Thứ Năm, 03/10/2024 07:27 SA
Những “công trình” của vợ chồng Năm Tốt
Thứ Ba, 18/12/2012 14:00 CH

Sau những năm tháng đương đầu với địch trong nhà tù Côn Đảo, sau quãng thời gian bận rộn với công việc của một thẩm phán khi đất nước hòa bình, cứ ngỡ bà Năm Tốt sẽ vui thú điền viên. Nhưng bà vẫn cặm cụi làm việc, không chỉ cho gia đình mà còn giúp cho rất nhiều đứa trẻ.

Lớp học tình thương của bà Năm đã rọi ánh sáng vào cuộc đời bao đứa trẻ nghèo ở eo biển Cà Ná, Bực Lở, còn hai công trình dẫn nước từ núi về của chồng bà giúp hơn 700 hộ dân có nước sinh hoạt. Được hỏi về những việc đã làm trong bao năm qua, bà Năm Tốt rưng rưng: “Bác Hồ nói: Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm. Tôi làm theo lời Bác dạy…”.

Lop-hoc121215.jpg
Một buổi học ở lớp tình thương

Đồng chí Nguyễn Ngọc Hai, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận nói: Tôi đánh giá rất cao công sức và tâm huyết của vợ chồng ông Năm Tốt, từ mô hình lớp học tình thương, Biển Vĩnh Hảo của bà Năm cho đến hai công trình cung cấp nước sinh hoạt cho hàng trăm hộ dân của ông Năm.

Bà Năm Tốt (tên đầy đủ là Ngô Thị Quyên, người dân quen gọi là Năm Tốt theo tên thân mật của chồng bà) tham gia cách mạng khi tuổi còn đôi mươi, bị địch kết án 5 năm khổ sai, trong đó có gần 3 năm bị đọa đày ở nhà tù Côn Đảo. Ký ức về những năm tháng sôi nổi hoạt động cách mạng, về những lần đấu tranh đầy cam go giữa “địa ngục trần gian” vẫn hiển hiện trong tâm trí người phụ nữ mảnh khảnh này. Đất nước hòa bình, sau nhiều năm đóng góp cho ngành Tư pháp ở cương vị chánh án TAND TX Phan Rang - Tháp Chàm, bà nghỉ hưu.

Là một người năng động, thích làm việc nên thay vì vui thú điền viên bên con cháu, bà Năm Tốt cùng chồng, ông Trần Năm, vào eo biển Cà Ná (trước thuộc xã Vĩnh Hảo, nay thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) mở quán ăn cho những chuyến xe ra Bắc vào Nam. Trên vùng đất giáp ranh hai tỉnh Ninh Thuận - Bình Thuận, ông bà đã làm những việc đầy ý nghĩa.

LỚP HỌC CỦA BÀ NĂM

Bà Năm Tốt nhớ lại: “Năm 1995, khi vợ chồng tôi đến đây, chung quanh chỉ có mấy nóc nhà của người dân Ninh Thuận vào chặt củi đốt than, hốt san hô về bán. Xa xa có những túp lều của bà con Bình Định vô đây mua gom san hô bán cho vựa ở TP Hồ Chí Minh… Lúc đó cực lắm, nước nôi không có, phải mua. Một xe 10m3 nước, giá 150.000 đồng”.

Chập chững bước vào con đường kinh doanh, ai cũng lo làm sao để có lợi nhuận. Riêng bà Năm Tốt thì khác. Điều khiến bà trăn trở nhất không phải là chuyện lời lãi của quán Biển Vĩnh Hảo, mà chính là tụi nhỏ ở khu vực này. Theo chân cha mẹ, tụi nhỏ trầm mình dưới nước hốt san hô. “Mùa mưa bão, các cháu vẫn lặn hụp dưới biển hốt san hô, con gái mặc đồ bộ, con trai chỉ mặc quần xà lỏn” - bà Năm Tốt xót xa nhớ lại.

