Ông Nguyễn Ngọc Quyên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Sơn Hà (Sơn Hòa) chỉ tay về phía đường bê tông chạy ngang trước nhà, nói: Chỉ năm ngoái thôi, đây vẫn là con đường đất, mùa mưa lầy lội như ruộng cấy, còn mùa nắng bụi mù mịt. Giờ thì sướng lắm rồi, đường sá khang trang đi lại thuận lợi lắm.
Đường bê tông liên thôn ở xã Sơn Hà (Sơn Hòa) - Ảnh: Q.HÙNG
TIN VÀO CHỦ TRƯƠNG CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC
Dẫn khách đi thăm những con đường bê tông êm thuận rộng 5m, dài hơn 1km, ông Trần Văn Minh (thôn Ngân Điền), người đã hiến hơn 100m2 đất, cho biết: Trước đây, đường vào khu nhà tôi từng được bà con ví von là “con đường đau khổ”, vì lối đi chỉ rộng khoảng 1m. Trời nắng còn đỡ, chứ có mưa xuống, nếu ai đi qua đoạn đường này cũng lấm lem như trâu tắm bùn. Khổ nhất là các cháu nhỏ đi học. Khi đó, chỉ còn cách phải cõng các cháu và vác xe đạp ra đầu ngõ mới đi học được. Từ khi có chủ trương xây dựng nông thôn mới, người dân nơi đây tự nguyện tháo dỡ tường rào, bụi rậm, chặt cây ăn quả để hiến đất làm đường. Những người hiểu về chủ trương xây dựng nông thôn mới thì vận động, giải thích cho những hộ xung quanh chưa rõ để cùng tham gia, “vì xét cho cùng, làm đường là để phục vụ lợi ích của chính mình”, ông Minh nói. Chỉ sau một thời gian ngắn được chính quyền và các ban ngành, đoàn thể của xã Sơn Hà tuyên truyền, vận động, tất cả những hộ dân thuộc diện bị ảnh hưởng trong thôn đã tự nguyện hiến đất.
Bà Võ Thị Bình, ở thôn Thạnh Hội nhớ lại: Mấy năm trước, những con đường liên xóm chỉ là dải đất nhấp nhô, nhỏ hẹp; có chiếc cầu chỉ vài miếng ván gác tạm để đi lại, rất nguy hiểm. Đặc biệt, mỗi khi vào mùa gặt lúa, chặt mía, muốn vận chuyển sản phẩm từ đồng về nhà hoặc về nhà máy thường bị vướng víu, nhiều xe tải không vào được nên đành dừng ở ngoài đường; người dân phải tự bốc vác hoặc thuê cộ bò di chuyển mía ra ngoài nên vừa tốn thời gian, công sức lại vừa mất tiền. Khi biết tin xã được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới, chúng tôi rất phấn khởi. Ngày xã họp dân để thông báo mở rộng, nâng cấp các tuyến đường nằm trong vùng quy hoạch, tôi vui lắm. Bà Bình bày tỏ: “Chúng tôi hiến đất làm đường là vì tin tưởng vào đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Lúc đầu gia đình tôi cũng phân vân lắm, vì hiến đất có nghĩa là thu nhập giảm đi. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, có đường rộng thì mới buôn bán, làm ăn thuận tiện được, đường có đẹp thì thôn, xóm mới đẹp, cũng vì lợi ích cho con cháu đời sau nữa, vì vậy tuy đất của gia đình chật hẹp nhưng tôi vẫn hiến 50m2 và đập phá hàng rào kiên cố để làm đường”.
SỨC DÂN LAN TỎA
Bắt nguồn từ việc cần con đường để thuận tiện đi lại, ông Trần Công ở thôn Ngân Điền đã mạnh dạn hiến đất, góp công; các hộ dân còn lại trong vùng thấy vậy cũng đồng loạt hưởng ứng. Đến thời điểm này, con đường bê tông trước nhà ông Công đã được đưa vào sử dụng, thuận tiện cho người dân đi lại và giao thương buôn bán. Những hộ dân hiến đất làm đường kể trên, người hiến ít cũng vài chục mét vuông, người nhiều cả trăm mét vuông đất. Nhờ có ý thức vì cộng động và được sự tuyên truyền, vận động tích cực của chính quyền, đoàn thể xã Sơn Hà, bà con đã đặt quyền lợi của tập thể lên trên quyền lợi cá nhân.
Theo bà Phan Thị Hà Phước, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Sơn Hà, khi thông báo cho bà con về chủ trương làm đường và cải tạo kênh mương nội đồng, trong đó chủ yếu phải dựa vào sự đóng góp của dân, xã rất băn khoăn vì đời sống của dân còn nhiều khó khăn. Để vận động, tuyên truyền có hiệu quả, Đảng ủy xã quán triệt cán bộ, đảng viên phải gương mẫu làm trước thì dân mới tin tưởng làm theo. Khi xây dựng một công trình nào đó, lãnh đạo xã trao đổi cụ thể các phương án, sau khi nhất trí thì đưa ra họp dân công khai để lấy ý kiến. Nếu dân đồng thuận là làm ngay, còn chưa nhất trí thì tiếp tục vận động. Nhờ vậy đa số người dân đều đồng tình hưởng ứng hiến đất làm đường giao thông liên thôn. Đã có 146 hộ dân trong xã hiến hơn 3.000m² đất vườn, ruộng phục vụ công tác giải phóng mặt bằng để làm đường.
Còn ông Nguyễn Ngọc Quyên thì cho biết: Điều đáng ghi nhận ở đây là người dân hiến đất một cách vô tư mà không hề toan tính thiệt hơn, trong đó không ít hộ thuộc diện khó khăn, thu nhập chính chỉ trông vào vài sào ruộng. Cho nên nếu biết đoàn kết toàn dân và có cách làm phù hợp thì “Khó vạn lần dân liệu cũng xong” như Bác Hồ đã dạy.
QUỐC HÙNG