Năm nay đã 69 tuổi, bị mù nhưng ông Hoàng Tự Điển, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh luôn hết lòng với công việc, đem lại “ánh sáng” và niềm tin cho nhiều người mù trong tỉnh, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ “Tàn nhưng không phế”.
Ông Hoàng Tự Điển (đứng) tại lớp học nâng cao kỹ năng sống cho người mù - Ảnh: K.CHI
Trong những năm tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam, gặp muôn vàn gian khổ, cả vật chất lẫn tinh thần, nhưng ông Điển một lòng trung thành với Đảng, với cách mạng. Khi hòa bình lập lại, ông tiếp tục phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng. Khi công tác cũng như về hưu ông luôn phát huy bản chất bộ đội Cụ Hồ. Trên cương vị giám đốc Sở LĐ-TB-XH Phú Yên ông đã đưa đơn vị đạt nhiều thành tích, được tỉnh, bộ, Thủ tướng tặng bằng khen; Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng ba, hạng nhì, hạng nhất và Huân chương độc lập.
Từ ngày nghỉ hưu, ông Điển luôn giữ vững phẩm chất của người đảng viên, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Dù gia đình thuộc diện thương binh, liệt sĩ được miễn giảm các khoản đóng góp của địa phương, nhưng ông luôn động viên con cháu trong gia đình thực hiện tốt nghĩa vụ công dân. Đồng thời, vận động người dân nơi cư trú tích cực hưởng ứng, được công nhận gia đình văn hóa.
Mặc dù bị thương tật, nhưng khi lãnh đạo tỉnh yêu cầu, ông sẵn sàng “xắn tay áo” thành lập Hội Người mù tỉnh. Không có cán bộ sáng mắt giúp việc, không có trụ sở, trang thiết bị tối thiểu nào để làm việc, kể cả phụ cấp cho Ban thường vụ Hội, nhưng với trách nhiệm của một đảng viên, ông đã làm hết khả năng của mình để đưa hoạt động của Hội Người mù tỉnh từng bước phát triển.
Ông Nguyễn Ngọc Cừ, Phó chủ tịch Hội Người mù tỉnh cho biết: Nhờ tâm huyết của đồng chí Điển mà Hội Người mù tỉnh phát triển được 917 hội viên trong tổng số 1.500 người mù trên địa bàn tỉnh. Nhiều người mù từng bước được chăm sóc tốt hơn, được học chữ Braill, học nghề theo khả năng, vay vốn giải quyết việc làm... có thu nhập, cải thiện cuộc sống và hòa nhập cộng đồng.
KIM CHI