Trường lớp không có, cha mẹ cắm mặt kiếm cơm nên chẳng đứa trẻ nào ở đây biết chữ. Thương đám trẻ con nhà nghèo sớm bị cuốn vào cuộc mưu sinh nhọc nhằn, muốn giúp tụi nhỏ biết đọc biết viết để sau này không phải lam lũ như cha mẹ chúng, bà Năm Tốt nảy ra ý mở lớp học tình thương. Bà phân công nhân viên đến từng nhà giải thích cho cha mẹ bọn trẻ hiểu: Muốn cho con thoát nghèo thì phải đi học!

Khoảng hai năm sau khi vợ chồng bà Năm Tốt đến eo biển Cà Ná kinh doanh, lớp học tình thương ra đời, ngay trong khuôn viên nhà hàng Biển Vĩnh Hảo. Ngày “khai giảng” có hơn 10 đứa trẻ đến lớp. “Hồi đó đi lại khó khăn, nhà các cháu làm gì có xe máy. Bởi vậy cháu nào nhà quá xa, như bọn trẻ ở xóm Bực Lở, thì không thể đi học được” - bà Năm Tốt nhớ lại.

Cuối năm 1998, bà Năm Tốt gặp các chủ xe ở Phan Rang, Phan Rí chạy tuyến Ninh Thuận - Bình Thuận, đặt vấn đề cho tụi nhỏ đi nhờ. Thấy bà Năm nhiệt tình với sắp nhỏ, các chủ xe cũng ủng hộ. Từ đó, đám trẻ ở xóm Bực Lở (thôn Vĩnh Hưng, xã Vĩnh Tân) có thể đi học, và sĩ số lớp tình thương tăng lên trên 70 em, học từ lớp 1 cho tới lớp 5.

Tuy nhiên, việc đi nhờ xe đôi khi cũng “bất cập”. Có những hôm, chủ xe quên, không dừng lại để bọn trẻ quá giang. Cánh tài xế yêu cầu bà Năm Tốt trang bị đồng phục cho các cháu, để họ dễ dàng nhận biết mà cho đi nhờ. Vậy là ngoài việc tài trợ sách vở, hàng năm, bà Năm Tốt phát cho mỗi đứa học trò hai bộ đồng phục, có in dòng chữ “Lớp học tình thương Biển Vĩnh Hảo”, để tụi nhỏ dễ dàng đón xe đi học.

Cũng vào thời điểm cuối năm 1998, sau một thời gian phân công nhân viên nhà hàng dạy học, bà Năm Tốt tìm giáo viên cho lớp tình thương. Một cô giáo tên Oanh ở Ninh Thuận đến với đám trẻ nghèo…

Năm 2005, với 55 triệu đồng, bà Năm Tốt xây một phòng học ở phía bắc nhà hàng. Từ đây, tụi nhỏ có phòng có lớp đàng hoàng, không còn phải học tạm trong nhà hàng như trước.

Ba-Nam-Tot121215.jpg

Bà Năm Tốt (bên phải) và cô giáo Lê Thị Phụng (ảnh nhỏ) - Ảnh: L.VY

TÌNH NGƯỜI ẤM ÁP

Đã từng đến những lớp học tình thương của Trung tâm Vòng Tay Ấm, của Bộ đội Biên phòng song tôi vẫn thấy bất ngờ khi bước vào lớp học của bà Năm Tốt. Trong lớp, bàn ghế được chia làm hai, một nửa hướng về tấm bảng phía bên này, dành cho trẻ mầm non, lớp 1 (vào buổi sáng), lớp 2, lớp 3 (vào buổi chiều); một nửa hướng về tấm bảng phía bên kia, dành cho trẻ lớp 4, lớp 5. Ngày hai buổi, có khoảng 60 đứa trẻ đến đây tìm cái chữ.

Học sinh ở lớp tình thương này rất đặc biệt. Tóc cháy nắng, chân tay nhem nhuốc, những đứa trẻ tên Bo, Gió, Lẹ, Trắng… lớn lên như cỏ dại. Nhiều em không có giấy khai sinh; một số em đến lớp mang theo củ khoai, gói mì ăn liền… trong cặp. Đó là bữa sáng.

Cô giáo Phụng bắt đầu buổi học bằng việc… cắt móng tay cho học trò. Có đứa tỏ ra thích thú nhưng có đứa giãy nảy: “Cô đừng cắt móng tay em. Cắt hết lấy gì mà gãi?”. Cô giáo hỏi: “Em không tắm đã mấy ngày rồi?”. Thằng bé vừa phản đối việc cắt móng tay hồn nhiên trả lời: “10 ngày rồi cô”.

Thật không dễ dàng để đưa cái chữ đến với tụi nhỏ nơi này, nhưng cô giáo Lê Thị Phụng ở Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) đã vượt hơn 200 cây số để đến với các em từ tháng 9/2007 đến nay. Cô Phụng là giáo viên thứ ba, và tính đến thời điểm này, cô là người gắn bó với lớp lâu nhất.

“Mấy đứa nhỏ tội lắm, đứa thì ba mẹ quần quật kiếm tiền, có đứa mồ côi cả cha lẫn mẹ, có đứa không biết cha mình là ai… Tôi chỉ mong các em biết đọc, biết viết, biết tính toán để sau này bớt khổ” - cô giáo Phụng xúc động chia sẻ.

Ngày ngày, sau khi lên lớp, cô giáo Phụng trở về căn phòng nhỏ trong khuôn viên nhà hàng Biển Vĩnh Hảo. Lương tháng 2,4 triệu đồng, tiền ăn ở và 21% bảo hiểm xã hội đều do bà Năm Tốt chi trả. “Tôi chỉ mong cô giáo gắn bó lâu dài với lớp” - bà Năm Tốt nói - “Hai giáo viên trước thiệt thòi nên không yên tâm làm việc ở đây, vì lúc đó họ chưa có bảo hiểm xã hội. Sau khi thành lập doanh nghiệp, tôi đã đóng bảo hiểm xã hội cho giáo viên”.

Chị Đặng Thị Mai ở xã Vĩnh Tân nói: “Cũng nhờ bà Năm Tốt. Không có bà thì mấy đứa nhỏ ở đây mù chữ”. Lứa học trò đầu của lớp tình thương có người đang cầm súng bảo vệ Tổ quốc, có người làm việc tại nhà hàng Biển Vĩnh Hảo, có người như con chim tung cánh bay.

15 năm qua, lớp học tình thương của bà Năm như ngọn đèn rọi niềm tin vào những gia đình nghèo sống ở eo biển Cà Ná, Bực Lở - niềm tin về một ngày mai tươi sáng.

Nhìn người phụ nữ ngoài 60 tuổi, mảnh khảnh, từng mắc bệnh về tủy và phải đội mũ thường xuyên để giữ ấm đầu, tôi tự hỏi bà lấy đâu ra sức mạnh để làm được một việc đáng khâm phục trong suốt 15 năm qua. “Sau bao năm tham gia cách mạng, bao năm đóng góp trong ngành Tư pháp, sao bà không nghỉ ngơi mà lại trăn trở với việc đưa cái chữ đến cho trẻ nhà nghèo?”. Nghe tôi hỏi, người cựu tù Côn Đảo rưng rưng: “Bác Hồ nói: Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm. Tôi làm theo lời Bác dạy…”.

CÔNG TRÌNH CẤP NƯỚC CỦA ÔNG NĂM

Nếu như bà Năm Tốt giúp ích cho cộng đồng bằng lớp học tình thương được duy trì từ năm 1997 đến nay thì chồng bà, ông Trần Năm, có hai công trình khác, cũng rất ấn tượng.

Bức xúc trước tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt, phải mua với giá đắt đỏ, sau nhiều lần tìm hiểu, năm 2003, ông Năm Tốt bàn với vợ bỏ tiền ra làm đường ống đưa nước từ trên núi cao về, trước thì gia đình dùng, sau san sẻ cho người dân xung quanh. Bà Năm đồng ý ngay.

“Trong kháng chiến, tôi hoạt động ở khu vực này nên biết rõ nguồn nước từ những con suối trên núi, cách khu dân cư mấy cây số” - ông Năm Tốt kể. Để tích nước thì phải xây đập. Ông Năm Tốt từng làm việc ở Ban Kinh tế Tỉnh ủy Ninh Thuận, biết về kinh tế chứ về xây dựng thì không rành. “Khó nhất là xây đập” - ông Năm Tốt nhớ lại - “Tôi nhờ kỹ sư thủy lợi, phó giám đốc một công ty thủy lợi tư vấn cách xây”.

Từ quốc lộ 1 ngược lên núi, đến con đập cao nhất phải mất 4 tiếng đồng hồ. Ông Năm Tốt thuê người đưa vật liệu xây dựng lên núi. Lên đến nơi, tính ra chi phí cho một bao xi măng “đội” lên gần gấp 3 lần. “Rất nhiều người nói tôi khùng” - ông Năm Tốt mỉm cười nhớ lại - “Anh em công nhân thấy khổ quá, nản, nhưng tôi không nản, bởi tôi hiểu người dân ở khu vực này thiếu nước như thế nào, cần nước như thế nào”.

Xây đập xong, ông nhờ nhân viên kỹ thuật bên công ty cấp thoát nước hướng dẫn cách lắp đặt đường ống, sau đó công nhân tự làm.

Năm 2009, công trình đưa nước về thôn Vĩnh Hưng (xã Vĩnh Tân) hoàn tất. Hai năm sau, công trình đưa nước về xã Phước Diêm (huyện Ninh Phước, Ninh Thuận) cũng hoàn thành. Tính ra, ông Năm Tốt đã đầu tư xây hơn 10 cái đập nhỏ, lắp đặt tổng cộng 20km đường ống dẫn nước. Các “hạng mục” ấy tiêu tốn của vợ chồng ông ngót nghét 7 tỉ đồng. Đó là số tiền mà ông bà dành dụm tích góp được trong suốt 10 năm nuôi tôm sú và kinh doanh nhà hàng.

Tốn bao công sức, tiền của, song niềm vui mà ông bà Năm Tốt nhận được cũng rất lớn: Hơn 200 hộ dân ở thôn Vĩnh Hưng và hơn 500 hộ dân ở xã Phước Diêm có nước sinh hoạt, không còn phải mua với giá từ 20.000-30.000 đồng/m3 khi khan hiếm nước (những khu vực mà ông Năm Tốt cung cấp nước, nước của công ty cấp thoát nước vẫn chưa đến được). Ông Năm Tốt cho bà con sử dụng miễn phí trong hai năm đầu, sau đó thu tiền nhưng với giá rất phải chăng: 5.000 đồng/m3 đối với các hộ gia đình, 7.000 đồng/m3 đối với các hộ kinh doanh. Nơi nào xa quá thì tính 6.000-7.000 đồng/m3.

Bao năm lao tâm khổ tứ với hai công trình đưa nước từ trên núi cao về, giờ đây, ở tuổi 69, ông Năm Tốt có thể mỉm cười khi nhìn lại chặng đường vất vả đã qua. “Có nước, bà con rất mừng, còn tôi vui vì làm việc có ích cho dân” - ông nói.

Tiếng lành đồn xa, ông bà Năm Tốt trở thành người nổi tiếng khi nhiều nhà báo, đoàn làm phim tìm đến lớp học tình thương và hai công trình cung cấp nước của ông bà. Vợ chồng Năm Tốt trở thành nhân vật chính trong những tác phẩm của họ. Trước ống kính máy ảnh, máy quay, ông bà Năm Tốt mỉm cười hiền lành, giản dị nói rằng: Việc gì có lợi cho bà con thì làm..

LÂM VY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Một trưởng công an xã tận tụy
Thứ Sáu, 14/12/2012 08:22 SA
Một “thủ lĩnh” Đoàn làm kinh tế giỏi
Thứ Năm, 13/12/2012 08:30 SA
Hoa thơm trên bục giảng
Thứ Tư, 12/12/2012 08:40 SA
Giúp người là bổn phận
Thứ Ba, 11/12/2012 09:00 SA
Cựu chiến binh vùng cao mẫu mực
Thứ Hai, 10/12/2012 08:00 SA
Một cán bộ Mặt trận xuất sắc
Thứ Bảy, 08/12/2012 08:30 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek