Thứ Năm, 03/10/2024 09:32 SA
Xứng danh lính Cụ Hồ
Thứ Tư, 31/10/2012 09:00 SA

Từng là chiến sĩ đặc công của B15 (Trung đội Đặc công đầu tiên của tỉnh Phú Yên thời chống Pháp), tuổi trẻ của ông là những tháng năm xông pha trên các chiến trường Phú Yên, Lâm Đồng, Đắk Lắk… Là một thương binh, bệnh binh nặng, nghỉ hưu chưa được bao lâu, ông tiếp tục cống hiến trên mặt trận mới - công tác xã phường thêm 36 năm nữa! Ông là Trần Công Khánh sinh năm 1933, hiện đang sinh sống tại khu phố Nguyễn Công Trứ (phường 6,TP Tuy Hòa).

 

K121031.jpg

Ông Trần Công Khánh - Ảnh: H.ANH

CHIẾN ĐẤU NGOAN CƯỜNG

 

Năm 1945, mới 12 tuổi nhưng cậu bé Khánh đã theo các bậc tiền bối ở phường 6 TX Tuy Hòa, (nay là TP Tuy Hòa) tham gia cướp chính quyền. Năm 1947, cha ông là Trần Ca bị giặc Pháp sát hại, cậu bé Khánh phải mồ côi cha khi mới 14 tuổi. Hình ảnh người cha bị giặc Pháp bắn luôn thôi thúc ông phải làm một việc gì đó… nên ông đã tự nguyện nhận làm liên lạc cho Thị đội rồi được tuyển vào B15 đặc công của tỉnh. Trong thời gian ở B15, ông tham gia nhiều trận đánh. Trong đó, trận đánh vào Sở chỉ huy của 24 tiểu đoàn Pháp đóng ở TX Tuy Hòa là “sướng” nhất vì được chứng kiến kho xăng của giặc cháy ngút trời 3 ngày đêm, 150 chiếc xe GMC bị thiêu rụi, nhiều binh lính giặc bị bắt sống... Tháng 7/1954, ông tập kết ra Bắc, biên chế vào Sư đoàn 305 đóng quân ở Thái Bình và Phú Thọ. 5 năm sau, ông là một trong 3 người được lựa chọn để bổ sung về Tiểu đoàn 323 đặc công của Bộ Tổng tham mưu tham gia công tác đặc biệt. Ở đây, ông được học chính trị, nghiệp vụ đặc công. Đầu năm 1961, ông cùng với 13 đồng chí khác chính thức trở về miền Nam chiến đấu. “Lúc này cứ nghĩ mình sẽ được về Phú Yên tiếp tục đánh giặc nên tôi phấn khởi lắm nhưng lại mừng hụt”, ông nói. Đoàn đi đến Quảng Trị thì nhận được lệnh của Bộ Tổng tham mưu phải thay tên, đổi họ, đổi vùng hoạt động. Lúc này ông được đặt một tên mới là Trần Quốc Tuấn rồi về vùng 6 Lâm Đồng hoạt động, sau đó chuyển sang địa bàn Đắk Lắk. Trong một trận đánh tại Ea Súc (Đắk Lắk), do nguyên thượng tướng Nguyễn Trọng Xuyên chỉ huy, ông bị thương rất nặng, trên người không còn chỗ nào không có vết thương. Lần bị thương này ông được đưa ra Bắc điều trị tại Viện Quân y 108 và phải phẫu thuật đến 3 lần. Sau một thời gian dài dưỡng thương và đi học tại Học viện Chính trị, ông vẫn luôn ở trong tình cảnh “ngày Bắc, đêm Nam”. Năm 1966 ông đã dấu mình là một thương binh nặng để được về Nam chiến đấu. Lần này đoàn đi đến Quảng Trị, vết thương tái phát, bị tổ chức phát hiện nên ông phải quay lại miền Bắc lần thứ…3 và được điều về làm chính trị viên của Tiểu đoàn an dưỡng thuộc Đoàn an dưỡng 586 ở Nam Hà. Năm 1974 ông phải nghỉ hưu vì có kiến nghị của Viện Quân y 108 “đây là bệnh binh mất sức 65%, thương tật 61%”!!!

