Thứ Năm, 03/10/2024 07:27 SA
Cô giáo có nhiều sáng tạo
Thứ Ba, 20/11/2012 09:00 SA

Tay ngang vào nghề nhưng cô giáo Trần Thị Liên ở Trường mầm non Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh đã luôn cố gắng, sáng tạo trong công việc. Qua việc tận dụng những vật dụng phế thải để tạo thành các mô hình học tập cho trẻ từ 5-6 tuổi, cô giáo 37 tuổi này đã góp phần thay đổi cách nhìn nhận của mọi người về sự quan trọng của bậc học mầm non, đồng thời học cách tiết kiệm, bảo vệ môi trường.

 

co-giao121120.jpg

Cô giáo Trần Thị Liên với mô hình đồ dùng dạy học An toàn giao thông làm từ vật liệu phế thải - Ảnh: H.MY

NHỮNG MÔ HÌNH BIẾT NÓI

 

Buổi học của lớp mẫu giáo lớn A, Trường mầm non Đức Bình Tây trở nên sôi động khi cô giáo Trần Thị Liên “trình làng” hai mô hình đồ dùng học tập quy mô và sinh động được làm từ vật dụng phế thải: mô hình An toàn giao thông và Lễ hội Tây Nguyên. Các em học sinh reo vui thích thú khi bắt gặp những vật dụng quen thuộc như vỏ chai, vỏ bút bi, đĩa CD hỏng, ống chỉ… qua bàn tay khéo léo của cô Liên đã hình thành nên những con công, con trâu, búp bê, nhà sàn, xe tải, chiếc thuyền, cây cầu... xinh xắn. Ngoài việc dùng trong các giờ học về an toàn giao thông, văn hóa, học về thế giới động vật, học vẽ, các đồ vật này còn được cô Liên dùng để phân vai cho học sinh và minh họa cho nhân vật trong các câu chuyện cổ tích. Cô Liên cho biết: “Việc tạo ra mô hình An toàn giao thông nhằm giúp trẻ hình dung được các phương tiện giao thông đường bộ và đường thủy, hiểu hơn về các quy định khi lưu thông trên cầu, ngồi trên thuyền sao cho an toàn và đúng luật lệ. Còn với mô hình Lễ hội Tây Nguyên, tôi muốn giới thiệu đến trẻ về lễ hội đâm trâu xoay cột, một lễ hội đặc trưng của người đồng bào và cũng là một nét văn hóa đặc sắc của Sông Hinh. Khi sử dụng các đồ vật được làm từ vật dụng phế thải này vào tiết học, tôi thấy không khí lớp học rất sôi động, qua đó giáo dục trẻ học cách tiết kiệm, bảo vệ môi trường”. Em Nguyễn Minh Vũ, một học sinh chia sẻ: “Ở trường, sau khi uống sữa hoặc ăn yaourt xong, chúng em giữ lại vỏ hộp, muỗng nhựa để đưa lại cho cô giáo. Về nhà, em cùng ba mẹ gom những chai nước, chai mắm đã qua sử dụng mang đến cho cô làm đồ chơi”.

 

Mỗi chi tiết trong mô hình là một sự kỳ công, suy nghĩ và sáng tạo. Từ tháng 8/2011, khi ý tưởng về mô hình An toàn giao thông ươm mầm, cô Liên bắt đầu hành trình quyên góp các vật dụng phế thải từ nhà những người quen đến các tiệm may, nơi thu mua phế liệu. Những lúc trên đường đi dạy, vô tình nhìn thấy một vật dụng nào bị vứt bên đường, cô Liên cũng không ngại dừng lại, cẩn thận phủi đất cát rồi mang về nhà, rửa sạch, phơi khô để dành làm nguyên vật liệu hiện thực hóa ý tưởng. Một chiếc chiếu trúc bị vứt bỏ, qua bàn tay khéo léo, tỉ mẩn của cô, nó trở thành một cái nhà rông đặc sắc. “Vì phải đi dạy hai buổi/ngày nên tôi thường tranh thủ buổi trưa và tối để làm, thậm chí nhiều khi say mê đến quên cả ngủ. Đến tháng 10/2012, mô hình An toàn giao thông cơ bản hoàn thành, tôi tiếp tục thu gom nguyên vật liệu tiếp để làm xong mô hình Lễ hội Tây Nguyên vào tháng 12/2012. Với hai mô hình này, sau khi đoạt giải nhất ở trường, tôi tiếp tục đoạt 2 giải A cuộc thi làm đồ dùng học tập của huyện và được xét công nhận sáng kiến cấp tỉnh đợt I năm 2012”, cô Liên chia sẻ.

 

HẾT LÒNG VỚI NGHỀ

 

Cô Liên đến với nghề giáo như một cơ duyên. Từ một cô thợ may lành nghề, theo lời động viên của cô Lê Thị Kim Rơi, nguyên Hiệu trưởng Trường mầm non Đức Bình Tây, cô Liên nộp đơn đi dạy và may mắn trở thành giáo viên của trường. Thời điểm đó, mặc dù lương hợp đồng ba cọc ba đồng, đời sống giáo viên mầm non còn nhiều khó khăn, trường học lại chưa xây, phải mượn tạm trụ sở thôn để dạy, nhưng chưa bao giờ cô Liên có ý nghĩ bỏ nghề. Tay ngang đi dạy nên cô Liên luôn cố gắng học hỏi các đồng nghiệp, tự nghiên cứu nâng cao kiến thức. Sau khi hoàn thành 3 năm hệ trung cấp giáo dục sư phạm mầm non, cô học liên thông lên hệ cao đẳng và bây giờ cô là sinh viên năm 3 của Trường đại học Phú Yên.

 

Hơn 17 năm gắn bó với Trường mầm non Đức Bình Tây, nhưng mãi đến năm 2010, cô Liên mới được xét vào biên chế. Xem đó như một sự ghi nhận nên cô càng cố gắng, sáng tạo trong công việc. Nhiều năm liền, cô đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Năm 2011, cô được Công đoàn ngành GD-ĐT tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Công đoàn. Cô Liên cho biết: “Năm đầu tiên về trường dạy, tôi đã được ban giám hiệu tin tưởng chọn đi thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Lúc đó, tay ngang đi dạy, mà lại nhận trọng trách nặng nề nên tôi lo đến mất ngủ mấy đêm liền. May sao, lần đó tôi đoạt giải, mừng đến phát khóc”.

 

Lần thứ hai cô Liên khóc trong đời đi dạy của mình là lúc nhìn thấy Trường mầm non Đức Bình Tây khi vừa mới xây xong. Sau 4 tháng nghỉ sinh con trai đầu, đi dạy trở lại, ngỡ ngàng trước ngôi trường mơ ước nay đã thành hiện thực, nước mắt cô đã chảy. “Tôi luôn xem Trường mầm non Đức Bình Tây như ngôi nhà thứ hai của mình. Vì vậy, trong mọi hoạt động, tôi luôn dành hết tình yêu thương, lửa nhiệt huyết, mong muốn trường ngày càng phát triển, dạy được nhiều thế hệ học trò, chuẩn bị cho các em hành trang tốt nhất để vào lớp một”, cô Liên tâm sự.

 

Hiệu trưởng Trường mầm non Đức Bình Tây Nguyễn Thị Sa nhận xét: “Liên là một cô giáo yêu nghề, chịu khó và giàu sức sáng tạo. Cách làm đồ dùng học tập từ vật dụng phế thải cho trẻ 5-6 tuổi của cô không chỉ giúp nhà trường tiết kiệm đáng kể chi phí cho việc mua sắm đồ chơi, đồ dùng học tập mà còn tạo ra những sản phẩm mới lạ, an toàn, thân thiện với môi trường”.

 

HÀ MY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek