (2004 - 2013), thôn Xuân Hòa luôn dẫn đầu trong các phong trào thi đua yêu nước ở xã An Xuân (Tuy An). Có được kết quả này không thể không nói đến sự đóng góp của Trưởng thôn Phạm Ngọc Long. Ở tuổi 55, ông vẫn rất xông xáo, tận tâm tận lực với dân và được bà con tin yêu…
Trưởng thôn Xuân Hòa Phạm Ngọc Long (phải) trao đổi công việc với Phó bí thư Đảng ủy xã An Xuân Đặng Thanh Sơn - Ảnh: H.THU
Năm 1979, ông Long được bầu làm Phó chủ nhiệm HTX Nông nghiệp xã An Xuân, đến năm 1982 được bổ nhiệm làm kế toán và năm 1993 được bầu làm Chủ nhiệm. Sau đó, vợ không may bị tai nạn nằm một chỗ, các con còn nhỏ, ông xin nghỉ việc để có thời gian chăm sóc gia đình. Dù vậy, mỗi khi trong thôn triển khai công việc gì ông đều tham gia rất nhiệt tình. Năm 2000, ông Long được bà con bầu làm cán bộ thanh tra nhân dân, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Xuân Hòa. Năm 2004, khi ông Long làm Trưởng thôn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân địa phương còn rất nghèo, có nhiều hộ thường xuyên đói giáp hạt từ 1-2 tháng trong năm. Ông trăn trở suy nghĩ tìm cách để cải thiện tình hình. Ông Long nhớ lại: “Lúc bấy giờ, suy đi tính lại, tôi thấy chỉ có phát huy tinh thần tương thân tương ái, xóm làng đùm bọc, giúp đỡ nhau và cùng nhau phát triển kinh tế thì đời sống mới thay đổi được”. Hướng ra đã rõ, ông phối hợp với Ban xóa đói giảm nghèo của xã tạo điều kiện cho những hộ khó khăn nhất trong thôn vay vốn chăn nuôi, sản xuất. Ông đến từng nhà giải thích, vận động, hướng dẫn sử dụng vốn vay, kỹ thuật chăn nuôi, trồng lúa để đạt năng suất cao. Đến nay, các hộ nghèo trong thôn được vay vốn đã trả hết nợ và có cuộc sống khá giả. Nhiều hộ cũng đã biết cách làm giàu, mỗi năm thu hoạch gần 100 triệu đồng từ chăn nuôi bò, heo, trồng sắn, bắp, trồng rừng. Từ năm 2005 đến nay, ông luôn tạo điều kiện cho con em những gia đình nghèo, cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn vay vốn đi học ngành, nghề để vươn lên trong cuộc sống.
Song song với phát triển kinh tế, năm 2007, ông lại đứng ra vận động các hộ đóng góp tiền cùng Nhà nước xây dựng đường bê tông của thôn dài 2km với kinh phí 200 triệu đồng. Năm 2009, ông tiếp tục vận động bà con góp tiền để xây dựng tuyến mương tưới tiêu cho cánh đồng Cây Tra dài 100m với kinh phí 40 triệu đồng, trong đó dân đóng góp một nửa. Năm 2010, ông lại vận động dân đóng góp xây dựng nhà văn hóa cộng đồng của thôn với kinh phí 100 triệu đồng…
Mặc dù kiêm nhiều chức danh không có thù lao, song ông Long luôn tận tụy, hết lòng với nhiệm vụ của mình. Đặc biệt những cách làm hay của ông trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và hoạt động hòa giải giữ gìn mối quan hệ tình làng nghĩa xóm tốt đẹp là kinh nghiệm rất đáng học tập. Xuân Hòa là thôn thuần nông với 90% hộ sống bằng nông nghiệp, mặt bằng dân trí còn hạn chế nên những mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân thường xảy ra. “Người dân thấy mình giải quyết có tình có lý, nên bất kỳ mâu thuẫn lớn hay nhỏ xảy ra thì họ cũng đều tìm mình để nhờ giải quyết, phân xử”,
“Nếu trưởng thôn nào cũng tích cực, nhiệt tình và tận tâm với công tác như anh Long thì công việc của chính quyền cơ sở sẽ được giảm tải rất nhiều” - Ông Đặng Thanh Sơn, Phó bí thư Đảng ủy xã An Xuân nhận xét như vậy khi nói về ông Phạm Ngọc Long. Còn ông Long chỉ nói giản dị: “Tôi nghiệm ra rằng, việc gì mình làm công tâm, minh bạch thì dân mới tin. Khi đã tin thì bà con sẽ làm theo, vậy thôi mà!”
KHÔI NGUYÊN