 

36 NĂM “VÁC TÙ VÀ HÀNG TỔNG”

 

Năm 1975 đất nước thống nhất, ông trở về Phú Yên giữa lúc quê hương vừa giải phóng, người dân đang bắt tay xây dựng lại cuộc sống mới. Được tổ chức động viên, ông tiếp tục tham gia công tác phường. “Lúc đầu tôi nghĩ tôi chỉ làm một nhiệm kỳ nhưng không ngờ công việc này cứ theo đuổi mãi”- ông Khánh bảo. Từ năm 1975 cho đến cuối năm 2011, ông được tín nhiệm bầu làm nhiều chức danh ở phường và khu phố như: Chủ tịch Mặt trận, Chủ tịch UBND, Bí thư chi bộ, Trưởng ban cải tạo hải sản phường 6; Phó bí thư, Bí thư khu phố Nguyễn Công Trứ... 36 năm tham gia công tác của phường, đảm nhiệm nhiều công việc khác nhau nhưng việc nào cũng được ông hoàn thành xuất sắc. Có những thời điểm hết sức khó khăn như giai đoạn sau giải phóng. Nhiệm vụ lúc này là phải củng cố chính quyền, xây dựng lực lượng, đẩy mạnh sản xuất trong khi đó không ít người dân còn nặng tư tưởng hưởng thụ vì vậy họ lén lút vượt biên, vượt biển gây nên nhiều hệ lụy, ảnh hưởng rất lớn đến tình hình an ninh trật tự thời bấy giờ. Trước tình hình đó, ông cùng chính quyền vận động mọi người ổ định công việc làm ăn; đồng thời tìm các giải pháp giúp bà con phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, an cư lạc nghiệp. Thời kỳ vận động đưa dân lập nghiệp vùng kinh tế mới ở đập Đồng Cam cũng không kém vất vả đối với chính quyền địa phương. Ông cùng chiếc xe đạp đòn ngang thường xuyên đi đi về về từ Tuy Hòa đến vùng kinh tế mới để động viên bà con yên tâm lập nghiệp và kịp thời giải quyết những vướng mắc xảy ra. Bà Trần Thị Thả, vợ ông bảo: “Thời kỳ này ông nhà tôi đi nhiều lắm, không lúc nào thấy ông ấy rảnh, các chế độ cho cán bộ xã phường thời đó không có gì, đúng là “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Còn ông cười bảo: “Thời đó phụ cấp chẳng có gì, tôi làm việc với tinh thần cộng sản là chính, chủ yếu là để giúp dân. Không những bỏ công sức, nhiều khi phải bỏ cả tiền túi nữa chứ! Lúc đó mà ai cũng đòi hỏi có chế độ thì còn ai chịu làm cán bộ xã phường?”.

 

Trong suốt thời gian làm công tác ở phường, khu phố, những lúc trái gió trở trời là vết thương lại tái phát, có những lúc phải cấp cứu nằm viện điều trị nhưng vì trách nhiệm với dân, ông lại đứng lên tiếp tục công việc. Nhìn căn nhà cấp 4 đã xuống cấp mà gia đình ông đang ở, tôi thật sự ngạc nhiên. Ông cho biết, năm 1976, Nhà nước cũng cấp nhà, đất ở đường Trần Hưng Đạo nhưng ông không lấy, sau đó cũng có nhiều cơ hội nữa nhưng ông chỉ thích về ở trên chính mảnh đất mà ông cha đã từng sinh sống. “Tôi nghĩ mình còn sống sót để trở về, còn được tiếp tục cống hiến như thế là tốt lắm rồi”, ông nói. Đến tháng 11/2011, người dân tín nhiệm bầu ông tiếp tục làm khu phố trưởng nhưng do tuổi cao, sức khỏe yếu nên ông xin nghỉ. Trong suốt thời gian dài làm công tác ở phường, khu phố, ở đâu có khó khăn là ở đó có ông. Vì vậy thành tích của phường 6 đạt được trong từng giai đoạn đều gắn liền với tên tuổi ông. Năm 1978, phường 6 là một điển hình tiêu biểu của tỉnh Phú Khánh (cũ) được báo cáo thành tích về công tác chống vượt biên, vượt biển, giữ vững tình hình an ninh chính trị. Trong thời kỳ đổi mới, phường 6 nói chung, khu phố Nguyễn Công Trứ nói riêng vẫn luôn giữ vững là khu phố vững mạnh về nhiều mặt, khu phố văn hóa nhiều năm liền. Bản thân ông được nhận nhiều giấy khen và bằng khen của các cấp khen thưởng...

 

Nhiều người dân ở phường 6 nói về ông Trần Công Khánh với sự trân trọng và tự hào: Ông Khánh là một người lính Cụ Hồ tiêu biểu chẳng những trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ mà còn trong thời kỳ đổi mới. Ông luôn gương mẫu đi đầu thực hiện và vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xứng đáng là một tấm gương sáng để chúng tôi học tập và noi theo...

 

HÀ ANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Gần dân mới được dân tin, dân mến
Thứ Ba, 30/10/2012 08:30 SA
Một cán bộ Mặt trận vì dân
Thứ Hai, 29/10/2012 09:02 SA
Chủ tịch xã năng nổ
Thứ Bảy, 27/10/2012 09:00 SA
Cô Phụng hai giỏi
Thứ Năm, 25/10/2012 09:00 SA
Người tận tâm với công việc
Thứ Tư, 24/10/2012 08:03 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek