Dù nắng hay mưa, những phụ nữ ở Trạm Khí tượng Tuy Hòa vẫn không quên nhiệm vụ thu thập số liệu quan trắc khí tượng, với mong muốn mang đến những thông tin mới, chính xác nhất về diễn biến thời tiết cho mọi người yên tâm sống và phát triển sản xuất.
Chị Nhung và cộng sự tổng hợp số liệu quan trắc để gửi Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung Bộ phục vụ công tác dự báo thời tiết - Ảnh: N.QUANG
Chúng tôi gặp những người phụ nữ làm công tác quan trắc khí tượng ở Trạm Khí tượng Tuy Hòa khi không khí lạnh đang ảnh hưởng đến vùng đất Phú Yên, trời âm u - điều kiện thuận lợi để sâu bệnh gây hại các loại cây trồng bùng phát. Trạm có năm người thì cả năm là nữ, trong đó có hai người quê Hà Nội và Đắk Lắk. Người có thâm niên lâu nhất gắn bó với nghề “khám bệnh” cho trời đã gần 20 năm.
Chị Võ Thị Tuyết Nhung, Trạm trưởng Trạm Khí tượng Tuy Hòa cho biết: Công việc hàng ngày là đo quan trắc khí tượng mặt đất và quan trắc khí trượng nông nghiệp, như: nhiệt độ đất, lượng mưa, khí áp, tốc độ gió… Cứ 3 giờ đồng hồ chúng tôi phải thu thập số liệu quan trắc một lần, sau đó gửi Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung Bộ tổng hợp, phục vụ công tác dự báo thời tiết, sản xuất nông nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng. “Tất cả đòi hỏi sự chính xác về thời gian, trình tự quan trắc đến từng chi tiết, bởi chỉ sai một dữ liệu thì có thể sai về các thông tin diễn biến thời tiết và gây hậu quả khôn lường”, chị Nhung tâm sự.
Phú Yên - mảnh đất khắc nghiệt với thiên tai bão lũ diễn ra thường xuyên. Những ngày nắng, công việc đo đạc của những nữ “bác sĩ thời tiết” ở Trạm Khí tượng Tuy Hòa có phần thuận lợi, nhưng những ngày trời có mưa, bão lớn, các chị phải thay phiên nhau trực 24/24 giờ, lặn lội giữa mưa gió để đo đạc, kiểm tra các thông số sao cho chính xác. Có lẽ mọi người ở đây vẫn không sao quên được cơn bão số 11 năm 2009, khi sức gió giật trên cấp 12, nhà cửa bị tốc mái, mọi người tìm nơi tránh trú an toàn, nhưng cứ 30 phút các chị vẫn phải đi thu thập số liệu quan trắc một lần để phục vụ công tác báo bão. “Từ trạm đến điểm quan trắc chỉ cách nhau vài chục mét, không chỉ “đội mưa”, chúng tôi còn phải bò lom khom để không bị gió xô ngã. Khi làm xong công việc, mọi người chỉ ăn mì gói, vì không có thời gian để nấu cơm”, chị Lê Thị Lệ Phương, cán bộ Trạm Khí tượng Tuy Hòa kể lại.
Công việc vất vả là vậy, nhưng những nữ “bác sĩ thời tiết” ở Trạm Khí tượng Tuy Hòa luôn lấy tình yêu nghề, sự tận tâm với công việc làm lẽ sống. Họ luôn đặt nhiệm vụ cơ quan giao phó lên hàng đầu và chưa bao giờ bỏ ca trực. Với hơn 15 năm trong nghề, chứng kiến sự thay đổi của thời tiết, chị Nhung hiểu rõ sự vất vả của những người làm công tác quan trắc khí tượng. Ngày trước, với lòng yêu nghề muốn cống hiến sức trẻ, chị xung phong lên huyện miền núi Sông Hinh làm công tác quan trắc khí tượng phục vụ việc xây dựng Nhà máy thủy điện Sông Hinh. Khi việc xây dựng nhà máy hoàn thành, năm 1999 chị chuyển công tác về Trạm Khí tượng nông nghiệp tỉnh Bình Định và năm 2007 về Trạm Khí tượng Tuy Hòa. Khó có thể nói hết những khó khăn, vất vả mà người phụ nữ này trải qua, với một mong muốn mang đến những bản tin thời tiết để mọi người có thể chủ động phòng tránh thiên tai. Chị Nhung chia sẻ: “Dù công việc có vất vả, đòi hỏi sự chính xác liên tục, đặc biệt là trong mùa mưa bão, nhưng tôi nguyện luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Chị Nhung kiểm tra số liệu quan trắc tại Trạm Khí tượng Tuy Hòa - Ảnh: N.QUANG
Còn với chị Nguyễn Thu Ngân, quê Hà Hội, tuy công tác trong ngành khí tượng thủy văn chưa lâu, nhưng cũng để lại trong chị nhiều kỷ niệm. Sau khi sinh con được hai tháng, giữa năm 2006 chị Ngân theo chồng vào làm việc tại Trạm Khí tượng Tuy Hòa. Khi con được bốn tháng tuổi thì chồng chị chuyển công tác ra Trạm Khí tượng thủy văn huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) đến năm 2009 mới vào đất liền. Trong khoảng thời gian này một mình chị Ngân chăm sóc con nhỏ, vừa cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ cơ quan giao phó. “Thời điểm đo đạc vất vả nhất là lúc từ 22g ngày hôm trước đến 4g ngày hôm sau. Vào những thời điểm này, có khi tôi phải bồng con nhỏ theo, vì không ai trông nom. Cũng may là khu tập thể tôi ở cũng gần điểm quan trắc, nếu không thì chẳng biết xoay xở thế nào”.
Có lẽ, những người phụ nữ chuyên quan trắc sự thay đổi các yếu tố khí hậu ở Trạm Khí tượng Tuy Hòa đã tự rèn luyện cho mình một bản lĩnh vững vàng để bám trụ được với nghề. Và để có được bản tin dự báo thời tiết cho mọi người yên tâm lao động sản xuất, không thể không kể đến công lao của những người phụ nữ thầm lặng “bắt bệnh” của trời. Chia tay các chị, tôi thầm nghĩ và biết ơn vì những việc họ đã làm và cống hiến cho cuộc sống.
“Năm phụ nữ làm công tác quan trắc khí trượng ở Trung tâm Khí tượng Tuy Hòa mỗi người một cảnh, nhưng ai cũng cố gắng vượt qua những khó khăn của bản thân để hoàn thành tốt công việc, đưa đến người dân những bản tin thời tiết chính xác để họ yên tâm sinh sống và sản xuất” - ông Trần Công Danh, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Phú Yên nhận xét và cho biết thêm: Với những đóng góp cho ngành khí tượng thủy văn, từ năm 2009 đến năm 2011, Trạm Khí tượng Tuy Hòa được UBND tỉnh Phú Yên, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, Bộ trưởng Bộ TN-MT tặng bằng khen và đang đề nghị Thủ tướng tặng bằng khen.
NGUYỄN QUANG